Khoa học giả tưởng nước ngoài hiện diện từ lâu
Mặc dù số lượng tác phẩm về lĩnh vực này do trong nước xuất bản còn khá khiêm tốn nhưng thực tế là các tác phẩm nước ngoài lại hết sức phổ biến tại Việt Nam. Trong các thể loại sách văn học thì khoa học giả tưởng cũng là mặt hàng bán chạy nhất mà điển hình là những tác phẩm như “Doremon”, “Harry Porter”… Còn về các tác phẩm đã từng xuất bản nhiều năm trước như “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “Người cá”, “Lục địa Salnikov”… thì các nhà xuất bản cũng đã tái bản rất nhiều lần. Bước sang với điện ảnh, những bộ phim về đề tài này cũng luôn là ăn khách và các suất chiếu của “Công viên kỷ Jura”, “Kẻ hủy diệt”, "Dị nhân", “Bộ vét Tuxedo” , “2012”… luôn thu hút đông khán giả đến rạp. Riêng với các kênh truyền hình cáp chuyên về phim truyện như HBO, Cinemax, Star Movies có kèm theo phụ đề tiếng Việt, thời lượng cho các bộ phim khoa học giả tưởng cũng chiếm một tỷ lệ rất đáng kể và thu hút một lượng lớn khán giả truyền hình.
Xung quanh thực tế này, đã có người khẳng định là khoa học giả tưởng không có gì xa lạ với công chúng, độc giả Việt Nam. Chỉ có điều là dường như trong suốt nhiều năm qua, đây lại là lĩnh vực chưa được chính giới về văn học nghệ thuật thực sự quan tâm để giành cho nó một vị trí xứng đáng dù rằng số lượng tác phẩm của các tác giả trong nước vẫn còn quá khiêm tốn. Trong chương trình đào tạo cử nhân văn học ở bậc đại học, đây là một lĩnh vực khá mờ nhạt và có chăng, nó được xếp chung vào vị trí của văn học nước ngoài với một tỷ lệ dường như còn khiêm tốn hơn nữa. Còn tại các cơ quan nghiên cứu mà điển hình là Viện Văn học thuộc Viện khoa học Xã hội Việt Nam thì được biết là cũng không có chuyên gia nào về lĩnh vực này. Còn với một tổ chức như Hội Nhà văn Việt Nam thì dường như các tác giả, dịch giả về khoa học giả tưởng cũng chưa có được một tiếng nói đủ mạnh. Đó là điều hết sức đáng tiếc cho thực tế của một lĩnh vực không có gì xa lạ với công chúng trong nước.
Đi tìm câu trả lời
Chính vì thực tế đó, có một câu hỏi đặt ra là tại sao lĩnh vực khoa học giả tưởng tại Việt Nam lại mờ nhạt đến như vậy và hẳn rằng sẽ là hồ đồ nếu ai đó vội kết luận rằng nền khoa học của chúng ta còn quá yếu kém, đành rằng đây là lĩnh vực sẽ đặc biệt phát triển với các nước công nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Nga… Cũng chính vì vậy mà các giới chức về văn học nghệ thuật đã tìm cách để tránh phải trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn có người dám nhìn thẳng vào sự thật đó. Nhà thơ Nguyễn Duy thẳng thắn nhìn nhận là để có tác phẩm khoa học giả tưởng thì trước hết người sáng tác phải có giấc mơ khoa học. Thế nhưng thực tế, do trưởng thành từ hai cuộc chiến tranh nên đa số các nhà văn Việt Nam lại ít hiểu biết về khoa học nên mảng đề tài này càng là không dễ thực hiện với họ. Với bản thân nhà thơ Nguyễn Duy, tâm sự rất thẳng thắn của ông là cũng chỉ mơ thấy ma và ước gì cho đến ngày xưa thôi chứ cũng chẳng tưởng tượng được ra khoa học trong đó.
Vậy thì cũng cần phải nhìn vào hành trình của các tác phẩm nước ngoài khi thâm nhập vào Việt Nam là thông qua ai và như thế nào. Câu trả lời tìm được hóa ra là nó được du nhập bước đầu theo chân các dịch giả “tay trái”. Điển hình có thể nói tới tập truyện “Đường đi Anmate” (Liên Xô cũ) với dịch giả là ông Phạm Quang Vũ vốn chỉ là một giáo viên dạy vật lý. Với vốn kiến thức khoa học đủ ngưỡng cùng tình yêu văn học Xô Viết và vốn tiếng Nga thông thạo, ông đã dịch tập truyện này cho Nhà xuất bản Thanh Niên những năm 1980.
Còn nếu nói đến tác giả thì ngay cả tại các nước phát triển, đó cũng không phải là những nhà văn chuyên nghiệp. Hẳn nhiều người còn nhớ về tiểu thuyết đã được dựng thành phim là “Lục địa Salnikov” nói về một vùng đất ở Bắc Cực có khí hậu ấp áp với sự sống phong phú mà thực chất đó là một miệng núi lửa khổng lồ. Tác giả của tiểu thuyết này lại vốn dĩ là một nhà địa chất Xô Viết. Thực tế là không ít người làm việc trong lĩnh vực này rất thông thạo và thuộc lòng các huyền thoại, truyền thuyết để rồi chính họ tìm ra được lời giải cho nó trên cơ sở khoa học. Tình cờ nhà khoa học này đã có dịp gặp gỡ với các nhà văn Liên Xô thời đó. Nhờ lời động viên của họ, nhà địa chất này đã thả hồn để ra đời được tiểu thuyết “Lục địa Salnikov” nổi tiếng đó.
Hành trình nào cho khoa học giả tưởng Việt Nam
Đi đầu trong việc tạo dựng nền nghệ thuật về khoa học giả tưởng ở Việt Nam phải nói đến nhà văn Viết Linh. Những năm 1960 trước khi chuyển nghề nhà giáo sang làm biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng, mong muốn của ông là bên cạnh các tác phẩm nước ngoài như “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “Người cá”, “Đầu giáo sư Dowell”… thì phải có cả những tác phẩm của trong nước. Thế nhưng, vận động mãi mà chẳng được ai nên cuối cùng chính ông đã phải vắt trí não của mình để ra đời tập truyện “Quả trứng vuông” trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt khi đất nước còn chia cắt.
Nhà văn Viết Linh - tác giả các tập truyện khoa học giả tưởng "Quả trứng vuông" (1968), "Hành tinh kỳ lạ" (1990) và "Biển khơi vẫy gọi" (2010) |
Rồi đến năm 1990, nhà văn Viết Linh cho ra đời tiểu thuyết “Hành tinh kỳ lạ” với nội dung là về chuyện con người đã đối xử bất công với người máy khiến họ rủ nhau trốn khỏi Trái Đất để định cư tại một hành tinh khác. Và để trả thù con người, họ quay về Trái Đất để bắt đi không ít người về làm nô lệ cho mình. Nhưng rồi chính những người máy đó cũng phải nhớ về cội nguồn của mình là do con người tạo ra và chính loài người ở Trái Đất cũng phải xem lại cách ứng xử với người máy của mình. Và sau đó, việc phải xây dựng một bộ luật về quyền con người của người máy đã phải tiến hành để mở ra một kỷ nguyên mới thừa nhận sự bình đẳng cần có cho người máy.
Còn với nhiều tác giả khác trong lĩnh vực này, bình thường họ vẫn là những nhà khoa học hết sức vui tính và xuất phát điểm việc viết văn làm để tiêu khiển rồi cao hơn là tư duy, khát khao về những cỗ máy mơ ước. Vất vả suy tư là vậy nhưng theo nhà văn Viết Linh và các đồng nghiệp thì thực tế suốt nhiều năm qua, chẳng có ai quan tâm, động viên họ. Đương nhiên, cũng chưa hề có một cơ quan nào đứng ra tổ chức gặp mặt hay hội nghị, hội thảo chuyên đề về lĩnh vực khoa học giả tưởng. Cuộc đời của nhà văn Viết Linh có lẽ cứ trôi đi theo những năm tháng cuối cùng nếu như không có sự chủ động đặt vấn đề của chính lớp trẻ.
Và nhà văn Viết Linh đã rất vui khi được Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam đặt hàng viết tiểu thuyết để làm một món quà cho Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Khi đó, ông đã dành tâm nguyện của mình cho cuốn tiểu thuyết “Biển khơi Vẫy gọi”. Trong cuốn tiểu thuyết này, ông đã đặt ra một tri thức khoa học để xây đảo nhân tạo là phải làm cho san hô phát triển đột biến.
Nhà văn Viết Linh kỳ vọng, chính lớp trẻ Việt Nam sẽ là người tiếp bước cho những người ít ỏi như ông để chính thức hình thành một nền văn học về lĩnh vực khoa học giả tưởng. Đất nước đang bước vào thời đại hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 nên sẽ là thiết sót lớn nếu không có sự hiện diện của khoa học giả tưởng. Trong khi chưa chế tạo được những cỗ máy như mong muốn, các nhà khoa học cần được động viên để tưởng tượng ra những cỗ máy mơ ước trong những trang tiểu thuyết mà chính họ có thể viết ra.