Làm gì để phòng, tránh viêm màng não – căn bệnh nguy hiểm để lại di chứng nặng nề?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù viêm màng não là căn bệnh nguy hiểm để lại di chứng nặng nề nhưng không phải ai cũng biết cách phòng, tránh bệnh, tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình. 
BS. Hưng khám cho bệnh nhân viêm màng não (Ảnh - Minh Thuý)
BS. Hưng khám cho bệnh nhân viêm màng não (Ảnh - Minh Thuý)

Không thể chủ quan

Trao đổi với PV VietTimes, ThS. BSCKII. Trần Duy Hưng – Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: Viêm màng não là bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan. Nếu mắc viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu thì tốc độ lây lan vô cùng khủng khiếp, đe doạ đến tính mạng con người.

Gần đây có 1 số trường hợp bị viêm màng não do virus phát hiện được là do bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng. Khi các bác sĩ xét nghiệm thì phát hiện được nguyên nhân gây bệnh là do virus. Viêm màng não do vi khuẩn thường có biểu hiện nhiễm trùng rõ. Nếu bệnh nhân phát hiện sớm thì sẽ được điều trị kịp thời.

Còn viêm màng não do vi khuẩn sinh mủ thì có biểu hiện lâm sàng với những hội chứng nhiễm trùng rõ. Các xét nghiệm trong dịch não tủy của bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não mủ (protein, số lượng bạch cầu trong dịch não tủy tăng và đặc biệt là tăng bạch cầu đa nhân trung tính, có thể nhìn thấy dịch não tủy đục. Viêm màng não do vi khuẩn sinh mủ phải điều trị bằng kháng sinh cùng 1 số thuốc hỗ trợ khác.

Khi bệnh nhân mắc viêm màng não do virus, diễn biến của bệnh cấp tính nhưng biểu hiện lâm sang lại không thể hiện hội chứng nhiễm trùng rõ, các xét nghiệm nhiễm trùng hầu như không tăng, đặc biệt là xét nghiệm dịch não tủy (chủ yếu tăng bạch cầu lympho chứ không tăng bạch cầu trung tính).

Theo BS. Hưng, gần đây có 1 số trường hợp bị viêm màng não do virus phát hiện được là do bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng (Ảnh - Minh Thuý)

Theo BS. Hưng, gần đây có 1 số trường hợp bị viêm màng não do virus phát hiện được là do bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng (Ảnh - Minh Thuý)

Mới đây, BS. Hưng đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân mắc viêm màng não ở bệnh viện. Bệnh nhân này là một người đàn ông 57 tuổi, sống ở Quảng Ninh.

Ban đầu, bệnh nhân bị sốt đau đầu, buồn nôn. Vì thế, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Khi vào viện, bệnh nhân đã đến ngày thứ 3 của bệnh với biểu hiện sốt, đau đầu nhiều, môi khô, lưỡi bẩn, buồn nôn, cứng gáy.

Với những dấu hiệu này, các bác sĩ đã nghĩ ngay đến bệnh viêm màng não nên đã tiến hành chọc dịch não tuỷ để xét nghiệm cho bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân vị viêm màng não do vi khuẩn sinh mủ, hay còn gọi là viêm màng não mủ.

Sau đó, các bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ khác như dùng corticoid để giảm viêm.

Hiện, bệnh nhân đã điều trị được hơn 1 tuần, đáp ứng thuốc tốt, không còn sốt, đau đầu.

Phát hiện sớm để trị bệnh kịp thời

Theo BS. Hưng, nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm, phát hiện sớm bệnh, điều trị đúng, tích cực thì bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Nhưng nếu bệnh nhân đến muộn, hoặc phát hiện bệnh muộn hoặc trên cơ địa đáp ứng kém, có thể gặp 1 số di chứng như dính màng não gây đau đầu kéo dài, điếc tai, thậm chí còn bị nghễnh ngãng, suy giảm trí nhớ.

Thực tế, người dân rất khó để có thể phát hiện bệnh. Người dân chỉ có thể phát hiện triệu chứng của viêm màng não sớm để đưa bệnh nhân tới bệnh việnnhằm cấp cứu và điều trị kịp thời. Khi trong gia đình có người bị bệnh, người thân cần có biện pháp phòng bệnh nhất định như vệ sinh sạch sẽ cho chính người bệnh cũng như trong quá trình tiếp xúc, ăn uống với các thành viên trong gia đình, có thể đeo khẩu trang, sát khuẩn tay để phòng bệnh.

Hiện nay, nước ta đã triển khai tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng để người dân phòng bệnh cho chính bản thân mình và trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

BS. Hưng cho hay: Thời gian gần đây, bệnh viêm màng não có vẻ nhích hơn giai đoạn trước chứ không tăng đột biến. Vi khuẩn gây viêm màng não có thể sống ở môi trường quanh chúng ta quanh năm. Nếu người dân không phòng bệnh cẩn thận thì sẽ bị vi khuẩn tấn công. Thêm vào đó, giai đoạn giao mùa xuân hè độ ẩm tăng cao, mưa phùn, nhiều ẩm mốc phát triển, là nguyên nhân thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dễ xâm nhập vào cơ thể. Đây là 1 trong những yếu tố thuận lợi khiến bệnh có xu hướng gia tăng.

BS. CKII. Đỗ Tất Thành – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

BS. CKII. Đỗ Tất Thành – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Đồng quan điểm với BS. Hưng, BS. CKII. Đỗ Tất Thành – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho hay: Viêm màng não do vi khuẩn, virus hay gặp ở Việt nam còn viêm màng não do nấm xảy ra ở người suy giảm miễn dịch. Viêm màng não do vi khuẩn phải tốn nhiều kháng sinh để chữa trị còn viêm màng não do virus không có thuốc đặc hiệu nên thường phải điều trị triệu chứng để chờ tình hình bệnh giảm nhẹ.

Viêm màng não do vi khuẩn vô cùng nguy hiểm do tỷ lệ mắc bệnh nhiều, diễn biến nhanh, có thể gây nhiễm trùng, viêm nội tâm mạc. Nếu protein dịch não tuỷ tăng có có thể gây tắc khiến bệnh nhân nguy kịch rồi dẫn đến tử vong. Viêm màng não là 1 bệnh cấp tính. Để chẩn đoán sớm, bác sĩ phải có kiến thức và quan tâm đến bệnh. Bệnh nhân bị sốt, đau đầu, rối loạn ý thức ở nhiều mức độ khác nhau rồi lo lắng, bồn chồn, hôn mê nông rồi hôn mêm sâu.

Đối với trẻ em thì bệnh không có khác biệt về mặt triệu chứng. Ở trẻ em có biểu hiện rõ ràng hơn nhưng nhiều khi trẻ không mô tả được triệu chứng. Để theo dõi tiến triển bệnh thì gia đình phải đặc biệt quan tâm tới ý thức của trẻ.

Để chủ động phòng bệnh, BS. Thành khuyến cáo: Mỗi người cần tăng sức đề kháng của bản thân, đảm bảo sức khoẻ, giảm stress, nâng sức đề kháng, giữ môi trường trong sạch, vệ sinh cá nhân, nhà ở sạch sẽ. Nếu có điều kiện thì có thể tiêm chủng phòng ngừa nhóm căn nguyên gây bệnh.