Ngày nhận hồ sơ đăng ký niêm yết, như công bố của HoSE, là ngày 21/08/2017.
Cũng theo thông báo này, Việt Phát có trụ sở chính tại số 123BT 02-97 Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Số lượng cổ phiếu mà Việt Phát đăng ký niêm yết là 20 triệu cổ phiếu phổ thông, tương ứng với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng của công ty.
Tổ chức từ vấn đăng ký niêm yết là CTCP Chứng khoán Trí Việt.
Theo giới thiệu, Việt Phát thành lập 23/7/2008, khởi đầu từ một công ty dịch vụ vận tải chuyên vận tải nội địa. Sau quá trình phát triển, đã trở thành một trong những công ty dẫn đầu về sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu khoáng sản và dịch vụ vận tải nội địa Việt Nam.
Các dịch vụ chính của Việt Phát là: Vận tải hàng hóa; Dịch vụ kho bãi; Xuất nhập khẩu; Khai thác và kinh doanh cầu cảng; Đầu tư, xây dựng, cho thuê bất động sản; Khai thác và chế biến khoáng sản.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực khai thác và kinh doanh quặng kim loại, Việt Phát có nhà máy chế biến và phân loại khoáng sản với diện tích gần 80.000 m2, tổng sản lượng sản xuất 1,2 triệu tấn/năm.
“Hiện nay Việt Phát JSC đang là nhà cung cấp khoáng sản lớn”, công ty này tự giới thiệu.
Chốt tại ngày 30/06/2017, tổng số nhân viên của Việt Phát là 83 người, tăng 6 nhân sự so với thời điểm đầu năm; Vốn điều lệ là 200 tỷ đồng – theo Giấy đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 01/10/2016.
Nửa đầu năm nay, Việt Phát báo lãi trước thuế 24 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm 2016.
Với đặc thù kinh doanh của mình, Việt Phát sử dụng một hệ số đòn bẩy tài chính khá lớn. Tính tới giữa năm 2017, tổng tài sản là 1.292 tỷ đồng; Trong đó, vốn chủ sở hữu là 244 tỷ đồng, nợ phát trả là 1.049 tỷ đồng.
Trong nửa năm qua, tổng tài sản của đã tăng 326 tỷ đồng, tương ứng với 34%.
Trước đó, tại đời điểm đầu năm 2016, tổng tài sản của Việt Phát là 332 tỷ đồng. Trước đó nữa, đầu năm 2015, con số tương ứng là 244 tỷ đồng.
Có nghĩa rằng, quy mô tài sản của Việt Phát đã tăng rất nhanh trong ít năm qua.
Động lực của sự tăng trưởng này, chủ yếu đến từ nguồn vốn vay và nợ.
Nửa đầu năm 2016, Việt Phát dành 566 tỷ đồng trả nợ gốc vay nhưng ở hướng ngược lại, công ty đã vay thêm 665 tỷ đồng. Tính đến 30/06/2017, tổng nợ vay tài chính ngắn hạn của Việt Phát là 377 tỷ đồng; Ngoài ra còn có 5 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn. Các chủ nợ chính là VPBank, Vietinbank Lê Chân, Vietcombank Hải Dương, HDBank Hải Phòng, MB Hải Dương.
Phải trả người bán ngắn hạn cũng là một khoản nợ đáng kể của Việt Phát, với quy mô 523 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất là Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (322 tỷ đồng) và Glencore International AG (106 tỷ đồng).
Lần tăng vốn gần nhất của Việt Phát hoàn tất vào cuối năm 2016, với mức tăng từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.
Toàn bộ phần vốn góp thêm này - 100 tỷ đồng - đều được đóng góp bởi Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT công ty.
Trước khi tăng vốn, cơ cấu cổ đông của Việt Phát rất cô đặc, với chỉ 4 cái tên: Nguyễn Văn Bình (82 tỷ đồng; 82%); Nguyễn Xuân Trường (2%), Nguyễn Văn Đức (8%), Nguyễn Văn Dũng (8%).
Sau khi tăng vốn, quy mô cổ đông cũng chỉ xuất hiện thêm cái tên Lê Thị Thanh Lệ. Bà Lệ được ông Bình chuyển nhượng cho 2 triệu cổ phần. Bên cạnh đó, ông Bình cũng chuyển nhượng 1,2 triệu cổ phần khác cho 3 cổ đông hiện hữu còn lại.
Kết quả, chốt tại 31/12/2016, cơ cấu cổ đông của Việt Phát như sau: Nguyễn Văn Bình (150 tỷ đồng; 75%); Nguyễn Xuân Trường (5%), Nguyễn Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Dũng (5%), Lê Thị Thanh Lệ (10%).
Kế đó, nửa đầu năm 2017, ông Bình tiếp tục nhượng lại một nửa số cổ phần đang có – chính xác là 7,6792 triệu cổ phần (38% VĐL) - cho nhiều cổ đông nhỏ lẻ khác.
Tính đến 30/6/2017, Chủ tịch Nguyễn Văn Bình chỉ còn sở hữu 7,3208 triệu cổ phần, tương ứng với 37% vốn điều lệ. Trong khi, quy mô sở hữu của các cổ đông lớn khác vẫn được giữ nguyên: Nguyễn Xuân Trường (5%), Nguyễn Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Dũng (5%), Lê Thị Thanh Lệ (10%).
Động thái nhượng bớt vốn cho nhiều cổ đông nhỏ lẻ khác có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi Việt Phát sang mô hình công ty đại chúng (có từ 100 cổ đông và có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên).
Ngày 10/07/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra văn bản số 4694/UBCK-GSĐC chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Việt Phát. Việt Phát chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký cổ phiêu tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam kể từ 16h30 ngày 24/07/2017.
Như đã đề cập, HoSE chính thức nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Việt Phát vào ngày 21/08/2017. Có nghĩa là không cách quá xa thời điểm công ty này đươc đại chúng hóa không lâu./.