Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất Quý 1/2019 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB), lợi nhuận sau thuế (LNST) của ngân hàng đạt 280,5 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong công văn giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), ngân hàng này cho biết kết quả kinh doanh kém khả quan đến từ việc ghi nhận khoản thu nhập “bất thường” từ góp vốn, mua cổ phần.
Cụ thể, EIB ghi nhận thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần Quý 1/2019 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 đạt tới 521,5 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do, trong Quý 1/2018, EIB đã bán hết số cổ phiếu đầu tư vào 1 tổ chức tín dụng khác dẫn đến tăng thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần. Bước sang năm 2019, khoản thu nhập “bất thường” này đã không còn phát sinh.
Được biết, từ ngày 29/11/2017 đến 19/1/2018, EIB đã thực hiện bán hết số cổ phần STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông qua khớp lệnh trên sàn với mức giá bình quân là 14.064 đồng/cổ phiếu. Thương vụ này đóng góp khoảng 647 tỷ đồng vào lợi nhuận kinh doanh của EIB. Trong đó, năm 2017 ngân hàng này ghi nhận 126 tỷ đồng và Quý 1/2018 là 521 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và từ hoạt động khác của EIB cũng có sự sụt giảm lần lượt là 59% và 20% so với cùng kỳ năm 2018. Hơn nữa, các chi phí hoạt động của EIB cũng có xu hướng tăng nhẹ 6%, đạt mức 973,69 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh của EIB cũng ghi nhận một số điểm tích cực. Trong đó, mức thu nhập lãi thuần của ngân hàng này trong Quý 1/2019 đạt 829 tỷ đồng, tăng 24% so với Quý 1/2018.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (không bao gồm thu nhập từ góp vốn mua cổ phần) đạt mức tăng trưởng tốt đạt 341,89 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Biến động các khoản thu nhập chính của ngân hàng Eximbank (Nguồn: EIB)
|
Ngoài ra, EIB cũng lý giải về việc kết quả kinh doanh có nhiều chuyển biến từ việc báo lỗ Quý 4/2018 sang lãi trong Quý 1/2019.
Nguyên nhân là do EIB thực hiện trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với số tiền là 514 tỷ đồng. Mục đích được EIB cho biết là nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tất toán các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Đồng thời, EIB cũng trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi là 390 tỷ đồng trong Quý 4/2018. Tới Quý 1/2019, EIB không phát sinh trích lập 2 khoản mục này.
Trong thời gian qua, những biến động liên quan đến vị trí lãnh đạo cấp cao cùng chuyển biến ở các "nhóm" cổ đông lớn tại EIB đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.
Bên cạnh đó, phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của EIB (ngày 26/4/2019) đã không đủ điều kiện tiến hành khi tổng số cổ đông dự họp đại diện thấp hơn 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (theo danh sách cổ đông tham dự họp chốt ngày 28/1/2019) theo điều lệ của ngân hàng này.
EIB cho biết ĐHĐCĐ thường niên 2019 sẽ được triệu tập lần thứ 2 trong vòng 30 ngày kể từ ngày 26/4/2019./.