|
Ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn báo chí Đức (Ảnh: Tuần báo Kinh tế) |
LTS: Khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xấu đi, Huawei đã trở thành "vật tế thần" đầu tiên. Người ta biết đến Huawei với những cáo buộc chưa được kiểm chứng về thiết bị chứa phần mềm gián điệp, chuyển dữ liệu về cho chính phủ Trung Quốc v.v.. Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài nhiều kỳ về ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn báo chí thế giới, để thấy được góc nhìn của lãnh đạo một công ty lớn đang đứng giữa "làn đạn" của hai quốc gia như thế nào.
Ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn "Tuần báo Kinh tế" và báo "Thương mại" của Đức, ngày 11/4/2019 tại Thâm Quyến, Trung Quốc
Beat Balzli - Tổng biên tập “Tuần báo kinh tế”: Ông cho rằng, sự quản lý thành công của công ty dựa trên ba nguyên tắc lãnh đạo: khiêm tốn, đam mê và học hỏi không ngừng. Theo ông, trong số ba nguyên tắc này, nguyên tắc nào là quan trọng nhất?
Nhậm Chính Phi: Câu này không phải do tôi nói, có lẽ trên mạng mọi người chia sẻ sai rồi. Tôi cho rằng nhân tố quan trọng nhất trong quản lý thành công của một doanh nghiệp là phương hướng, phương hướng để tạo ra giá trị cho khách hàng. Trên thế giới này, những người khiêm tốn nhiều vô kể, những người học hỏi không ngừng cũng nhiều vô số, nhưng chưa chắc đã tạo ra sự giàu có. Bởi lẽ sự giàu có nằm trong túi của khách hàng, nếu anh cưỡng chế lấy ra thì đó là hành động phạm tội, là “cướp”. Anh bí mật lấy nó ra cũng là một tội ác, gọi là “kẻ trộm”. Khách hàng sẵn sàng cho bạn sự giàu có, chỉ có khi bạn tạo ra giá trị cho anh ta, hai bên trao đổi tương đương.
Balzli: Ông Trump là "khắc tinh" của Huawei. Gần đây, ông ca ngợi ông Trump là một Tổng thống vĩ đại vì chính sách kinh tế của ông ấy. Điều này nằm trong nguyên tắc nào của khả năng lãnh đạo?
Nhậm Chính Phi: Ngày nay, gánh nặng đối với doanh nghiệp tương đối nặng nề, nếu gánh nặng không giảm, doanh nghiệp sẽ không còn sức sống. Việc triển khai công nghiệp 4.0 ở Đức không hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật đơn thuần. Nó cũng có thể làm giảm bớt áp lực của mức lương cao, phúc lợi cao và giảm tần suất phát sinh của các cuộc đình công. Nếu trí tuệ nhân tạo được thực hiện một cách đầy đủ ở Đức, nếu một người có thể thay thế cho mười người, thì Đức với dân số hơn 80 triệu người sẽ tương đương với một quốc gia công nghiệp có dân số 800 triệu người, mức độ đóng góp cho thế giới là rất lớn. Ông Trump ở một quốc gia dân chủ, trong thời gian rất ngắn đã giảm mức thuế suất rất nhiều. Mục đích của ông ấy là thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng động chút ông lại dọa đất nước này, hù đất nước kia, mọi người sẽ không dám đầu tư vào Hoa Kỳ, hiệu quả của việc cắt giảm thuế của Hoa Kỳ sẽ giảm đi rất nhiều.
Thay vào đó, tôi nghĩ bà Merkel (Thủ tướng Đức - PV) rất tuyệt, việc thực hiện công nghiệp 4.0 có thể đạt được hiệu quả tương tự như cắt giảm thuế. Đức coi Trung Quốc là đối tác kinh doanh, như vậy có thể có nhiều cơ hội thị trường. Theo luật đầu tư mới của Trung Quốc, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu toàn bộ. Vì vậy các công ty Đức có thể thành lập các nhà máy sản xuất máy móc và ô tô thuộc sở hữu hoàn toàn của mình ở Trung Quốc, vừa có được thị trường rộng lớn, vừa có thể giảm chi phí nhất định, nước Đức sẽ thịnh vượng và mạnh mẽ hơn. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm châu Âu đã truyền tải thông điệp này - Trung Quốc muốn mở cửa hơn nữa.
