Dị nhân!
Lòng vòng mãi trên con đường đá dốc dựng ngược hơn 4 tiếng đồng hồ từ Trung tâm xã Sơn Ba dẫn sâu vào trong bản. Cuối cùng chúng tôi cũng lên được nhà anh Đinh Văn An (SN 1984, thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), cha của "cậu bé tý hon" Đinh Văn Rể (SN 20/12/2009).
Khi chúng tôi đến nơi thì hay tin anh An đã bế Rể cùng anh trai xuống trạm y tế xã Sơn Ba để thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Vậy là chúng tôi một lần nữa quay xuống trạm y tế xã Sơn Ba để được tận mắt gặp "cậu bé tý hon" này. Trên con đường đá chỉ đủ một người đi, chiếc xe máy cà tang cứ gầm rú, chực chồm lên trên những viên đá cuội quá cỡ. Đôi lúc giật nẩy lên vì côn số, bởi ngoài số một, chẳng số nào có thể băng qua quãng đường rừng chỉ 20km nhưng mất hơn 4 tiếng đồng hồ mới đến này.
Khi chúng tôi đến trạm y tế xã thì cán bộ y tế đang thăm khám, cân đo cho Rể. Và bất ngờ khi đã 7 tuổi, nhưng Rể chỉ cao 53cm, nặng xấp xỉ 3,5kg. Khi chúng tôi đặt Rể ngồi thì em chỉ cao bằng chai nước lọc.
Mặc dù đã 7 tuổi, nhưng Đinh Văn Rể chỉ nặng xấp xỉ 3,5kg.
Anh Đinh Văn An (SN 1984, bố Rể) cho biết, cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng, năm 2006, anh kết hôn với chị Đinh Thị Bia (SN1989) ở cùng thôn. Một năm sau đó, vợ chồng anh chị sinh con trai đầu lòng là Đinh Văn Siêng.
Khác với Rể, Siêng hoàn toàn khỏe mạnh, phát triển bình thường và nay đã học đến lớp 3. Thế nhưng khi sinh hạ Rể thì vợ chồng an An sửng sốt khi cậu con trai sinh ra chỉ bằng con chuột nhắt, nặng chừng 5 lạng.
Cả làng bàng hoàng, vợ chồng lo lắng. Nhiều người trong thôn nghe tin vợ chồng anh sinh ra ‘dị nhân’ nên đổ đến xem và lời ra tiếng vào càng khiến anh chị thêm hoang mang.
“Lúc đầu lo lắng lắm, vợ chồng tôi định bỏ con đi. Nhưng nhìn cháu lành lặn, đầy đủ chân tay và được mẹ vợ khuyên can, nên vợ chồng tôi đã giữ lại để nuôi. Tôi đặt tên nó là Đinh Văn Rể. Lúc chào đời nó khóc rất ít, tôi bảo vợ dù sao cũng là con mình sinh ra, cứ nuôi nấng được ngày nào biết ngày đó", anh Đinh Văn An chia sẻ.
Thời gian sau, từ sự lạ lẫm dị nghị ban đầu, người dân Gò Da quen dần với sự có mặt của ‘cậu bé tý hon’ Đinh Văn Rể. Anh em hàng xóm thỉnh thoảng có thời gian lại tìm đến nhà thăm nom. Nhà anh An nghèo, vợ chồng sớm hôm lên rẫy, việc chăm nom Rể thường giao lại cho cậu con đầu Đinh Văn Siêng.
“Nó chậm lớn lắm, được 5 tháng thì Rể mới bú mớm ổn định. Tôi còn nhớ khi Rể chừng 2 tuổi, có lần nó làm cho gia đình tôi phát hoảng. Bữa đó hai vợ chồng lên rẫy, thằng Siêng ở nhà trông em. Thằng Siêng nó mải chơi để em bò xuống bếp lúc nào không biết.
Khi vợ chồng tôi vừa từ rẫy về, thằng Siêng lao ra khóc nức nở nói 'em Rể biến mất rồi’. Chúng tôi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. Anh em thôn xóm cũng tìm giúp mà không thấy đâu.
