Nỗ lực tìm cơ hội sống cho bệnh nhân
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bệnh nhân 91 từng có chỉ số đông đặc phổi lên đến 90%. Đã có nhiều trường hợp vượt qua ngoài đánh giá của y học khi mắc COVID-19, điển hình là bệnh nhân này.
“Ban đầu chúng ta nghĩ bệnh nhân khó có thể cai được ECMO (tim phổi nhân tạo) với tỷ lệ phổi đông đặc cao. Tuy nhiên, đến nay bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO, tỷ lệ thông khí phổi đã tăng lên khoảng 50-58%”- ông Sơn nói.
Mặc dù tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã cải thiện, nhưng Thứ trưởng đề nghị Tổ điều trị tiếp tục theo dõi tình hình bệnh nhân về mọi mặt: nội khoa, dinh dưỡng, chỉ số miễn dịch và tình trạng nhiễm trùng. Bên cạnh điều trị nội khoa để bệnh nhân ngày càng tốt hơn, vẫn cần chuẩn bị sẵn điều kiện về ngoại khoa để có thể sẵn sàng tiến hành, nếu bệnh nhân phải ghép phổi.
Bệnh nhân 91 có thể cười, bắt tay bác sĩ. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
|
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các bác sĩ, chuyên gia, tổ điều trị tiếp tục nỗ lực một cách tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân 91, như một biểu tượng trong cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta.
"Trong trường hợp sức khỏe bệnh nhân như thế nào chúng ta cũng có những can thiệp phù hợp, để giúp cho người bệnh tiếp tục tiến triển về sức khỏe" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Đến nay, sau 24h ngừng sử dụng ECMO, bệnh nhân vẫn ổn định. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy phổi của bệnh nhân đã cải thiện. Vùng thông khí được cải thiện nhiều, đặc biệt phổi trái đã thông khí hơn 50%, phổi phải hơn 8%. Kết quả CT-ngực và bụng vào sáng nay 4/6 cho thấy các tổn thương ở mức bình thường. Bệnh nhân hiện đang được thở máy áp lực.
Không chủ quan, tiếp tục phòng, chống dịch
Đánh giá diễn biến dịch bệnh trên thế giới, các chuyên gia cho biết, hiện nay, một số quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện tốt chính sách ngăn chặn dịch từ sớm, nên đã kiểm soát được dịch bệnh, tương đối an toàn và ổn định. Nhưng đối với nhiều nước ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm khi thực hiện các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm, nhưng do triển khai muộn nên chưa thể khẳng định được khu vực nào là an toàn.
Về nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19, hiện đã có nhiều quốc gia và tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới tham gia, nhưng mới ở giai đoạn thử lâm sàng, chưa hy vọng có ngay được để phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Hoàng Anh
|
Các chuyên gia cũng cho rằng tình hình dịch COVID-19 ở các nước trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nên nước ta vẫn phải tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt công tác cách ly; kịp thời phát hiện ca mắc mới để khoanh vùng, điều trị hiệu quả.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 vào sáng nay (4/6), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, do dịch bệnh kéo dài nên vấn đề tổ chức đưa công dân Việt Nam từ các khu vực có dịch về nước (người lao động hết hợp đồng, du học sinh, người thăm thân, chuyên gia người Việt,… bị kẹt lại các nước do dịch bệnh), cũng như việc đón các đoàn ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao,… vào Việt Nam đang tạo ra sức ép rất lớn.
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp bàn về công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Đình Nam
|
Chính vì thế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định: Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác không thể đóng cửa vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn.
Do vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất tinh thần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn. Các hướng dẫn về đưa đón, tổ chức cách ly đối với các đối tượng nhập cảnh phải hết sức cụ thể, tổ chức kiểm tra thường xuyên. Bộ Y tế được giao xây dựng và ban hành sớm hướng dẫn đón các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam trong hời gian ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo lưu ý mặc dù tình hình dịch COVID-19 trong nước tương đối tốt nhưng thời gian qua trong bộ máy ở một số nơi có biểu hiện lỏng lẻo, sơ hở, điển hình là việc chuẩn bị những địa điểm cách ly phi hành đoàn, chuyên gia nước ngoài.
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 4/6, đã 49 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tính đến 18h ngày 4/6, cả nước có tổng cộng 188 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 4 ca. |