Sven Afhueppe - Phóng viên Báo Thương mại: Gần đây ông vẫn còn ca ngợi Tổng thống Trump, nhưng hiện tại ông ấy là “khắc tinh” tồi tệ nhất của Huawei. Hoa Kỳ đang vận động các đồng minh bao gồm cả Đức không sử dụng công nghệ của Huawei, ít nhất phải áp dụng các biện pháp đánh giá bảo mật nghiêm ngặt hơn đối với công nghệ của Huawei. Theo ông Trump đã thể hiện những khả năng lãnh đạo nào?
Nhậm Chính Phi: Tôi sẽ không nhìn thế giới từ quan điểm của công ty tôi. Tôi hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thấy sự đúng đắn của chính sách cải cách thuế của ông Trump. Trung Quốc cũng nên hạ thuế giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển tốt hơn. Thuế suất cao của Trung Quốc được hình thành dựa trên cơ sở lao động chi phí thấp. Bây giờ chi phí tiền lương cao, và nếu duy trì mức thuế cao, nó có thể gây cản trở lớn cho sự phát triển của Trung Quốc.
Sven Afhueppe: Việc Hoa Kỳ phong tỏa Huawei đã ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của Huawei?
Nhậm Chính Phi: Không, doanh thu của chúng tôi trong quý đầu tiên của năm nay tăng 30,6% so với năm trước, lợi nhuận tăng 35,4%. Chúng tôi muốn cảm ơn một số chính trị gia Mỹ vì họ đang đi khắp thế giới để nói rằng họ muốn phong tỏa chúng tôi. Mọi người sẽ nghĩ, Hoa Kỳ đã từng sợ ai trên thế giới chưa? Họ chưa bao giờ sợ bất cứ điều gì, không ai sợ, tại sao họ lại sợ “con thỏ nhỏ” như Huawei? Điều này cho thấy “con thỏ nhỏ” đang làm rất tốt. Thậm chí một số quốc gia còn không kiểm tra sản phẩm của chúng tôi, họ đã trực tiếp mua luôn. Do đó, ảnh hưởng của Hoa Kỳ trái với mong muốn của chính họ.
Khi Hoa Kỳ chưa quảng bá 5G, tôi đã lo lắng về tương lai của 5G. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ rằng nghiên cứu 5G đang phát triển quá nhanh, xã hội loài người chưa sản xuất được nhu cầu ứng dụng thương mại phù hợp với 5G. Bởi vì các nhà khoa học của chúng tôi có một niềm tự hào, họ bắt đầu tuyên truyền khi họ tạo ra 5G và họ đã dẫn dắt nhu cầu của khách hàng quá nhanh.
Thật không may, Hoa Kỳ đã thực sự biến 5G thành vũ khí chiến lược, thúc đẩy sự phát triển của nó. Từ các trạm gốc 5G đến truyền dẫn quang, truyền viba và mạng truy cập. 5G tương đương với một “vòi nước”. “Vòi nước” của 4G nhỏ hơn, “vòi nước” 5G to hơn, chỉ vậy mà thôi. Hoa Kỳ coi “vòi nước” là “bom hạt nhân”, điều này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Mọi người đều nói về 5G. Thời đại của 5G được Hoa Kỳ tạo ra.
Phóng viên: Ông có nghĩ rằng động cơ Mỹ "đàn áp" Huawei là chính trị?
