|
Đội đặc nhiệm Nga |
Niềm vui chiến thắng
Cả ba người bị thương nặng trong trận đánh gồm: Pavel Climov, Emưsev và Phedoxeev đều được điều trị tại quân y viện ở Taskent, trong đó có Emưsev bị mất một cánh tay phải. Khi chào đón năm mới 1980, các thành viên đội “A” được những người bạn ở Ủy ban An ninh nước cộng hòa đến thăm tại quân y viện. Họ mang theo bánh kẹo và chia sẻ những tin đồn rất êm tai. Lúc đầu có tin, tất cả những người bị thương sẽ được phong Anh hùng, còn lại đều được tặng thưởng Huân chương Lênin.
Đến chiều tối lại có tin mới, sốt dẻo hơn do người đứng đầu Ban an ninh Taskent thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Uzbekistan nói. Ông ta thề rằng, những thông tin ấy được các nhân vật đứng đầu của Uzbekistan nhận từ Moxcva. Phải đến năm hoặc sáu người được phong Anh hùng Liên Xô, còn lại là Huân chương Lênin và Cờ đỏ". Romanov chỉ huy lực lượng Đội “A” trong chiến dịch nhớ lại lời của Đại sứ trong lúc anh quằn quại vì đau thận tại quân y viện. Ông ta nói lời cảm ơn những người chiến sĩ dũng cảm. Ông bảo, mọi việc rất gọn ghẽ; không cơ quan tình báo thế giới nào biết về lực lượng tiến hành chiến dịch. Ông cho biết, các anh sẽ được nhận huân chương, huy chương.
|
Đội đặc nhiệm tác nghiệp trên biển...
|
Sau một thời gian, công tác khen thưởng được tiến hành. Đối với các liệt sĩ thì không có gì đáng bàn. Nhưng với người sống thì phức tạp hơn. Phải lập hồ sơ đề nghị khen thưởng lấy chữ ký, gửi công văn qua lại. Sau đó tất cả được chuyển lên trên và mọi sự rơi vào im lặng.
Từ chiến trường trở về không bao lâu, các thành viên đội đặc nhiệm "A" được nghỉ đúng một ngày với gia đình, người thân rồi lại phải bắt tay vào công việc mới. Số là khi về đến Moxcva hôm trước, hôm sau tướng Bestrastnov, Cục trưởng Cục VII giao nhiệm vụ ngay cho họ. Đúng ngày 4/7/1980, Đội “A” phải bắt đầu tiếp cận với công việc bảo vệ Thế vận hội Olympic Moxcva. Bài học trong vụ việc khủng bố người Palestin bắt cóc và tàn sát dã man đội tuyển đấu vật Israel ở Olympic Munich lần trước không cho phép những người tổ chức, đặc biệt là những thành viên của Đội “A” nhận nhiệm vụ mà lơ là, mất cảnh giác. Đội chống khủng bố lại vào trận.
Bức thư nặc danh
Trong lúc chờ đợi kết quả khen thưởng thì một sự việc bất ngờ xảy ra khiến những thành viên của Đội “A” hết sức đau đầu, uất hận vì danh dự bị bôi nhọ. Một nhân vật nào đó đã gửi đến cơ quan KGB bởi một bức thư nặc danh, tố cáo những người tham chiến trong chiến dịch tuyệt mật Storm-333 là những tên trộm cướp, trấn lột tiền vật dụng của người chết. Thông tin này đã đến tai tướng Andropov và các phó chủ tịch trong ủy ban an ninh.
|
... và trong những khu vực đông người.
|
Người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là Romanov vì anh sẽ bị tước bỏ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Lá thư tố rằng, Romanov là chí huy, nhưng đã nhắm mắt làm ngơ để đồng đội lục lọi xác chết lấy tiền, lấy của để rồi sau đó được chia phần. Trước tình hình này, Tướng Andropov của KGB đã lệnh phải tìm cho ra tác giả bức thư. Romanov phải đi gặp dự thẩm viên để làm rõ một vài thông tin, trong đó có vấn đề tại sao trong túi Balasov lại có 5.000 afghani (tiền Afghanistan).
