Trong báo cáo "Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam" mới công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực này là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, đồng thời tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công.
Mục tiêu này được cụ thể hoá với Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (hay còn gọi là Đề án 844) được Chính phủ phê duyệt vào năm 2016. Đề án này đặt mục tiêu hỗ trợ cho 600 doanh nghiệp, trong đó sẽ có 100 doanh nghiệp thành công gọi vốn hơn 2.000 tỉ đồng.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính Phủ, số lượng các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ mạo hiểm đang tăng lên cũng phần nào hỗ trợ các startup về nguồn vốn. Hầu hết các nhà đầu tư thiên thần là những doanh nhân khởi nghiệp thế hệ đầu đã thành công quay lại đầu tư vào các thế hệ sau.
Theo ADB, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển văn hóa khởi nghiệp vậy nên chắc chắn sẽ gặp trở ngại về nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, các trường đại học và viện nghiên cứu đang phối hợp với chính quyền các tỉnh và các bộ ngành trung ương để thành lập các đơn vị hỗ trợ trong trường đại học. Các trường còn tích cực tổ chức các sự kiện khởi nghiệp cho sinh viên nhằm thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp trong giới trẻ.
‘Cuộc đua’ IPO tỉ USD
‘Kỳ lân’ là cách gọi cho những startup được định giá từ 1 tỉ USD trở lên. Hiện Việt Nam có một số doanh nghiệp được xem như là ‘kỳ lân’ như: VNG, VNPay, Sky Mavis và MoMo.
Trong đó, như VietTimes từng đề cập, VNG đang lên kế hoạch chào bán 12,5% cổ phần trong đợt IPO tại Mỹ, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022.
Trước thềm IPO, VNG được cho là sẽ thực hiện một đợt gọi vốn 200 – 300 triệu USD từ các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.
Một ‘startup’ khác đang hoạt động tại Việt Nam là Giao Hàng Tiết kiệm (GHTK) cũng được tin rằng sẽ IPO ngay trong năm 2022 với định giá lên tới 1 tỉ USD.
Trước đó, dẫn lời trên tờ Forbes Việt Nam, CEO Phạm Hồng Quân cho biết công ty này đang sắp xếp lại cổ phần trước thềm IPO.
“GHTK sẽ là công ty của Việt Nam, do người Việt lãnh đạo và phát triển bằng công nghệ Việt. Cổ đông ngoại sẽ không giữ quá 49% cổ phần và chỉ có vai trò đối tác tài chính”, vị này khẳng định.
Tiki cũng được tin rằng đang chuẩn bị cho việc IPO tại thị trường chứng khoán quốc tế. Hồi tháng 8/2021, 90,54% cổ phần của ‘starup’ giao hàng này đã được chuyển nhượng cho Tiki Global. Thương vụ được xem như là động thái để Tiki có thể tiến hành IPO thuận lợi hơn./.