|
Gia đình cháu bé được cứu sống tặng hoa tri ân các bác sĩ Trung tâm tim mạch trẻ em của BV Nhi Trung ương |
Sửa chữa toàn bộ trái tim trẻ sơ sinh
Tại cuộc gặp mặt báo chí cuối chiều nay, bệnh nhi được phẫu thuật tim thành công đã có mặt trong niềm hạnh phúc của bố mẹ và các bác sĩ, cùng sự hân hoan chào đón của các nhà báo, như một minh chứng cho thành công của các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo TS. Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em của BV Nhi Trung ương, cháu Nguyễn Minh H. sinh ngày 13/5/2020 tại BV Phụ Sản Hà Nội. Ngay sau khi chào đời được 2 tiếng, bé đã phải chuyển đến cấp cứu tại BV Nhi Trung ương trong tình trạng cực kỳ nguy kịch: Cần phải thở máy, bị các cơn tím tái và tụt huyết áp liên tục, mạch chậm.
|
Niềm vui của các bác sĩ khi chiến thắng tử thần, cứu sống cháu bé sơ sinh
|
Vì thế, các bác sĩ phải cấp cứu liên tục tình trạng ngừng tuần hoàn của bé, đồng thời, cho bé sử dụng phối hợp nhiều thuốc vận mạch liều cao. Thế nhưng diễn biến sức khỏe của bé vẫn không cải thiện. Với trình độ và kinh nghiệm của các bác sĩ nhi khoa hàng đầu, các thầy thuốc đã xác định bé bị dị tật tim bẩm sinh là tứ chứng Fallot, kèm theo tăng áp lực động mạch phổi và ống động mạch đã đóng.
Trước diễn biến rất phức tạp của cháu bé, hoàn toàn không giống các trường hợp mắc tứ chứng Fallot thông thường, lãnh đạo Trung tâm Tim mạch trẻ em của BV Nhi Trung ương lập tức tổ chức hội chẩn cấp cứu cho bé. Các bác sĩ thống nhất chỉ định mổ cấp cứu, nhằm sửa chữa toàn bộ cho trái tim của bé trở về bình thường, đồng thời điều trị tình trạng tăng áp động mạch phổi vô căn từ thời kỳ bào thai hiếm gặp.
Do tình trạng của cháu bé rất nặng, các bác sĩ dự đoán quá trình phẫu thuật cũng như hồi sức sau phẫu thuật sẽ đặc biệt phức tạp. nhưng nếu không phẫu thuật, cháu bé sẽ tử vong. Vì vậy, với quyết tâm mang lại sự sống cho cháu bé, các bác sĩ khẩn trương bắt tay ngay vào ca mổ. Tuy nhiên, do cháu mới sinh, còn quá non nên vấn đề hồi sức cho bé rất khó khăn, khiến các bác sĩ phải mất 2 giờ chuẩn bị cho ca mổ mà ai cũng nhìn thấy trước là đầy thách thức.
|
Các bác sĩ chia sẻ về ca phẫu thuật đặc biệt, đầy căng thẳng để cứu sống cháu bé
|
2h sáng ngày 14/5/2020, ca mổ bắt đầu, do TS.BS. Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em - trực tiếp phẫu thuật. Lúc này, bệnh nhi mới chào đời chưa được 24 tiếng. Suốt 5 giờ liền, các bác sĩ phải tập trung tối đa bên bàn mổ bởi phẫu thuật cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, lại có nhiều diễn biến phức tạp trong quá trình mổ.
Căng thẳng về ca mổ mới kết thúc, thì các bác sĩ lại đau đầu khi sau mổ, diễn biến của bé tiếp tục xấu đi do tình trạng tăng áp lực động mạch phổi. Các bác sĩ phải tiếp tục hồi sức tích cực, cho thở máy với khí NO để giảm áp lực động mạch phổi nhưng không hiệu quả.
TS. Cao Việt Tùng – Trưởng khoa Điều trị tích cực Tim mạch ngoại khoa - cùng ê kíp hội chẩn đã mạnh dạn quyết định sử dụng biện pháp trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) nhằm hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp cho bệnh nhân, đồng thời đánh giá giải phẫu động mạch phổi và loại trừ các căn nguyên gây tăng áp lực động mạch phổi khác.
|
Em bé được phẫu thuật tim khi mới 15 giờ tuổi đã khỏe mạnh và chuẩn bị ra viện
|
Sau 4 ngày liên tục sử dụng ECMO, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt, đã được cai và rút ECMO nhưng vẫn phải để hở ngực do huyết động chưa thực sự ổn định, kèm theo tình trạng phù toàn thân và thoát dịch qua mô kẽ. 8 ngày sau phẫu thuật, bé đã được đóng ngực và tiếp tục hồi sức tích cực 18 ngày sau đó do bị suy thận, suy tim...
Với sự chăm sóc, điều trị tận tình của các nhân viên y tế, cháu bé đã vượt qua được những giây phút hồi sức tích cực vô cùng khó khăn, để được rút máy thở, và rồi sau hơn 1 tháng, hôm nay, bé đã được chuẩn bị ra viện, khi kết quả siêu âm cho thấy tim của cháu đã hoạt động giống tim bình thường và áp lực động mạch phổi cũng trở về bình thường.
Căn bệnh nguy hiểm
TS. Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết: Tứ chứng Fallot là một khuyết tật nghiêm trọng của quả tim, xuất hiện ngay từ thời kỳ bào thai. Phần lớn các trường hợp cần phẫu thuật khi trẻ được 6-9 tháng tuổi, rất hiếm khi phải phẫu thuật trong thời kỳ sơ sinh.
|
Những "chiến sĩ áo trắng" đã đem lại sự sống cho bệnh nhi mới 15 giờ tuổi
|
Với những trường hợp tứ chứng Fallot có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi (vô căn hoặc tăng áp động mạch phổi từ trong bào thai) ngay sau sinh là rất hiếm, đe dọa tính mạng ngay sau khi ra đời, cần phải phẫu thuật và can thiệp hồi sức khẩn cấp. Kể cả khi phẫu thuật thành công thì tỷ lệ tử vong cũng rất cao, do quá trình hồi sức rất phức tạp và nặng nề, đòi hỏi các bác sĩ hồi sức cần có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành hồi sức tim mạch cũng như hồi sức sau mổ.
Chia sẻ với VietTimes về việc hiện nay Việt Nam và nhiều nước chưa có hành lang pháp lý cho việc điều trị trong bào thai, mà bệnh lại rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, thì khi phát hiện thai nhi mắc bệnh, có cần đình chỉ thai nghén không, TS. Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết với sự phát triển của khoa học như hiện nay, 97% ca mắc tứ chứng Fallot được phẫu thuật thành công, nên không cần đình chỉ thai nghén, trừ khi sản phụ có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và được bác sĩ chỉ định. |
Vì thế, thành công của ca phẫu thuật đặc biệt này đã chứng tỏ, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của các thầy thuốc ở các chuyên khoa của BV Nhi Trung ương là rất đồng đều, từ chẩn đoán, phẫu thuật, gây mê, chạy máy tim phổi nhân tạo và hồi sức đối với trẻ sơ sinh, xứng đáng là BV đầu ngành Nhi. Bên cạnh đó, là sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại, thuốc men mà BV đã đầu tư từ sớm.
Thành công của ca phẫu thuật một căn bệnh hiếm gặp với tổn thương cực kỳ phức tạp đã mở ra một cơ hội mới cho các em bé không may mắc căn bệnh này, khi tỉ lệ trẻ mắc tứ chứng Fallot chiếm tới 14-15% số trẻ bị tim bẩm sinh.
Sau thành công trong điều trị “cải tử hoàn sinh” cho bệnh nhân COVID-19 thứ 91, thành công của BV Nhi Trung ương đã góp thêm niềm tin yêu vào ngành y tế cho nhân dân.