Làm gì khi bị kiến ba khoang tấn công?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 2 tuần gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận gần 100 người bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Tổn thương da do kiến ba khoang gây ra không chỉ gây đau rát mà còn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Tổn thương da do kiến ba khoang gây ra (Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương)
Tổn thương da do kiến ba khoang gây ra (Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương)

Độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận gần 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Bệnh nhân tập trung nhiều ở các quận, huyện ven đô của Hà Nội. Nhiều trường hợp 2-3 người trong cùng gia đình phải đi khám, không ít người bị tổn thương nặng, sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên do độc tố của kiến ba khoang.

Các bác sĩ nhận định, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều nhất tại khu dân cư vào 2 thời điểm tháng 5-6 và tháng 9-10 hàng năm. Đây là thời điểm diễn ra và kết thúc vụ gặt lúa tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có vùng ven đô Hà Nội.

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis (Staphylinidae, Coleoptera), trong cơ thể chúng có chứa pederin-độc tính gây bỏng.

Loài côn trùng này có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài 0,7-1 mm, ngang 2-5 mm), có hai màu cam sẫm và đen, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, phỏng rộp.

Kiến ba khoang (Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương)
Kiến ba khoang (Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương)

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang biểu hiện là thương tổn hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ có dạng đường, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Thương tổn đối xứng có thể thấy ở vùng nếp gấp như nách, bẹn, nếp gấp khuỷu tay hoặc khoeo chân. Nếu độc tố dính vào tay, nhưng không rửa tay sạch ngay thì vô tình sẽ làm độc tố dính vào các vùng khác trên cơ thể.

Việc điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không khó nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát và loét. Vì vậy khi mắc bệnh, bạn không tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí thích hợp.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không gây nguy hiểm nếu được chăm sóc và điều trị đúng, nhưng có thể thành dịch làm cho nhiều người trong gia đình hoặc một khu dân cư cùng mắc bệnh một lúc, hoặc trên cùng một người có thể mắc nhiều lần trong mùa.

Xử trí kịp thời khi bị đốt

Theo các bác sĩ, khi không may bị kiến ba khoang hoặc côn trùng đốt, nếu sơ cứu đúng cách thì những tổn thương trên da sẽ dịu đi rất nhiều. Nếu bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đốt, người dân cần dùng nước sạch rửa vùng da bị thương tổn do bị kiến ba khoang đốt để giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da. Với vết thương do kiến ba khoang đốt, nếu rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này. Cùng với đó, người dân nên bôi mỡ corticoid 1-2 lần/ ngày trong vòng 5-7 ngày.

Nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà thì nguời dân không nên dùng tay “giết chết”, chà xát chúng mà nên thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó, tiến hành rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ.

Khi không may lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì người dân phải nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc. Bởi trong dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin - chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó... Khi độc dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay sẽ vô tình làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan tỏa.