Cụ thể, REE đã báo lãi trước thuế 776 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016 (356 tỷ đồng). Sau khi trừ thuế TNDN, mức lãi ròng là 701 tỷ đồng; Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 667 tỷ đồng.
So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.136 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2017, REE đã hoàn thành 62%.
Động lực chính đóng góp vào kết quả lợi nhuận ấn tượng của REE trong nửa đầu năm 2017 đến từ phần lãi trong các công ty liên kết.
Nếu như nửa đầu năm 2016, công ty đang lỗ 64 tỷ đồng từ hạng mục này thì sang 6 tháng đầu năm nay, REE đã báo lãi 386 tỷ đồng.
Trong đó, phần lãi lớn nhất đến từ CTCP Nhiệt điện Phả Lại, với quy mô 141 tỷ đồng. Kế đó là CTCP Thủy điện Thác Mơ (64 tỷ đồng); CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ (49 tỷ đồng). REE cũng ghi nhận khoản lãi gần 11 tỷ đồng từ giao dịch mua giá rẻ đối với CTCP Phong Điện Bình Thuận.
Chốt tại 30/06/2017, REE đang đầu tư vào 19 công ty liên kết, với tổng số tiền là 4.095 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là vào CTCP Nhiệt điện Phả Lại, với quy mô 1.271 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu là 23,54%.
19 công ty liên kết này bao gồm 5 doanh nghiệp thủy điện, 2 doanh nghiệp nhiệt điện, 1 doanh nghiệp phong điện, 7 doanh nghiệp cung cấp nước, 2 doanh nghiệp khai thác than, 1 doanh nghiệp bất động sản và 1 doanh nghiệp cơ điện.
Bên cạnh đó, REE còn đầu tư góp vốn vào một số đơn vị khác, với tổng quy mô 1.513 tỷ đồng, nhưng với tỷ lệ sở hữu thấp hơn. Có thể kể đến như CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (471 tỷ đồng); CTCP Sonadezi (184 tỷ đồng); CTCP Cấp nước Khánh Hòa (53 tỷ đồng), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (32 tỷ đồng).... Tuy nhiên, REE đang phải trích lập dự phòng 144 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này.
Về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, nửa đầu 2017, REE ghi nhận ở mức 2.246 tỷ đồng – tăng mạnh so với mức 1.423 tỷ đồng của cùng kỳ 2016.
Mảng doanh thu chủ yếu vẫn là doanh thu từ dịch vụ cơ điện công trình (1.198 tỷ đồng). Kế đó là doanh thu từ bán sản phẩm (763 tỷ đồng) và doanh thu từ hoạt động bất động sản (285 tỷ đồng).
Sau khi trừ giá vốn và các khoản giảm trừ doanh thu, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 574 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016.
Ở hướng ngược lại, tất cả các hạng mục chi phí của công ty cũng tăng. Trong đó, hạng mục tăng mạnh nhất là chi phí tài chính, khi tăng mạnh hơn 4 lần lên mức 140 tỷ đồng (chi phí lãi vay là 40 tỷ đồng). Chi phí bán hàng là 38 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là 93 tỷ đồng.
Với kết quả lợi nhuận ấn tượng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của REE trong nửa đầu năm 2017 đạt 2.153 đồng, gấp gần 3 lần so với con số 781 đồng của cùng kỳ 2016.
Khoản lợi nhuận này cũng góp phần đưa lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty lên mức 2.933 tỷ đồng. Bên cạnh đó, REE đang có khoản thặng dư vốn cổ phần 1.050 tỷ đồng; Thêm vào đó là 240 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển; Lợi ích của cổ đông không kiểm soát là 540 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của REE, chốt tại 30/06/2017, là 7.865 tỷ đồng – gấp hơn 2 lần quy mô vốn điều lệ đăng ký, là 3.101 tỷ đồng.
Quy mô vốn chủ sở hữu này cũng gấp gần 2 lần quy mô nợ phải trả của công ty, là 4.032 tỷ đồng. Có thể thấy, cơ cấu tài chính của REE là khá bền vững.
Trong các doanh nghiệp niêm yết, REE vẫn được coi là một cái tên thuộc nhóm “vua tiền mặt”. Tính tới giữa năm 2017, công ty đang có 1.236 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền – tăng đáng kể so với con số 960 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, công ty còn có 301 tỷ đồng được phân loại vào đầu tư tài chính ngắn hạn nắm giữ đến ngày đáo hạn. Đây nhiều khả năng chính là các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng.