Làm thế nào để đảm bảo an toàn thông tin khi làm việc, học tập, giải trí trực tuyến mùa dịch?

VietTimes – Trong bối cảnh COVID-19, con người có xu hướng chuyển dịch sang môi trường số. Vì vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn là điều vô cùng cần thiết.
Cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin khi làm việc, học tập, giải trí trực tuyến mùa dịch. Ảnh minh họa.

Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã xây dựng “Cẩm nang Bảo đảm An toàn thông tin trong đại dịch COVID-19”. Tài liệu được cung cấp tại website của NCSC, nhằm mục đích hướng dẫn một số kỹ năng, thao tác cơ bản giúp người dùng Internet bảo đảm an toàn thông tin khi kết nối trực tuyến.

Trong thời gian giãn cách, các hoạt động thường ngày như giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa trở thành bắt buộc. Tuy nhiên, những hoạt động trực tuyến dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng khi lợi dụng điểm yếu về lỗ hổng hay sự chủ quan của người dùng. Rất nhiều phương thức tấn công có thể được sử dụng hiện nay như phát tán mã độc mã hóa dữ liệu (ransomware), email lừa đảo, các phần mềm độc hại, tận dụng các từ khóa liên quan đến COVID-19 để lừa người dùng nhấp vào liên kết chứa mã độc. Hệ quả là hacker có thể xâm nhập vào email, máy tính của người dùng để chiếm quyền điều khiển, đánh cắp thông tin cá nhân có giá trị.

Theo nhận định của các chuyên gia an ninh mạng của NCSC, việc trang bị kiến thức, kỹ năng để đảm bảo an toàn thông tin trong bối cảnh này là vô cùng cần thiết cho các hoạt động trực tuyến. Qua nghiên cứu, tổng hợp, “Cẩm nang Bảo đảm An toàn thông tin trong đại dịch COVID-19” bao gồm nhiều hướng dẫn cụ thể về một số kỹ năng, thao tác cơ bản về an toàn thông tin. Tài liệu gồm 4 nội dung chính, tương ứng với từng nhu cầu, hoạt động cơ bản của con người trong tình hình đại dịch.

Các chuyên gia NCSC đề xuất 10 điều cần biết khi làm việc từ xa. Ảnh: NCSC.

Thứ nhất là làm việc từ xa an toàn. Tài liệu cung cấp một số hướng dẫn thiết lập máy tính, thiết bị an toàn để làm việc từ xa, phòng chống thư điện tử lừa đảo, sử dụng mạng riêng ảo (VPN).

7 khuyến cáo cho người dùng khi tham gia học - họp trực tuyến qua các nền tảng. Ảnh: NCSC.

Thứ hai là học trực tuyến an toàn, với những hướng dẫn thiết lập an toàn trên các ứng dụng video conference được sử dụng phổ biến hiện nay như phần mềm Zoom, Microsoft Teams.

Một số lưu ý cần biết khi tham gia các mạng xã hội lớn. Ảnh: NCSC.

Thứ ba là liên lạc, kết nối an toàn. Nội dung cho phần này bao gồm khuyến cáo an toàn khi sử dụng các phần mềm video conference, an toàn khi kết nối video call, chat trực tuyến, sự dụng mạng không dây an toàn.

Lời khuyên của chuyên gia đối với các hình thức thanh toán trực tuyến. Ảnh: NCSC.

Thứ tư là giải trí an toàn, khuyến cáo sử dụng mạng xã hội an toàn trên các nền tảng lớn như Facebook, Zalo, Tiktok. Bên cạnh đó, chuyên gia NCSC đưa ra 6 điều cần biết để sử dụng ứng dụng thanh toán trực tuyến an toàn, tránh các trường hợp lừa đảo tài chính. Cụ thể, người dùng nên đăng ký sử dụng dịch vụ OTP, sử dụng kênh giao dịch trực tuyến chính thức của ngân hàng, sử dụng dịch vụ tin nhắn chủ động. Đồng thời, mật khẩu tài khoản internet banking cần được thay đổi định kỳ. Người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cũng như nâng cao cảnh giác với email, tin nhắn giả mạo.

Trung tâm NCSC đề nghị, người dùng internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm NCSC tại địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn. Đồng thời, NCSC khuyến nghị người dùng internet Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.