Lần đầu tiên sẽ có hội thảo và cuộc thi thường niên về khoa học giả tưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khoa học giả tưởng luôn là một thể loại nghệ thuật luôn thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật tại Việt Nam nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều tác phẩm trong nước và cần có biện pháp thúc đẩy. 
Một cảnh trong vở kịch khoa học giả tưởng "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của cố tác giả Lưu Quang Vũ.
Một cảnh trong vở kịch khoa học giả tưởng "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Xuất phát từ thực tế cần tổng kết về sáng tác và dịch thuật với thể loại khoa học giả tưởng, ngày 5/2/2021 Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) đã có công văn số 921/VAYSE-VP đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam tham gia phối hợp tổ chức hội thảo và tiến tới các cuộc thi thường niên cho thể loại này.

Ngày 22/2/2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức có công văn số 10/CV-HNV để nhất trí phối hợp hoạt động này. Theo dự kiến, hai bên sẽ chính thức có cuộc họp trong tháng 3/2021 để thống nhất các công việc cần chuẩn bị cho hội thảo này và tiến tới việc phát động các cuộc thi sáng về khoa học giả tưởng tới đông đảo các đối tượng tham gia.

Nhà báo Nguyễn Đức Hoàng – Phó Tổng thư ký VAYSE cho biết, giới trẻ Việt Nam luôn có những ước mơ, khát vọng về khoa học công nghệ rất lớn. Và trong lúc chưa chế tạo được các cỗ máy thực tế thì rất cần tưởng tượng được ra những cỗ máy mơ ước bằng các tác phẩm văn học theo thể loại giả tưởng. Đương nhiên, trong tương lai chính các cỗ máy mơ ước đó sẽ trở thành hiện thực như thực tế đã diễn ra với khoa học giả tưởng nước ngoài.

Theo dự kiến, hội thảo về khoa học giả tưởng sẽ được tổ chức trong năm 2021 theo một lộ trình được hai hội thống nhất với sự tham dự của các tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu và cả những người có cùng mối quan tâm. Còn về những cuộc thi, ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết sẽ chính thức phát động ngay sau khi hội thảo nói trên được tổ chức. Văn học nghệ thuật trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng cần có bước tiến để gần với khoa học công nghệ và sẽ là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn cho sự phát triền của khoa học công nghệ Việt Nam.