|
Ảnh minh họa (Flickr) |
Hôm 20/8, Facebook đã công bố một nghiên cứu mới của họ trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng tốc độ chụp MRI lên gấp 10 lần hiện nay, và họ đã được cấp phép truy cập vào khoảng 3 triệu hình ảnh MRI dấu tên từ hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh lý lâm sàng.
Trong một bài thông báo trên blog của mình, Facebook cho biết thông tin dữ liệu họ được truy cập vào đã được xóa bỏ hết tên của bệnh nhân, cũng như “tất cả các thông tin y tế quan trọng khác”, và dự án này đáp ứng đầy đủ tất cả các quy định về quyền riêng tư trong Đạo luật Trách nhiệm về Tính linh hoạt và Trách nhiệm bảo vệ sức khỏe (HIPAA).
Dự án này là sự hợp tác giữa phòng nghiên cứu FAIR AI của Facebook và Ban X quang, Khoa Y, thuộc trường đại học New York.
Những nỗ lực này là bước đi cơ bản đầu tiên của Facebook để tham gia vào lĩnh vực y tế, bởi Facebook hiện nay đang cố gắng áp dụng các kết quả nghiên cứu thực nghiệm AI của họ vào các vấn đề thực tế. Đây là một lĩnh vực rất giàu tiềm năng nhưng cũng đầy rủi tiềm ẩn và cực kỳ nhạy cảm với vấn đề quyền riêng tư cá nhân. DeepMind, một phòng thí nghiệm AI của Google đã phải chịu sự giám sát và điều tra do liên quan đến việc họ hợp tác chia sẻ dữ liệu với Hệ thống chăm sóc sức khỏe công của Anh (NHS), và cơ quan quản lý dữ liệu của Anh đã ra phán quyết rằng DeepMind đã vi phạm quy định về quyền riêng tư của Anh.
Quét MRI là một quá trình mất khá nhiều thời gian, thường mất khoảng nửa giờ hoặc lâu hơn, trong khi bệnh nhân phải nằm yên một chỗ trong khoang chụp. Với dự án này, Facebook chắc chắn rằng thời gian chụp sẽ được giảm xuống, khi họ sử dụng AI để thu ít dữ liệu hơn, nhưng tập trung quét vào những bộ phận quan trọng.
Thu thập được ít thông tin hơn sẽ làm cho nhiều người cảm thấy lo ngại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bỏ sót thông tin, nhưng mặt khác đây cũng là những lợi ích rất lớn. Với thời gian nhanh hơn, các bệnh nhân có thể dễ dàng thực hiện những lần chụp quét MRI hơn, tăng tỷ lệ những bệnh nhân được chụp MRI và sẽ giảm đáng kể chi phí cho các bệnh nhân.
“Khi sử dụng AI, hệ thống này có thể thu được ít thông tin hơn và do đó tốc độ cũng nhanh hơn, đồng thời vẫn duy trì, hay thậm chí là nâng cao được nội dung thông tin hình ảnh chụp cộng hưởng từ. Vấn đề then chốt ở đây là phải đào tạo được cho mạng lưới thần kinh nhân tạo này nhận thấy được những điểm quan trọng trên hình ảnh để tập trung quan sát vào đó mà quá trình quét nhanh dễ bỏ sót”, Facebook cho biết trên blog của mình.
Facebook đã phải chịu rất nhiều chỉ trích nặng nề về chính sách bảo vệ quyền riêng tư và vấn đề sử dụng thông tin khách hàng của họ sau vụ bê bối Cambridge Analytica. Facebook hiện đang nỗ lực để xua tan mọi lo ngại đó với sáng kiến MRI này, nhằm khẳng định lại với người dùng rằng “không một dữ liệu dưới bất cứ hình thức nào trên Facebook của người dùng được sử dụng trong dự án này”.
Đầu năm nay, cũng đã có nhiều chỉ trích sau khi kênh CNBC cho biết Facebook đang đàm phán với các bệnh viện về việc chia sẻ thông tin bệnh nhân, và ông lớn công nghệ này sau đó cho biết dự án đã bị hoãn lại.