Lát sau, vợ tôi xuống bếp thì thất kinh khi thấy chiếc nồi nấu cơm lật úp giữa nhà cứ di chuyển đưa qua đưa lại như con rùa, bên trong có tiếng động đậy. Tôi mở ra thì giật mình khi thằng Rể đang nằm bên trong. Lúc này chắc thằng Siêng mải chơi,thằng Rể đói bụng đã bò xuống bếp tìm cơm và bị nồi lật úp lại”, anh An kể.
Rể rất thích tắm cùng anh trai và nghịch nước
Không loại trừ do hôn nhân cận huyết!
Bác sỹ Phạm Văn Trường, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Ba nhớ lại, tôi còn nhớ cái ngày gặp Rể là năm 2010, khi ấy cậu bé lên 2 tuổi. Trong một chuyến công tác đến các bản vùng sâu. Các cán bộ y tế lên thôn Gò Da để kiểm tra sức khỏe, cân đo định kỳ cho trẻ em phát hiện ra ‘cậu bé tý hon’ này và theo dõi cho đến nay.
“Gia đình Rể thuộc diện hộ nghèo cũng như bao hộ dân ở thôn Gò Da này. Thường ngày Rể chỉ được ăn cơm và rau rừng. Mỗi bữa em ăn được một chén cơm, uống nước suối, nước trời.
Do cháu không sinh ở trạm y tế nên chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Gia đình là đồng bào H’rê quanh năm nương rẫy, chúng tôi vẫn lên thôn kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng đến năm 2010 khi em đã 2 tuổi, chúng tôi mới phát hiện. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy em bé với cơ thể nhỏ xíu như thế!”, bác sỹ Trường cho biết.
Cũng theo bác sỹ Phạm Văn Trường, trẻ em đồng bào H’rê ở độ tuổi này trên địa bàn cũng cao từ 0,9-1,0m và nặng trên 25kg. Trường hợp trẻ em có suy dinh dưỡng nặng lắm cũng không thể nhỏ như Rể.
Cán bộ y tế thường xuyên thăm khám và theo dõi sức khỏe của Rể
Được hướng dẫn của cán bộ y tế, gia đình Rể cũng đưa em đi khám các bệnh viện tuyến trên nhưng không phát hiện em bị bệnh gì.
Theo các bác sỹ và người dân địa phương, ông nội và ông ngoại của cháu Rể là anh em cùng huyết thống. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến Rể có hình hài như vậy. "Năm 2015, Sở Y tế Quảng Ngãi đã từng mời chuyên gia nghiên cứu sức khỏe của cháu Rể. Các chuyên gia cho rằng có thể Rể mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là tật "người lùn, đầu chim". Đây là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, là bệnh di truyền gene lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18. Song vẫn chưa có kết luận cụ thể. Tuy nhiên, 3 năm nay, cân nặng và chiều cao của cháu không hề thay đổi, thậm chí có biểu hiện nhỏ hơn", bác sỹ Phạm Văn Trường, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Ba cho biết thêm.
Nói về mơ ước của Rể, anh Đinh Văn An lo lắng: “Nó yếu, ăn mỗi bữa chỉ được chén cơm nhỏ. Năm ngoái, tôi đã đưa con đến xin nhập vào lớp 1 nhưng chỉ được mấy hôm. Con yếu quá, tôi lại đưa về. Vợ chồng tôi dự định đầu năm học tới sẽ cho con đến trường, để con có thể phát triển và hòa đồng hơn với các bạn. Nó thấy các bạn đi học cũng thích, nhưng nhỏ quá, lại chậm nói. Không biết rồi nó sẽ học ra sao”.
Rời thôn Gò Da, hình ảnh "cậu bé tý hon" Đinh Văn Rể cứ ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường. Và nghe đâu đó ở Quảng Ngãi cũng có một trường hợp tý hon tương tự, kết cục của hủ tục hôn nhân cận huyết mà rất cần chính quyền địa phương tuyên truyền, xóa bỏ. Để những đứa trẻ H'rê được khỏe mạnh và thực hiện ước mơ đến trường.