|
Lạm phát đã tạo đỉnh thì thị trường chứng khoán cũng sẽ tạo đáy? |
Kế hoạch tăng lãi suất của Fed, được cho là để kiềm chế lạm phát, là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thời gian qua.
Hậu đại dịch Covid-19, chính sách nới lỏng tiền tệ, cùng sự đứt gãy chuỗi cung ứng và xung đột Nga – Ukraine, đã đẩy giá cả nhiều hàng hoá tăng cao, gây ra tình trạng lạm phát ở nhiều khu vực.
Lạm phát và lãi suất cũng là những biến số vĩ mô được xem như là ‘kẻ thù’ của thị trường chứng khoán.
Chia sẻ tại buổi MBS Talk's 2022 mới đây, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS – cho biết, nhiều nhà đầu tư lo ngại về lạm phát đang ở mức cao, nhưng vấn đề cần đặt ra là nó có thể cao hơn nữa hay không (!?). “Nếu như lạm phát đã tạo đỉnh thì thị trường chứng khoán cũng sẽ tạo đáy”, ông Tuấn nói.
"Để đánh giá lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa chúng ta có thể nhìn tình hình lạm phát tại Mỹ khi tháng 3 là 8,5% và hiện đang giảm nhẹ về mức 8,3%. Trong thời gian tới, nếu hàng hoá cơ bản vẫn không tăng lên nữa mà duy trì ổn định thì có thể nói lạm phát đã đạt mức đỉnh", Kinh tế trưởng MBS phân tích.
Trích dẫn dự báo của Tổng cục Thống kê, ông Hoàng Công Tuấn cho biết, lạm phát ở Việt Nam năm 2022 sẽ dao động quanh mức 4-4,5%, khó có thể lên tới mức độ 6% như nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc nghiên cứu khách hàng cá nhân MBS – cho rằng lạm phát đang có xu hướng tạo đỉnh và đi xuống. Tuy nhiên, quá trình này sẽ kéo dài. Do đó, quá trình phục hồi đi lên của thị trường chứng khoán vẫn còn gập ghềnh và VN-Index có thể trải qua một đợt sụt giảm nữa trước khi thực sự tạo đáy và phục hồi.
|
Thị trường chứng khoán thường có diễn biến nghịch chiều với lạm phát |
Mặt bằng lãi suất đang được ‘bình thường hoá’
Theo ông Hoàng Công Tuấn, trong các năm 2020 và 2021, các ngân hàng trung ương đã thực hiện chính sách tiền tệ ‘siêu nới lỏng’ và đang đưa mặt bằng lãi suất về mức bình thường trước đại dịch Covid-19.
Nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại về lộ trình tăng lãi suất của Fed. Theo ông Tuấn, Fed hiện vẫn còn cách xa mức lãi suất trung tính (2,5%), có nghĩa rằng trong thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương cũng sẽ có cân nhắc để không gây quá nhiều áp lực tới thị trường lao động và nền kinh tế thực.
“Sau khi nâng lãi suất lên mức trung tính, các ngân hàng trung ương sẽ quan sát phản ứng của thị trường lao động để có thể đưa ra chính sách tiền tệ hợp lý”, ông Tuấn nói.
Về rủi ro suy thoái, ông Lê Chí Phúc – CEO SGI Capital cho biết, nhà đầu tư có thể tham khảo các mô hình dự báo của các định chế lớn trên thế giới.
Vị chuyên gia này cho hay, các mô hình dự báo cho thấy xác suất xảy ra kịch bản suy thoái đang ở mức rất thấp. Trong đó, có những mô hình đang dự báo xác suất xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Ông Phúc cho rằng, Mỹ hiện là nước duy nhất có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang chật vật với chính sách ‘Zero Covid’, còn nền kinh tế Châu Âu cũng đang gặp khó khăn.
Sau thời gian thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, có thể các ngân hàng trung ương đang nhận thấy nền kinh tế ‘quá nóng’ và muốn tăng lãi suất để kiềm chế mức độ tiêu dùng, đầu tư và tăng lương, từ đó giảm bớt áp lực lạm phát từ phía cầu.
Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng loạt số liệu cho thấy quy mô nợ của doanh nghiệp Mỹ tại thời điểm này thấp hơn nhiều so với năm 2008 và cách xa ngưỡng rủi ro. Trong khi đó, nợ của hộ gia đình và cá nhân ở Mỹ so với dòng thu nhập cũng đang ở mức lành mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây./.