Lãi "khủng" như Golden Gate
Năm 2019, lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) của CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đạt 42.485 đồng/cp, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng lên tới 26%.
Những chỉ số sinh lời “đẹp” nêu trên là kết quả từ một năm tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh của Golden Gate.
Cụ thể, trong năm 2019, Golden Gate ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.776 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế lên tới 321,44 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.
Riêng doanh thu từ bán thực phẩm và đồ uống của công ty trong năm 2019 đạt hơn 4.756,3 tỷ đồng, trong khi giá vốn chỉ ở mức 1.852 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận gộp lên tới 61,06%.
Nền tảng cho những con số tăng trưởng này phải kể tới hơn 20 thương hiệu chuỗi nhà hàng, đội ngũ cán bộ nhân viên 15.558 người, mà Golden Gate đang sở hữu.
Trong đó có thể kể tới những thương hiệu đình đám, được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội, như: Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi-Kichi, Gogi House, Hutong,… Các cửa hàng này chủ yếu tập trung ở các vị trí đắc địa và trung tâm thương mại, tại Hà Nội và Tp. HCM.
Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Golden Gate đạt 2.170 tỷ đồng, tăng trưởng 10,3% so với năm 2018, và cao gấp gần 2,5 lần so với cuối năm 2015.
Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là hàng tồn kho (488,6 tỷ đồng) và các tài sản dài hạn khác (698,48 tỷ đồng, chủ yếu là các chi phí trả trước dài hạn dành cho việc sửa chữa, cải tạo nhà hàng).
Golden Gate cũng dành khoảng 134,6 tỷ đồng gửi nhà băng. Ngoài ra, công ty này còn cho vay ngắn hạn nhiều cá nhân là lãnh đạo, cựu lãnh đạo công ty như: ông Đào Thế Vinh (Tổng Giám đốc), ông Trần Việt Trung (Thành viên HĐQT), ông Nguyễn Cao Trí (nguyên Phó Tổng Giám đốc).
Quy mô tổng tài sản tăng nhanh song Golden Gate vẫn giữ được cơ cấu nguồn vốn khá ổn định, với 954,16 tỷ đồng là nợ phải trả còn 1.216,6 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm ngoái.
Đáng lưu ý, quy mô vốn góp của chủ sở hữu tại công ty này chỉ ở mức khiêm tốn là 76,3 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn khác đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tính đến ngày 31/12/2019, lên tới 1.252,2 tỷ đồng - con số phần nào phản ánh thành quả nhiều năm kinh doanh có hiệu quả của Golden Gate.
Golden Gate của ai?
Nói đến sự phát triển lớn mạnh của Golden Gate phải kể tới người “thuyền trưởng” Đào Thế Vinh (SN 1972), 1 trong 5 cổ đông sáng lập, hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.
Cập nhật tới cuối năm 2019, ông Đào Thế Vinh nắm giữ 399.273 cổ phiếu phổ thông của Golden Gate, tương đương với tỷ lệ sở hữu 5,23%, giảm mạnh so với mức 11,1% hồi cuối năm 2018.
Tương tự, các cổ đông sáng lập khác là ông Trần Việt Trung (Thành viên HĐQT) và ông Nguyễn Xuân Tường (Phó Tổng Giám đốc) cũng giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn lần lượt là 4,43% và 3,98%.
Hơn 82,14% cổ phần của Golden Gate do 2 tổ chức nắm giữ là: CTCP Golden Gate Partners (nắm giữ 44,22%) và Prosperity Food Concepts Pte Ltd (nắm giữ 37,92%). Phần còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ khác sở hữu.
CTCP Golden Gate Partners thành lập từ tháng 6/2014, vốn có nhiều mối liên hệ với nhóm cổ đông sáng lập Golden Gate, hiện do ông Trần Việt Trung (SN 1963) đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.
Trong khi đó, Prosperity Food Concepts Pte Ltd được thành lập tại Singapore (8 Marina Boulevard , #05-02 Marina Bay Financial Centre), là nhà đầu tư đã “thế chân” Yellow Star Investment 1 Pte. Ltd và gom thêm cổ phiếu phổ thông của Golden Gate từ 3 cổ đông sáng lập nêu trên, để sở hữu hơn 2,89 triệu cổ phiếu (tương đương 37,92% vốn điều lệ) của Golden Gate.
Cơ cấu sở hữu của Golden Gate trên BCTC hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán (Nguồn: GGG)
|
Trên giấy tờ là vậy, song dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngày 15/1/2019, các ông Đào Thế Vinh, Nguyễn Xuân Tường, Trần Việt Trung và CTCP Golden Gate Partners đã thế chấp toàn bộ số cổ phần, chiếm 51,03% tổng số cổ phần đã phát hành của Golden Gate, tại Prosperity Food Concepts Pte Ltd.
Đồng nghĩa, tỷ lệ sở hữu thực và tầm ảnh hưởng của cổ đông ngoại nhiều khả năng không chỉ dừng lại ở số cổ phần đã thể hiện trên báo cáo tài chính.
Ở một diễn biến mới, ngày 14/2/2020, Prosperity Food Concepts Pte Ltd bất ngờ chuyển nhượng số cổ phần tương đương 5% vốn Golden Gate cho ông Đào Thế Vinh. Giao dịch được thực hiện qua phương thức thỏa thuận.
Ngoài chuỗi nhà hàng ăn uống, Golden Gate còn thể hiện mối quan tâm lớn tới các xu hướng F&B khác với các khoản rót vốn vào CTCP The Concept House (thành lập tháng 2/2017, ngành nghề chính là kinh doanh chuỗi cửa hàng trà sữa) và CTCP Cà phê Golden Beans (thành lập vào tháng 10/2017, ngành nghề chính là kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê).
Song, trong năm 2019, Golden Gate đã chấp nhận lỗ để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Cà phê Golden Beans cho cổ đông khác với giá 27 tỷ đồng.
Năm 2020, ban lãnh đạo Golden Gate cho biết mục tiêu hàng đầu của công ty là trải nghiệm khách hàng, phát triển món và không gian đặc biệt cho các chuỗi chính như nướng lẩu, hoàn thiện các dự án về công nghệ số, phát triển mạng lưới nhà hàng./.