Khi gặp dự thẩm viên, Thiếu tá Romanov nói rằng, đó là tiền Đại sứ quán Liên Xô tại Cabul cho toàn đội sau chiến thắng, có biên nhận hẳn hoi và đưa Balasov giữ. Vì chưa dùng đến nên cơ quan anh ninh đã tìm thấy tập tiền mới này trong bộ đồ bẩn, đẫm máu của Balasov.
Thiếu tá Romanov nhớ lại lúc gần kết thúc trận đánh ở dinh thự của Anmin. Trong lúc chạy trên cầu thang, một quả lựu đạn nổ ở phía dưới, khiến một phụ nữ thiệt mạng. Rồi Berlev và Carpukhin kéo xác chết ấy ra khỏi thang máy, đặt xuống sàn và lục soát giấy tờ. Đúng lúc Romanov định lại gần xem thì có một người đàn ông chừng năm mươi tuổi mang hàm trung sĩ, nhân viên ban đặc biệt của KGB giật áo cản anh lại. Ông ta giận dữ, phản đối việc mò túi người chết. Trước tình huống này, Romanov đã mắng và chế diễu, đuổi ông ta đi khỏi hiện trường. Romanov nghi ngờ, tác giả của lá thư nặc danh kia có lẽ là của người đàn ông này. Nếu vậy thì đó là đồ đê tiện. Romanov đến gặp Tướng Bestrastnov và trình bày lý do.
Cuối cùng, Ban thanh tra do Chủ tịch ủy ban An ninh Quốc gia I. V. Andropov đã chỉ định, không tìm ra kẻ ác ý là tác giả của bức thư nữa. Họ đã trả lại sự trong sạch cho Romanov và anh vẫn được khen thưởng, nhưng không quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng. Bức thư nặc danh cũng đã loại khỏi danh sách phong tặng Anh hùng với Đội trưởng "Zenit" là Iacov Xemenov, thay vào đó là được sang "Cờ đỏ”.
Phá lệ
Đối với những người lính của quân đội Liên Xô, khi được phong tặng các phần thưởng cao quý, nhất là huân chương, huy chương, họ thường tổ chức “lễ rửa”, bằng cách cho huân chương, huy chương vào cốc rượu mạnh để bạn bè, đồng đội chung chia vui. Đối với những chiến sĩ đặc nhiệm ở Đội “A”, việc tổ chức “lễ rửa” huân chương là điều cấm kỵ. Thế nhưng, bất chấp những quy định ngặt nghèo trong quản lý thông tin, họ vẫn tiến hành rửa huân chương theo lệ tại một nhà hàng lớn. Điều khác lạ ở đây chính là giữa thanh thiên bạch nhật và rất đông người, họ đã bảo mật được thông tin về cá nhân và nhiệm vụ.
Ngày 28/4/1980, Chủ tịch Đoàn Xô Viết Tối cao Liên Xô ban hành sắc lệnh phong Anh hùng Liên Xô vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt của chính phủ Liên xô, vì tinh thần dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng được thể hiện trong khi làm nhiệm vụ cho Boiarinov Grigon Ivanovich (truy tặng), Victor Carpụkhin, Cozlov Evald Grigorievieh. Gia đình đại tá Boiarinov được trao tặng Huân chương Sao vàng. Carpukhin và Cozlov nhận ngôi Sao vàng ở Điện Cremli ngày 21/5/1980 do Cuznexov, Phó chủ tịch thứ nhất Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng. Romanov, Golov và Poliacov được tặng thưởng Huân chương Lênin.
|
Đặc nhiệm Nga tại Trung Đông.
