Trí tuệ nhân tạo sẽ giải quyết được một số vấn đề rắc rối nhất mà thế giới đang gặp phải nhưng nó cần tới một vài người cực kỳ thông minh. Và Quoc Le – một kỹ sư phần mềm gốc Việt đang làm việc tại Google Brain là một trong số đó.
Google Brain hiện đang tập trung vào “Deep Learning” (Deep learning là một thuật toán dựa trên một số ý tưởng từ não bộ với việc tiếp thu nhiều tầng biểu đạt, cả cụ thể lẫn trừu tượng, qua đó làm rõ nghĩa của các loại dữ liệu và đang được ứng dụng chủ yếu trong nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói, xử lí ngôn ngữ tự nhiên) – một xu hướng mới của trí tuệ nhân tạo.
Ý tưởng cuối cùng là tạo ra một loại máy móc có thể đưa ra các quyết định như con người. Tuy nhiên, theo quan điểm của Andrew Ng - một đồng sáng lập của Google Brain thì để đạt tới kết quả như vậy còn cần một khoảng thời gian rất lâu nữa.
Ra mắt vào năm 2011, Google Brain ban đầu hoạt động trong mảng kinh doanh thực hiện các dự án siêu thực của tương lai mang tên Google X. Hiện tại nó đã được tách riêng và trực thuộc phòng nghiên cứu của công ty.
Dù Google vẫn công khai những nghiên cứu về Brain nhưng họ cực kỳ kín tiếng về cấu trúc hoạt động của đội ngũ này. Đáng chú ý trong nhóm có Quoc Le – kỹ sư gốc Việt 34 tuổi có bằng tiến sỹ tại đại học Stanford. Được biết anh đã làm việc tại Google Brain được 4,5 năm.
“Có rất ít người trên thế giới thực sự hiểu cách thức mà các cỗ máy có thể học và suy nghĩ như con người. Deep Learing vẫn là một điều gì đó rất mới mẻ”, Quoc Le nói.
Tuy nhiên, khi được phát triển, mọi người sẽ trở nên thích thú hơn với khả năng giải quyết những vấn đề lớn như giáo dục và biến đổi khí hậu. Ví dụ, hiện tại có thể sử dụng điều khiển từ xa để theo dõi dữ liệu về môi trường trên khắp thế giới nhưng do khối dữ liệu này quá lớn nên chúng ta vẫn chưa xử lý được.
Nếu phát triển thành công Deep Learning, chúng không chỉ giúp tìm ra vấn đề mà còn đề xuất giải pháp.
Andrew Ng khẳng định: “Tôi tin Deep Learning sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng”.
Bản thân Alphabet – công ty mẹ của Google hiện đã tích hợp công nghệ Google Brain vào một số dịch vụ của họ. Ví dụ điển hình là công nghệ nhận diện giọng nói trong hệ điều hành Android và cải thiện khả năng tìm kiếm hình ảnh đều xuất phát từ Brain.
Google cũng công khai mã nguồn mở TensorFlow của Deep Learning với mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Trong năm 2014, họ đã mua lại DeepMind Technologies với giá 650 triệu USD để đặt cược vào lĩnh vực này.
Theo CB Insights, các công ty khởi nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Deep Learning và trí tuệ nhân tạo đã huy động được hơn 950 triệu USD trong vòng 5 năm qua.
Năm 2014, Olcan Sercinoglu - một kỹ sư phần mềm đã rời Google Brain để thành lập công ty khởi nghiệp Scaled Inference.
Công ty này hiện đang ôm tham vọng biến Machine Learning thành công nghệ đại trà. Dù chưa chính thức giới thiệu sản phẩm này nhưng Sercinoglu cho biết đã hoàn thành vòng huy động vốn mới nhất lên tới 13,6 triệu USD từ những ông lớn như Tencent, Angel và Khosla Ventures.
Sercinoglu cũng đề cập đến Google Brain như một yếu tố đặc biệt quan trọng giúp anh hoàn thành vòng huy động vốn mới thành công
Nhìn chung, với những tài năng như Sercinoglu hay Quoc Le, Deep Learning và trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ là công nghệ mang lại nhiều thay đổi đột phá trong tương lai cho loài người.
Theo NSS