|
Sẽ có nhiều công ty chứng khoán hợp nhất với nhau trong năm nay. |
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, 5 năm qua thị trường đã thanh lọc được khá nhiều công ty chứng khoán yếu kém, hiện chỉ còn 85 công ty, giảm 25% so với trước. Sắp tới hoạt động thanh lọc sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nên sẽ có nhiều các thương vụ sáp nhập giữa các công ty chứng khoán với nhau.
"Theo như quan sát của chúng tôi sẽ có khoảng 3 thương vụ trong năm nay. Ủy ban chứng khoán sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục và ngồi lại cùng tháo gỡ khó khăn", ông Bằng nói.
Ông cũng cho rằng, việc quyết liệt thanh lọc các công ty chứng khoán nhằm giúp thị trường phát triển bền vững, tránh gặp phải hỗn loạn và thiếu an toàn như chứng khoán Trung Quốc gần đây.
|
Sẽ có nhiều công ty chứng khoán hợp nhất với nhau trong năm nay. |
Mở màn cho trào lưu sáp nhập nửa cuối năm nay là Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (HPC). Tại đại hội cổ đông thường niên 2015, công ty này đã thông qua kế hoạch hợp nhất với Công ty cổ phần Chứng khoán Á - Âu (AAS). Hiện, đơn vị này đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để có thể thực hiện ngay việc hợp nhất trong năm 2015. Bởi lẽ, theo lãnh đạo Chứng khoán Hải Phòng, kế hoạch tái cấu trúc thị trường chứng khoán ngày càng gay gắt, chỉ có công ty mạnh mới có thể tồn tại, các công ty yếu sẽ bị giải thể, thu hồi giấy phép hoặc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Cho nên, để đảm bảo quyền lợi cổ đông, công ty quyết định chọn phương án sáp nhập.
Cùng với HPC, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cũng đang lên kế hoạch xin ý kiến cổ đông để sáp nhập với một đơn vị khác cùng ngành. Nếu hợp nhất thành công, công ty có thể xóa lỗ lũy kế trong nhiều năm qua và tăng vốn.
Trước 2 doanh nghiệp này, Công ty Chứng khoán Phương Đông (ORS) cũng đã thông qua việc sáp nhập với một đơn khi khác để mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực, thế nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn trong quá trình tìm kiếm đối tác. Còn công ty Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (APS), dù đã có ý tưởng hợp nhất từ 2012 nhưng đến nay mới chỉ trong quá trình nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán để xin ý kiến.
Như vậy, M&A của khối chứng khoán trong 2015 hứa hẹn sẽ bùng nổ, các công ty yếu kém sẽ mất dần trên thị trường. Từ đó, Nhà nước sẽ thuận lợi trong việc điều hành cũng như cho ra các sản phẩm mới. Đây cũng là tiền đề để các công ty chứng khoán hợp nhất có thể tham gia được vào thị trường chứng khoán phái sinh. Bởi, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, để kinh doanh chứng khoán phái sinh, công ty phải được cơ quan này cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Đồng thời, đơn vị đó phải đảm bảo điều kiện về tài chính như vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh; 800 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động môi giới. Ngoài ra, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn tài chính như lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng...
Đặc biệt, riêng quy định về việc các công ty được tham gia bù trừ, thanh toán loại chứng khoán này cũng khác nhau, tùy thuộc vào từng loại hình kinh doanh. Với các thành viên giao dịch là môi giới thì vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu phải đạt 900 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ trực tiếp, 1.200 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ chung.
Còn ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ này phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lên tới 5.000 tỷ đồng khi thanh toán bù trừ trực tiếp và 7.000 tỷ đồng trở lên đối với bù trừ chung. Đồng thời, muốn được cung cấp dịch vụ trên các đơn vị này cũng phải được sự cho phép của Ủy ban Chứng khoán.
"Với tiêu chí cao, theo tính toán của chúng tôi sẽ chỉ có khoảng 20 - 25 công ty chứng khoán có đủ điều kiện tham gia vào thị trường này dù số lượng chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực", ông Bằng nói và cho biết, trước mắt Ủy ban sẽ đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết. Dự kiến, trong năm 2016 Việt Nam sẽ triển khai thị trường chứng khoán phái sinh.
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư hướng dẫn cho hệ thống khung pháp lý của thị trường. Ngoài ra, dưới thông tư sẽ có các quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Thông tư này cũng được sớm lấy ý kiến thành viên thị trường, hoàn thiện và trình Bộ Tài chính ban hành trong thời gian sắp tới.
Thi Hà theo VnExpress