Điều trị cho bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi Trung ương
|
Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn đã xuất hiện trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ.
Bệnh nhi mới 4 tuổi, được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Rất may mắn, em bé đã được cứu sống, hiện đã hồi phục và đang tiếp tục được chăm sóc tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới của Bệnh viện.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho 11 trẻ khác cũng mắc viêm não Nhật Bản. Các bé phải vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đều ở trong tình trạng bệnh nặng, thậm chí, có nguy cơ tử vong cao. Đáng lưu ý khi trong đó có nhiều trường hợp chưa được tiêm vaccine phòng bệnh - theo thông tin của Bệnh viện sáng 21/5.
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh rất nguy hiểm. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh khó phát hiện do các triệu chứng ban đầu rất giống với các bệnh viêm nhiễm khác. Trong khi đó, khi khởi phát, bệnh diễn biến rất nhanh, khiến trẻ đột ngột sốt cao, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở nhiều mức độ, như vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến trẻ tử vong chỉ trong vòng 24 giờ sau khi phát bệnh, hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản
|
Viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, tuy nhiên người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa được tiêm chủng và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác trong vùng đang có dịch bệnh.
Viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm, đỉnh điểm của dịch thường xảy ra vào các tháng mùa hè, đặc biệt vào các tháng 5, 6, 7.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng, hiệu quả và khả thi nhất hiện nay. Vaccine này đã có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, do đó các bậc phụ huynh cần chú ý tiêm phòng cho trẻ từ khi trẻ còn nhỏ, sau đó tiêm nhắc lại sau 3-4 năm và duy trì tiêm chủng cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Ngoài tiêm vaccine, người dân có thể thực hiện các biện pháp để phòng bệnh như giữ vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; mắc màn khi ngủ; không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc để đề phòng muỗi đốt; thường xuyên sử dụng các biện pháp để xua, diệt muỗi. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao đi kèm các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, phụ huynh cần gấp rút đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.