Nhậm Chính Phi: Rất có thể, bởi vì họ không muốn người khác vượt qua Hoa Kỳ trong bất kỳ ngành nào. Ngay cả khi ngành của chúng tôi không quá quan trọng, họ cũng không muốn, họ phải đàn áp chúng tôi. Thật không may, sự đàn áp của Hoa Kỳ đã trở thành chất xúc tác cho sự phát triển của ngành công nghiệp 5G.
Beat Balzli: Huawei có phải đã trở thành nạn nhân rõ ràng nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không?
Nhậm Chính Phi: Không, bởi vì chúng tôi không có doanh số bán hàng tại Hoa Kỳ. Điều duy nhất có tác động đến chúng tôi là thị trường của các nước phương Tây có mối quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ. Các nước châu Âu không muốn thông tin của họ chạy đến Trung Quốc, họ cũng không muốn thông tin đến Hoa Kỳ. Bà Merkel không bắt tay với ông Trump vì bà nhấn mạnh rằng thông tin châu Âu phải ở lại châu Âu. Đức đưa ra quan điểm vừa sử dụng thiết bị của Hoa Kỳ vừa sử dụng thiết bị của Trung Quốc và thiết bị của các quốc gia khác, dùng “gạch” của mỗi quốc gia để xây dựng một bức tường, có như vậy thông tin của bất kỳ quốc gia nào cũng không xuyên qua được, thông tin của nước Đức sẽ được bảo vệ. Chúng tôi ủng hộ quan điểm của Đức.
Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác Ngoại sự Trung ương, tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich rằng “Chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các công ty Trung Quốc tuân thủ các quy tắc và luật pháp quốc tế của các quốc gia mà họ hoạt động. Ở Trung Quốc không có luật nào yêu cầu các công ty phải cài đặt hệ thống theo dõi hay thu thập thông tin tình báo nước ngoài”. Thủ tướng Lý Khắc Cường khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn sau khi kết thúc Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc cũng đề cập rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không yêu cầu các doanh nghiệp nghe lén thông tin của các quốc gia khác.
Tháng trước, chúng tôi có cuộc làm việc với Bộ Nội vụ Đức. Chúng tôi đã đưa ra đề nghị Huawei ký kết thỏa thuận “mạng Huawei không có thiết bị theo dõi, không có hành vi gián điệp” với chính phủ Đức. Tôi cũng sẵn sàng thúc đẩy hai chính phủ Trung Quốc và Đức ký kết thỏa thuận “không lắp đặt thiết bị theo dõi”, “thỏa thuận bảo vệ quyền riêng tư GDPR”. Các khu vực nơi Huawei lắp đặt thiết bị ở châu Âu, Hoa Kỳ không thể có được bất kỳ thông tin tình báo nào.
Sven Afhueppe: Quay trở lại chủ đề của cuộc chiến thương mại đã đề cập trước đó. Nếu đặt nó trong một bối cảnh lớn hơn, một số người bây giờ nói rằng họ đã bước vào thời kỳ Chiến tranh lạnh mới bởi vì Trung Quốc đang dần trở thành một siêu cường dựa trên sự phát triển của chính họ, đe dọa vị thế của Hoa Kỳ - siêu cường đứng đầu thế giới. Huawei đương nhiên đã trở thành một mục tiêu hoàn hảo để Hoa Kỳ trấn áp Trung Quốc và kiềm chế Trung Quốc?
Nhậm Chính Phi: Anh nói rất hợp lý, tôi có cùng mối quan tâm như anh. Một số quốc gia ở phương Tây thích lựa chọn đứng ở bên lề, nếu Trung Quốc và Nga làm điều tương tự, thì thời kỳ Chiến tranh lạnh mới có thể sẽ đến.
Nếu phương Tây không muốn trở lại tình trạng Chiến tranh lạnh, các nước phương Tây trước tiên phải mở cửa, chịu đựng sự phát triển của các quốc gia khác.
Cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ thực sự đã kích động thế giới đi đến cực đoan và trở nên mất cân bằng. Cần lưu ý rằng thế giới đã trưởng thành, xã hội thông tin đã đóng một vai trò quan trọng trong sự cân bằng của thế giới. Chúng tôi không muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, hy vọng rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hơn, Trung Quốc đang làm điều này.
Nếu châu Âu tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại, cố gắng tăng hạn ngạch thương mại hơn 1.000 tỷ euro sẽ không chỉ làm giảm sự đối đầu và tăng hòa bình mà các nước châu Âu sẽ có nhiều tiền hơn để giải quyết một số vấn đề nội bộ. Cả thế giới cần quay trở lại đường đua phát triển kinh tế, điều này mới là đúng đắn, cần phát triển hòa bình, phát triển hợp tác.
Sven Afhueppe: Nếu thế giới tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh mới, đây quả là một điều tồi tệ cho nền kinh tế toàn cầu, các công ty như Huawei, Daimler và Siemens sẽ bị ảnh hưởng. Ông có lo lắng về chủ nghĩa bảo hộ mới?
Nhậm Chính Phi: Tôi tin rằng chủ nghĩa bảo hộ mới sẽ không tồn tại lâu. Người cần lo lắng không phải là chúng tôi, mà là nhiều công ty lớn của phương Tây. Điều lo lắng nhất là chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành mệnh lệnh hành chính “không cho phép công ty phương Tây bán sản phẩm cho Trung Quốc”, bởi vì khi sản phẩm của họ không thể bán cho thị trường 1,3 tỷ dân, báo cáo tài chính của họ sẽ giảm, chứng khoán sẽ giảm và thị trường sẽ bị ảnh hưởng.
|
(Ảnh: Euronews)
|
Một số công ty sáng tạo nhỏ làm ra các sản phẩm rất tiên tiến, nếu Mỹ tin rằng những sản phẩm tiên tiến này không thể bán cho Trung Quốc, vậy những công ty sáng tạo nhỏ này sẽ ra sao? Họ có thể chuyển đến Trung Quốc hoặc chuyển đến Đức vì họ sẽ chết đói nếu họ không thể bán sản phẩm. Khi Hoa Kỳ trừng phạt người khác khiến người khác bắt đầu suy giảm, chính Hoa Kỳ đang thực sự suy giảm.
Beat Balzli: Những gì tôi thấy bây giờ là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh lạnh điển hình. Chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Huawei có thể lấy thông tin cho chính phủ Trung Quốc. Huawei đã chứng minh với họ như thế nào?
Nhậm Chính Phi: Trước đây, chúng tôi chứng minh bản thân như thế nào, chính phủ Hoa Kỳ cũng không tin. Bây giờ, chính phủ Hoa Kỳ cần sử dụng các sự kiện và bằng chứng để chứng minh cáo buộc của họ chống lại Huawei.
Beat Balzli: Lời buộc tội bây giờ của Hoa Kỳ bây giờ như một câu chuyện cổ tích?
Nhậm Chính Phi: Đương nhiên rồi.
Sven Afhuppe: Sau khi chính phủ Mỹ tiến hành cuộc tấn công chống lại Huawei, thế giới đang thảo luận về việc liệu thiết bị của Huawei có đáng tin hay không. Huawei cần làm gì để xây dựng lại niềm tin của mọi người?
Nhậm Chính Phi: Chúng tôi không cần phải xây dựng lại niềm tin, bởi vì niềm tin của khách hàng (bao gồm tất cả khách hàng phương Tây) với chúng tôi được xây dựng trong hai mươi hoặc ba mươi năm và được chứng minh bằng các sự kiện lịch sử. Không phải cứ một vài người có thẩm quyền nói một vài câu thì sự thật sẽ bị xóa sổ. Khi xã hội chú ý đến vấn đề này, cũng cần phải nhìn ở một góc độ khác để xem Huawei đã làm gì cho xã hội loài người.
