Kỹ sư Trung Quốc bị kết tội ăn cắp bí mật thương mại của công ty công nghệ Mỹ

VietTimes – Ba kỹ sư Trung Quốc liên quan đến vụ kiện này có khả năng sẽ phải bồi thường và lĩnh án tù.
Micron đã từng cáo buộc UMC và một công ty ở Trung Quốc đại lục đánh cắp bí mật thương mại của hãng. Ảnh: Phone Arena
Micron đã từng cáo buộc UMC và một công ty ở Trung Quốc đại lục đánh cắp bí mật thương mại của hãng. Ảnh: Phone Arena

Ngày 12/6, một tòa án ở Đài Loan đã đưa ra phán quyết rằng các kỹ sư của United Microelectronics Corp (UMC) đã đánh cắp bí mật thương mại của Micron - một nhà sản xuất chip của Mỹ - theo Bloomberg. Những kỹ sư này đã bị cáo buộc gửi IP cho một công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục.

Tòa án quận Đài Trung đã phạt UMC 100 triệu Đài tệ (78,5 tỷ đồng) sau khi phát hiện 3 kỹ sư của công ty này phạm tội hoặc hỗ trợ trong vụ trộm. Cả 3 sẽ phải ngồi tù trong khoảng thời gian từ 4,5 đến 6,5 năm và bị phạt 4-6 triệu Đài tệ (3,1-4,7 tỷ đồng).

Trước các cáo buộc, Bắc Kinh đã liên tục phủ nhận việc các công ty Trung Quốc trộm cắp tài sản của các công ty Mỹ. Phán quyết được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực đang cố gắng đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực bán dẫn. SMIC - một công ty sản xuất chip lớn của Trung Quốc - được cho là đang đặt mục tiêu 2 năm để đuổi kịp 2 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là TSMC và Samsung.

Ảnh: Phone Arena
Năm 2018, các đơn hàng của Huawei chiếm 13% doanh thu của Micron. Ảnh: Phone Arena

Sau khi phán quyết được tuyên bố, Micron cho biết: “Việc chiếm đoạt bí mật thương mại và chuyển nhượng ra bên ngoài Đài Loan gây bất lợi cho toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước và đe dọa tính cạnh tranh trong tương lai. Phán quyết này càng củng cố tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trên hòn đảo, chứng minh rằng tội chiếm đoạt sẽ được trừng phạt thích hợp”.


UMC cho biết công ty sẽ kháng cáo phán quyết, rằng họ không hệ xâm phạm bí mật thương mại của Micron. Trong một tuyên bố, công ty cho biết: “Trong khi kháng cáo chống lại phán quyết và hình phạt quá bất công, UMC sẽ trích dẫn nhiều điều bất thường trong cả cuộc điều tra và vụ án”.

Theo bản cáo trạng, nhân viên của UMC là Rong Leh-tian đã chỉ thị Kenny Wang (cũng làm tại UMC) sử dụng thiết kế của Micron cho các sản phẩm của UMC để rút ngắn thời gian phát triển chip cho UMC. Kỹ sư thứ ba có liên quan là J.T. Ho, người từng làm việc cho cả UMC và công ty Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa, một nhà sản xuất chip của Trung Quốc. Cả Ho và Wang đều đã sao chép dữ liệu DRAM của Micron vào các thiết bị của riêng họ và sử dụng chúng để phát triển chip cho UMC.

Tòa án cho biết, ông Ho đã nhận được 5 triệu Đài tệ từ cả UMC và Kim Hoa. Trong khi đó, ông Wang nhận được 1,5 triệu Đài tệ (1,17 tỷ đồng) và ông Rong 1,6 triệu Đài tệ (1,25 tỷ đồng) từ UMC.

Khi đưa ra phán quyết, tòa án cho biết: “JT Ho đã nhận được hai khoản lương từ cả UMC và Kim Hoa, vì vậy, việc anh ta có ý định sử dụng dữ liệu của Micron cho công ty ở Trung Quốc đã quá rõ ràng. Kenny Wang và Rong Leh-Tian đều đã làm rò rỉ bí mật thương mại của Micron và sử dụng chúng trong các đơn vị kinh doanh của UMC. Cuối cùng nó được chuyển đến cho Kim Hoa để sản xuất chip hàng loạt”.

“Hành vi của các bị cáo đã dẫn đến việc Micron mất lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường các sản phẩm liên quan đến bí mật thương mại bị rò rỉ và làm suy yếu lợi ích của công ty Mỹ. Thiệt hại này rất khó khắc phục” - trích tuyên bố của tòa án.

Phán quyết này cho thấy sự giám sát ngày càng tăng đối với các công ty Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip và điện tử.

Theo PhoneArena