Kỷ niệm 70 năm “Kháng Mỹ viện Triều”, ông Tập Cận Bình mạnh mẽ cảnh báo chiến tranh tới Washington

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 23/10, tại cuộc mít tinh kỷ niệm 70 năm “Kháng Mỹ viện Triều”, ông Tập Cận Bình khi phát biểu đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hiếm thấy, gửi tín hiệu cứng rắn tới Mỹ giữa lúc quan hệ hai bên đã ở vào tình trạng xấu chưa từng thấy.
Phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 70 năm "kháng Mỹ viện Triều" hôm 23/10, ông Tập Cận Bình gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Mỹ (Ảnh: Reuters).
Phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 70 năm "kháng Mỹ viện Triều" hôm 23/10, ông Tập Cận Bình gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Mỹ (Ảnh: Reuters).

Ông Tập Cận Bình đã nhìn lại cuộc chiến tranh 70 năm trước với Mỹ và đưa ra tuyên bố mạnh mẽ: “Đối xử với những kẻ xâm lược, phải nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà chúng hiểu, đó là lấy chiến tranh ngăn chiến tranh, dùng vũ lực chặn binh đao, giành lấy hòa bình và sự tôn trọng bằng chiến thắng”.

Gần như cùng lúc đó, ở bên kia bờ đại dương, các ông Donald Trump và Joe Biden đang có cuộc tranh luận cuối cùng trước cuộc bầu cử tổng thống và trong khi đấu khẩu cũng nhiều lần đề cập đến quan hệ Trung-Mỹ.

Ở Mỹ, Chiến tranh Triều Tiên là “cuộc chiến tranh bị lãng quên”, ở Trung Quốc nó lại là “cuộc chiến tranh giúp Triều Tiên chống lại sự xâm lược của Mỹ”. Trên bán đảo Triều Tiên, những vết sẹo do cuộc chiến này gây ra vẫn chưa lành.

70 năm đã qua, dư âm của cuộc chiến tranh vẫn chưa biến mất, không chỉ vì vùng lân cận vĩ tuyến 38 vẫn là một điểm nóng quân sự được toàn cầu chú ý; Trung Quốc và Mỹ, hai bên tham gia cuộc chiến đã trải qua quá trình phá băng và hàn gắn, rồi một lần nữa đối đầu ăn miếng trả miếng, khiến cuộc chiến tranh chưa kết thúc này có một ý nghĩa hiện thực.

Quang cảnh cuộc mít tinh, mọi người hoan nghênh khi các cựu Chí nguyện quân tiến vào hội trường (Ảnh: Tân Hoa xã).

Quang cảnh cuộc mít tinh, mọi người hoan nghênh khi các cựu Chí nguyện quân tiến vào hội trường (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Tập Cận Bình nói gì?

Toàn bộ nội dung cuộc mít tinh kỷ niệm này chủ yếu là bài phát biểu của ông Tập Cận Bình. Ông đã đề cập đến một số chi tiết đáng chú ý.

Ông Tập nói: “Trong 70 năm qua, chúng ta không bao giờ quên các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng Mỹ viện Triều. Hơn 197.000 người con anh hùng đã hy sinh mạng sống quý giá của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho hòa bình”.

Sau khi tuyên bố đình chiến vào ngày 27/7/1953, thống kê ban đầu của Trung Quốc nói số Chí nguyện quân Trung Quốc thiệt mạng trên chiến trường Triều Tiên là 148.977 người, 220.218 người bị thương, 25.621 người mất tích và 21.400 người bị bắt.

Sau đó, các con số đã được sửa đổi. Tạp chí Văn sử tham khảo của Trung Quốc xuất bản năm 2010 cho biết “có tổng cộng 180.000 quân tình nguyện Trung Quốc hy sinh trong Chiến tranh Triều Tiên”.

Còn theo thống kê của Mỹ, số quân tình nguyện Trung Quốc trên chiến trường Triều Tiên bị chết là hơn 400.000 người, 486.000 người bị thương và 21.839 người bị bắt.

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại cuộc mít tinh hôm 23/10 lại tiết lộ số liệu mới nhất: 197.000 người Trung Quốc đã chết trong Chiến tranh Triều Tiên.

Về lý do Trung Quốc tham chiến, ông Tập Cận Bình nói: “Vào thời kỳ đầu thành lập nước Trung Hoa mới, trăm thứ đổ nát đang chờ được xây dựng, mọi ngành nghề đang đợi được phát triển. Nhân dân Trung Quốc vô cùng khát khao hòa bình an ninh; nhưng nguyện vọng đó bị thách thức nghiêm trọng, bọn đế quốc xâm lược đã đưa chiến tranh áp đặt lên đầu nhân dân Trung Quốc”.

Sau 70 năm, Trung Quốc và Mỹ vẫn nhìn nhận khác nhau về chiến tranh Triều Tiên (Ảnh: Dwnews).

Sau 70 năm, Trung Quốc và Mỹ vẫn nhìn nhận khác nhau về chiến tranh Triều Tiên (Ảnh: Dwnews).