|
Ngày 21/5/1980, 5 chiến sĩ ưu tú tập trung ở Điện Cremli. Lễ trao thưởng được cử hành thật cầu kỳ. Họ được tập luyện kỹ lưỡng nghi thức trao nhận. Sau buổi lễ mọi người đi ra phòng nghỉ và Cozlov gợi ý chụp ảnh. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh Lejeneeov đi cùng họ đã ra lệnh cấm. Tuy nhiên, các chiến sĩ này vẫn cứ thực hiện ý định, nhưng có điều, sau này không có bất cứ người nào nhận được những bức ảnh chụp đó, ngoài bức ảnh chụp cùng Cuznexov, Phó chủ tịch thứ nhất Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô khi trao, tặng huân chương, huy chương.
Sau khi nhận thưởng, hai Phó Chủ tịch ủy ban An ninh là Lejenecov và Kirpichenco cho phép mỗi người cạn một ly vodca. Nhưng dặn cấm hở cho ai chuyện này: “Cứ việc bịa đủ mọi chuyện về việc được khen thưởng, trừ sự thật. Đây là bí mật quốc gia".
Rửa huân chương
Không muốn uống vụng xó nhà chén rượu mừng, những người trong Đội “A” đã đặt tiệc ở nhà hàng "Pasa" để làm thủ tục rửa huân chương. Đến nhà hàng, sau khi đã bỏ áo khoác ở nơi quy định, nhìn thấy những tràng trai đeo ngôi Sao vàng trên ve áo, người thứ hai rồi thứ ba đeo Huân chương Lênin, mọi người xúm xung quanh, chỉ trỏ, thán phục, mắt sáng lên. Đến cô dâu cũng chạy đến đòi sờ huân chương.
|
Đội đặc nhiệm - niềm tự hào của quân đội Nga.
|
Họ làm lễ rửa huân chương ở tầng 2 của nhà hàng, trong một một căn phòng không người ngoài, không quảng cáo. Trong khi các thành viên Đội “A” rót rượu, thả huân, huy chương vào cốc thì nhân viên nhà hàng mang thức ăn bước vào. Anh ta sửng sốt và được mời nâng cốc, vì những người vừa từ cõi chết trở về. Khi bữa tiệc rửa huân chương sắp kết thúc thì người phụ trách nhà hàng bước vào với ba nhân viên nữa. Họ được rỉ tai là có các anh hùng trong nhà hàng. Lúc này, chỉ huy dàn nhạc cũng xuất hiện. Họ muốn chơi nhạc tặng anh hùng thực thụ. Sau những đắn đo, cuối cùng bản nhạc thịnh hành: "Ta đã nếm nhựa bạch dương trong vườn xuân..." được cất lên. Lúc này, các thực khách có mặt tại nhà hàng đứng dậy bắt tay, nâng cốc chúc mừng. Cuối buổi, một người đàn ông chếnh choáng say, nhưng vui vẻ đến ngồi cạnh các tràng trai Đội “A”. Ông ta nói: "Mừng các bạn, chúc mừng! Tôi có cảm giác các anh vừa hoàn thành một công việc hệ trọng". Ông làm một hơi cạn và bực bội ném cốc: “Còn tôi cày mãi cày mãi mà chẳng vớ được gì?". Cozlov, thành viên trong Đội “A” buồn cười hỏi lại: "Ông cày ở đâu?”. Người đàn ông tì ngực vào bàn, nhìn quanh, giọng khàn khàn bí mật: "KGB?". Quanh bàn các anh hùng rung lên vì tiếng cười rộ.
Về sau, theo thống kê, trong số suốt cuộc chiến tranh tại Afghanistan, có 67 người được phong Anh hùng Liên Xô (hai mươi bốn người đã hi sinh) thì KGB đề nghị 13 người. Tuy nhiên, không ai biết được số lượng chính xác là bao nhiêu, bởi trong hồ sơ cá nhân, bên cạnh tên họ có dòng ghi chú: "Không công bố với báo chí".