Huawei đã đóng góp gần 90.000 bằng sáng chế cho thế giới và 90.000 bằng sáng chế này là tương đối mới. Ngoài ra còn có một số công ty lâu đời với hàng trăm ngàn bằng sáng chế, nhưng đóng góp cho nền tảng của mạng mới không lớn như của chúng tôi. Cho dù Hoa Kỳ có sẵn sàng thừa nhận hay không, nhưng toàn bộ mạng lưới thông tin của Hoa Kỳ không thể tách rời khỏi các bằng sáng chế mà chúng tôi đóng góp.
Thứ hai, chúng tôi không chỉ hoàn thành vấn đề kết nối của 3 tỷ người, mà chúng tôi còn có cống hiến cho việc kết nối mạng với các doanh nghiệp và tài chính. Nếu công ty chúng tôi không tồn tại, đây mới là mối đe dọa cho thế giới.
Thứ ba, nếu chúng tôi có hành vi xấu ở bất kỳ quốc gia nào, chẳng hạn như lắp đặt thiết bị nghe lén, thì thị trường ở hơn 170 quốc gia sẽ biến mất, làm thế nào chúng tôi có thể trả nợ cho ngân hàng? Tất cả các nhân viên sẽ bỏ đi, nhưng tôi không thể đi. Đối mặt với tình huống này tôi đau đớn hơn cả chết. Vậy tại sao tôi lại muốn lắp đặt thiết bị nghe lén?
Sven Afhuppe: Khi nói đến bảo mật dữ liệu, ông có tin tưởng các công ty công nghệ Mỹ không, chẳng hạn như Google, Amazon, Facebook?
Nhậm Chính Phi: Nếu chúng tôi muốn xây dựng một mạng lưới thông tin mà đề phòng tất cả mọi người, chi phí sẽ cao và các sản phẩm của chúng tôi sẽ không bán được. Chúng tôi chỉ bảo vệ chống lại các đối thủ nguy hiểm và những kẻ tấn công độc hại. Không có đối thủ cạnh tranh nguy hiểm trong các công ty phương Tây, vì vậy chúng tôi không bao giờ chống lại các công ty phương Tây. Chúng tôi cũng không chống lại chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Đức, chính phủ Trung Quốc, v.v... bởi lẽ họ đọc thông tin, cũng sẽ không chuyển thông tin cho đối thủ cạnh tranh, đọc chỉ là đọc mà thôi!
Beat Balzli: Hiện tại mọi người không có niềm tin vào công nghệ của Huawei, một phần lý do là văn hóa. Ví dụ, đối với người dân ở châu Âu, bảo vệ dữ liệu là nền tảng rất cốt lõi trong quá trình số hóa xã hội. Nhưng tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu ở Trung Quốc không cao như ở châu Âu. Từ quan điểm này, liệu ông có thể thấu hiểu mối quan tâm của người châu Âu và các chính trị gia châu Âu về vấn đề này?
Nhậm Chính Phi: Tôi hiểu chứ, công ty chúng tôi cam kết tuân thủ nguyên tắc GDPR. Nhưng chúng tôi chỉ cung cấp thiết bị, không cung cấp mạng. Mạng được quản lý bởi các nhà khai thác và nhà cung cấp dịch vụ Internet, trách nhiệm nằm ở họ. Không thể chỉ chăm chăm để ý vào một công ty bán “vòi nước” như chúng tôi được.
Sven Afhuppe: Ông vừa đề cập rằng, giữa Huawei và Đức có một mối quan hệ rất tốt và rất sâu sắc, Thủ tướng Merkel cũng từ chối loại trừ Huawei khỏi việc xây dựng mạng lưới ở Đức. Phải chăng Huawei hay chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thảo luận và trao đổi với chính phủ Đức?
Nhậm Chính Phi: Tôi không biết chính phủ Trung Quốc nghĩ như nào, họ không nói cho tôi hay.
Sven Afhuppe: Ông có hài lòng với cách thức xử lý trong vấn đề này của chính phủ Đức không?