Sau cuộc chiến tranh cục bộ phải trả giá rất đắt này, nhiều tư liệu lịch sử cho thấy có những phán đoán sai lầm về cuộc chiến ở cả Trung Quốc và Mỹ.

Về phía người Mỹ, mục đích trực tiếp của việc tham chiến là để “tránh Chiến tranh Thế giới thứ III”. Tổng thống Mỹ khi đó là Truman tuyên bố: “Nếu Cộng sản Trung Quốc xâm lược Hàn Quốc bằng vũ lực mà không bị phản đối và kháng cự, thì sẽ không có nước nhỏ nào đủ can đảm chống lại sự xâm lược của một nước cộng sản láng giềng hùng mạnh, sẽ giống như tình hình trước khi Thế chiến thứ II bùng nổ, ắt dẫn đến đại chiến thế giới thứ III bùng phát”.

Đối với Trung Quốc, ngay trước khi tham chiến, họ miễn cưỡng phải can thiệp vào cuộc chiến này, bởi vì mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là Đài Loan, không phải Triều Tiên.

Ông Nguyễn Minh (Ruan Ming), nguyên Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Lý luận của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhớ lại: “Trung Quốc khá bất ngờ vì bước tiếp theo của Trung Quốc khi đó là giải phóng Đài Loan. Thực tế ông Mao Trạch Đông đã dự định như thế, dân chúng cũng nghĩ như thế. Thế rồi đột nhiên chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Mao Trạch Đông đến Moscow năm 1949 là để nói chuyện với Stalin hy vọng giải phóng Đài Loan, Stalin cũng đồng ý. Thực ra lúc đó dường như Stalin vẫn còn một dự định khác, đó là thỏa thuận với Kim Nhật Thành đánh xuống Hàn Quốc, nhưng ông Mao Trạch Đông không biết”.

Cho đến những năm gần đây, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong các bài báo kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên, “Lý do khiến Chiến tranh Triều Tiên không thể nào bị lãng quên là nó xảy ra vào thời điểm sai, Trung Quốc vừa được giải phóng, và mọi thứ đang chờ được hồi sinh, lại phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là truy kích kẻ địch còn sót lại và các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng cần phải được giải quyết. Cuộc chiến tranh không đúng lúc đó đã triệt để phá vỡ mọi nghị trình trong nước”.

Quan hệ Trung - Mỹ hiện đang ở trong tình trạng xấu chưa từng thấy (Ảnh Dwnews).

Quan hệ Trung - Mỹ hiện đang ở trong tình trạng xấu chưa từng thấy (Ảnh Dwnews).

Thái độ cứng rắn vào thời điểm đặc biệt

Thời điểm diễn ra cuộc mít tinh kỷ niệm ở Trung Quốc cũng khá thú vị. Quân tình nguyện Trung Quốc tiến vào chiến trường Triều Tiên vào ngày 19/10/1950, “Chiến dịch đầu tiên” giành thắng lợi toàn diện vào ngày 25/10/1950, ngày này cũng được chính thức xác định là “Ngày kỉ niệm kháng Mỹ viện Triều”; Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết tại Panmunjom vào ngày 27/7/1953.

Cuộc mít tinh kỷ niệm lần này không chọn ba ngày này mà là ngày 23/10 và nó được tổ chức cùng lúc với cuộc tranh luận cuối cùng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Thêm nữa, thái độ cứng rắn trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tuy không trực tiếp gọi tên nhưng thế giới bên ngoài đều cho rằng ý đồ nhằm vào Mỹ rất rõ.

Ông Tập Cận Bình nói: “Trong thế giới ngày nay, bất kỳ chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa vị kỷ cực đoan nào đều cơ bản không thể thực hiện được! Mọi hành động đe dọa, phong tỏa hoặc gây áp lực tối đa đều cơ bản không thể thực hiện được! Mọi hành vi làm theo ý mình, cho mình là nhất và mọi hành vi bá quyền, bá đạo và bắt nạt đều không ổn! Không những hoàn toàn không thể thực hiện được, mà cuối cùng tất sẽ đi vào ngõ cụt!”.

“Chúng ta sẽ quyết không ngồi nhìn chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển bị tổn hại, cũng không bao giờ cho phép bất kỳ ai hay bất kỳ thế lực nào xâm phạm và chia cắt lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu xảy ra tình hình nghiêm trọng như thế, nhân dân Trung Quốc quyết sẽ hiên ngang giáng trả”.

Tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng, Trung Quốc liên tiếp tập trận đe dọa Đài Loan. Trong ảnh: xe thiết giáp lội nước diễn tập đánh chiếm bãi đổ bộ (Ảnh: CCTV).

Tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng, Trung Quốc liên tiếp tập trận đe dọa Đài Loan. Trong ảnh: xe thiết giáp lội nước diễn tập đánh chiếm bãi đổ bộ (Ảnh: CCTV).

