Phát biểu tại lễ ký kết, GS.TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học y Hà Nội – cho biết lễ ký kết chuyển giao khoa học công nghệ này là thí điểm đầu tiên của sự hợp tác công - tư trong khoa học công nghệ giữa Trường Đại học Y Hà Nội với các đối tác, nhằm đưa khoa học công nghệ vào cộng đồng
“Đây là chủ trương lớn của Chính phủ và trong thực hiện tự chủ đại học thì càng phải thực hiện tốt, để đưa chất xám của các nhà khoa học, các giáo viên trong Trường thành ứng dụng cụ thể, hiệu quả nhất để phục vụ xã hội” – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh.
GS.TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - phát biểu tại lễ ký kết
|
Đặc biệt, GS. TS Tạ Thành Văn còn cho biết, thời gian tới, Trường sẽ tăng cường hợp tác khoa học công nghệ với nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, như liệu pháp miễn dịch…. Vì hiện nay, nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, đã đặt vấn đề hợp tác với Trường để triển khai các kỹ thuật cao trong y tế. Điều này không chỉ giúp Trường Đại học Y Hà Nội phát triển khoa học công nghệ, đưa các nghiên cứu ứng dụng vào đời sống, mà ngành y tế và người dân cũng được hưởng lợi.
Chính thức chuyển giao công nghệ từ các nghiên cứu của Trường
|
Trong lần đầu chính thức chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Y Hà Nội đã chuyển giao công thức pha chế nước súc miệng HMU Fluorinze và HMU Chlohexidene sau gần 6 năm nghiên cứu.
Lễ chuyển giao công nghệ
|
Trường Đại học Y Hà Nội là cơ sở nghiên cứu khoa học y tế lâu đời với đội ngũ các nhà khoa học có trình độ và năng lực, có các phòng thí nghiệm hiện đại và có nhiều công trình nghiên cứu rất có giá trị, nhưng hầu hết chưa được ứng dụng vào cuộc sống. Sự lãng phí chất xám này là một thiệt thòi không chỉ cho các nhà khoa học, mà còn cho cả Nhà nước và người dân. Vì thế, gần đây, lãnh đạo nhà Trường đặc biệt coi trọng việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Nhiều nhà khoa học đã dự lễ ký kết chuyển giao công nghệ đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội
|
Việc hợp tác với các đối tác sẽ giúp trường giải quyết được vấn đề kinh phí đầu tư nghiên cứu, thực hành và chuyển giao thành sản phẩm. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương phát triển khoa học công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Giám đốc Công ty - bác sĩ Nguyễn Trung Thùy - là cựu sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Hiểu được những khó khăn của các thầy cô ở Trường, anh đã mạnh dạn đầu tư khoản kinh phí rất lớn trong gần 6 năm qua, để các nhà khoa học nghiên cứu 2 sản phẩm hôm nay. Có giai đoạn việc nghiên cứu, thử nghiệm liên tục thất bại, nhóm nghiên cứu nản lòng từng suýt bỏ cuộc, nhất là khi Công ty gặp khó khăn. Nhưng rồi họ lại bỏ tiền túi ra để tiếp tục công trình. Trước sự tâm huyết của nhóm nghiên cứu, Công ty Decotra từng phải đi vay lãi để giúp các nghiên cứu không bị bỏ dở. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Thùy, thành công của các nghiên cứu khoa học không chỉ là 2 sản phẩm được ứng dụng vào cuộc sống, mà điều quan trọng là những công bố quốc tế và quốc gia từ những nghiên cứu này. |