Làm chủ công nghệ SOTB - giải pháp tối ưu để xây dựng thành phố thông minh

SOTB (công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến) - là công nghệ giải quyết bài toán công suất thấp trong các ứng dụng Internet vạn vật (IoT), đồng thời giúp phát triển các thiết bị trong bài toán đô thị thông minh.
Các kỹ sư của ICDREC nghiên cứu, chế tạo chip.

Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) cho biết như vậy tại hội thảo "Công nghệ SOTB - Tiềm năng cho giải pháp IoT và ứng dụng trong đô thị thông minh" do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM, Hội Vi mạch bán dẫn TPHCM và ICDREC tổ chức ngày 4/4.

Theo ông, việc phát triển công nghệ SOTB sẽ tạo cơ hội để Việt Nam có bước nhảy vọt, đứng đầu ASEAN về lĩnh vực thiết kế vi mạch. Các hãng công nghệ lớn trên thế giới đang quan tâm đầu tư và phát triển công nghệ này. Trung Quốc đang có một chương trình đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 10 năm với hy vọng thống trị lĩnh vực vi mạch. Riêng một dự án tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã được đầu tư 24 tỷ USD với nguồn kinh phí rất lớn để nhận chuyển giao công nghệ SOTB.

Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC - chia sẻ về công nghệ SOTB.

Tại Việt Nam, khi Tập đoàn Renesas & Soitec (Pháp) lần đầu tiên giới thiệu công nghệ SOTB, ICDREC nhận thấy đây là công nghệ tiềm năng đáp ứng được nhu cầu trong các ứng dụng IoT. Vì vậy, ICDREC đã chủ động đầu tư làm chủ công nghệ SOTB – ông Hoàng chia sẻ. Sau hai năm, trung tâm nghiên cứu thành công Chip VN8 bằng công nghệ SOTB – 65nm với các tính năng như: Cài đặt thời gian, lịch và hiển thị; giao tiếp với cảm biến nhiệt độ TMP75 (I2C interface); giao tiếp bộ nhớ EEPROM 24LC256, dùng lưu trữ giá trị nhiệt độ, độ ẩm…

"Chip công suất thấp SOTB có thể dùng trong hệ thống giám sát rò rỉ nước qua đường ống, bãi đỗ xe thông minh, đèn đường thông minh, giám sát ô nhiễm không khí…" - ông Hoàng cho biết. Theo ông,công nghệ SOTB nếu kết hợp với mạng LoRaWan (mạng diện rộng công suất thấp dành cho các thiết bị IoT với ưu điểm là khoảng cách xa, công suất thấp, bảo mật tốt) là một cách hữu hiệu để triển khai các giải pháp thành phố thông minh.

Ông Hoàng kiến nghị, đã đến lúc ngành thiết kế vi mạch TPHCM hướng tới những công nghệ thiết kế tiềm năng cho lĩnh vực IoT. Những sản phẩm vi mạch và thiết bị dùng vi mạch Việt nên hướng tới nhu cầu đô thị thông minh. Sở KH&CN TPHCM - đơn vị chủ trì chương trình nghiên cứu và sản xuất thử vi mạch - cần tạo điều kiện thực hiện các dự án như nghiên cứu thiết kế vi mạch công nghệ SOTB, nghiên cứu thiết kế thiết bị và hệ thống phục vụ đô thị thông minh dùng công nghệ LORA...

GS-TS Đặng Lương Mô - cố vấn cao cấp của ICDREC - thì cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch, Việt Nam chỉ nên đi từng bước vững chắc, nghiên cứu nắm bắt công nghệ mới, phát triển công nghệ nội sinh, nắm vững nhu cầu thiết thực, đặc biệt là nhu cầu bảo mật, đảm bảo an ninh quốc phòng, đáp ứng nhu cầu đa dạng với số lượng nhỏ và vừa phải.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - cho biết, thời gian tới, Sở KH&CN và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM sẽ phối hợp để thiết kế lại chương trình vi mạch của thành phố sao cho phù hợp với điều kiện phát triển thực tế. Đồng thời, có thể huy động nhiều thành phần tham gia nhằm tạo thành một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch, việc hợp tác quốc tế sẽ được đặc biệt chú trọng.

Theo: Khoa học Phát triển

http://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/lam-chu-cong-nghe-sotbgiai-phap-toi-uu-de-xay-dung-thanh-pho-thong-minh/20170404013746185p882c918.htm