Ông nói: “Trong cuộc Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều, người dân Trung Quốc, được truyền cảm hứng từ ngọn cờ yêu nước, lòng căm thù địch, đồng tâm hiệp lực, khiến thế giới chứng kiến ​​sức mạnh vĩ đại chứa đựng trong nhân dân Trung Quốc, cho thế giới biết rằng: Giờ đây, nhân dân Trung Quốc đã được tổ chức, không thể bị xúc phạm; nếu ai xúc phạm ắt phải chịu hậu quả”.

Sau 70 năm, tuyên bố trên dường như nhắc nhở rằng quan hệ Trung-Mỹ đã trải qua một vòng luân hồi - sau Chiến tranh Triều Tiên hai nước đối đầu gần 30 năm; trong những năm 1970 khi quan hệ Trung-Xô xấu đi, quan hệ Trung-Mỹ đã tan băng; sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa năm 1978, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng khăng khít, năm 2001 Trung Quốc gia nhập WTO với sự giúp đỡ của Mỹ, bước vào con đường toàn cầu hóa, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Hiện nay, quan hệ Trung - Mỹ một lần nữa gươm tuốt khỏi vỏ, đối đầu toàn diện về thương mại, công nghệ và ngoại giao, bắt đầu xuất hiện các tiếng nói lo lắng về khả năng xảy ra “chiến tranh nóng”.

Nguy cơ xung đột Trung – Mỹ đang gia tăng

Bộ Quốc phòng Mỹ giờ đây cho rằng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu quân sự chủ yếu của Mỹ trong những thập kỷ tới.

Quan hệ Trung - Mỹ đã chuyển từ hợp tác chặt chẽ sang thiếu tin cậy lẫn nhau. Ngoài ra, thế giới đang lo lắng hơn về sự cân bằng mong manh của tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Một khi tình hình Triều Tiên đột biến và nổ ra chiến tranh, nó có thể một lần nữa trở thành chiến trường cho sự đối kháng Trung-Mỹ.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã 8 lần bán vũ khí cho Đài Loan. Trong ảnh: hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động HIMARS Bộ Quốc phòng Mỹ vừa quyết định bán cho Đài Loan trong gói 1.8 tỷ USD (Ảnh: Dongfang).

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã 8 lần bán vũ khí cho Đài Loan. Trong ảnh: hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động HIMARS Bộ Quốc phòng Mỹ vừa quyết định bán cho Đài Loan trong gói 1.8 tỷ USD (Ảnh: Dongfang).

Điều khiến người ta lo ngại hơn nữa là xét về sức mạnh quốc gia hiện tại của Trung Quốc, cường độ và ảnh hưởng của Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai có thể sẽ không còn là một “cuộc chiến tranh bị lãng quên”.

Tác giả về các vấn đề an ninh người Mỹ Michael Peck đã viết trên National Interest rằng một khi xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, nguy cơ mất kiểm soát là rất lớn.

Bình luận về phát biểu của ông Tập Cận Bình, tờ Lianhe Zaobao của Singapore dẫn lời giới nghiên cứu cho rằng: “Đây là lời cảnh cáo mạnh mẽ đốivới việc Mỹ gần đây chơi quân bài Đài Loan và đẩy mạnh bán vũ khí cho Đài Loan; nguy cơ xung đột Mỹ - Trung ở eo biển Đài Loan đang gia tăng”.

Trang tin Hoa ngữ Dwnews ngày 24/10 đăng bài nhận định, cùng với quan hệ hai bờ eo biển trở nên căng thẳng, xuất hiện một số tiếng nói cho rằng quân đội Mỹ nên quay lại đóng quân ở Đài Loan. Richard Bush, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn của Washington và là cựu Chủ tịch Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), ngày 22/10 đã phát biểu tại cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói: nếu Mỹ đưa quân đến đóng ở Đài Loan có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy áp lực phải yêu cầu đình chỉ hoặc hủy bỏ quan hệ ngoại giao với Mỹ, vì một trong những điều kiện để bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung trong những năm 1970 là việc Mỹ rút quân khỏi Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây tuyên bố đã chấp thuận bán vũ khí và thiết bị quân sự trị giá hơn 1,8 tỷ USD cho Đài Loan. Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa xã của Trung Quốc đăng bài bình luận nói, Mỹ đã lạm dụng “quân bài Đài Loan” và cố ý phá hoại quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Các động thái này đều là trò chơi rất nguy hiểm; việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan rõ ràng là một liều thuốc độc.

Bài báo chỉ ra rằng “việc Mỹ thúc đẩy bán vũ khí cho Đài Loan hiện nay chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra sóng gió trong quan hệ Trung - Mỹ và càng đẩy quan hệ hai nước vào tình thế nguy hiểm. Nếu Mỹ phớt lờ các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, thất hứa và hành động liều lĩnh, Trung Quốc tất sẽ kiên quyết chống trả. Nếu cứ cố ý đầu độc, các chính trị gia chống Trung Quốc ở Mỹ và thế lực ly khai ‘Đài Loan độc lập’ cuối cùng sẽ phải tự gánh chịu hậu quả”.