Nhậm Chính Phi: Vốn dĩ phải như vậy, an ninh mạng phải trải qua các thử nghiệm khác nhau, chẳng hạn như kiểm tra thị trường và xác minh kỹ thuật thay vì đưa ra các kết luận một cách võ đoán. Không phải Đức đang thiết lập một tiêu chuẩn an toàn thống nhất sao? Chúng tôi cũng phải tuân thủ tiêu chuẩn này. Tất nhiên, các công ty trên toàn thế giới phải tuân theo các quy tắc không lắp đặt thiết bị theo dõi, không xâm phạm quyền riêng tư và tuân thủ các quy tắc GDPR.
Sven Afhuppe: Ông không lo lắng rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới Huawei sao?
Nhậm Chính Phi: Tôi không lo lắng, vì bản thân chúng tôi không có vấn đề gì, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận sự giám sát. Càng giám sát càng chứng minh rằng chúng tôi đúng. Một số người sợ sự giám sát, tôi sẽ không nói cho anh biết đó là ai, anh có đoán được không?
Sven Afhuppe: Huawei có kế hoạch đầu tư mới ở Đức không?
Nhậm Chính Phi: Có. Ngoài nhiều viện nghiên cứu ở Đức, chúng tôi cũng đã mua một nhà máy ở Weilheim để sản xuất các sản phẩm có tính năng cao. Chúng tôi sẽ dần dần đưa một số sản xuất mũi nhọn vào châu Âu. Ví dụ, gần đây chúng tôi đã mua 513 mẫu đất ở Cambridge, Anh để sản xuất chip quang. Trong tương lai, việc sản xuất các trạm gốc 5G của chúng tôi cũng có thể là một phần của châu Âu. Đức sẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu của chúng tôi.
Chúng tôi không chỉ đầu tư vào Đức. Trong đầu tư tại Trung Quốc, chúng tôi cũng sử dụng phần lớn công nghệ và thiết bị của Đức. Các anh đã đến thăm dây chuyền sản xuất thông minh của Huawei, một số lượng lớn thiết bị là của các nhà sản xuất Đức, chẳng hạn như phần mềm chủ yếu từ Siemens và Bosch, cũng có sản phẩm đến từ công ty Dassault của Pháp. Với sự phát triển nhanh chóng của Huawei, chúng tôi sẽ đầu tư vào châu Âu như là cơ sở chiến lược thứ hai.
|
Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm điện thoại thông minh của Huawei (Ảnh: AP)
|
Hợp tác của chúng tôi với Leica là một ví dụ thành công điển hình. Leica dựa trên vật lý, chúng tôi dựa trên toán học, sự hợp tác giữa hai công ty thúc đẩy lẫn nhau, các viện nghiên cứu của hai công ty được đặt tại ngôi làng nơi Leica tọa lạc. Thông qua hợp tác với Huawei, Leica đã đạt được sự tăng trưởng kinh doanh tốt trong những năm gần đây.
Beat Balzli: Cả Đức và Anh đều không tán thành việc hạn chế sản phẩm theo xuất xứ quốc gia. Nhưng Đức và Vương quốc Anh vẫn có nghi ngờ sản phẩm Trung Quốc. Xét cho cùng Trung Quốc không giống như Đức là một quốc gia dân chủ, và thực sự có nhiều công ty ở Trung Quốc có mối quan hệ rất chặt chẽ với chính phủ. Mối quan hệ của Huawei với chính phủ Trung Quốc gần gũi tới mức độ nào? Xét cho cùng đó là mối quan hệ gì?
Nhậm Chính Phi: Chúng tôi đang tuân thủ luật pháp Trung Quốc và nộp thuế cho chính phủ Trung Quốc.
Beat Balzli: Ông là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Nói chung, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều mối quan hệ với chính phủ. Lần cuối ông diện kiến Chủ tịch Tập là khi nào?
Nhậm Chính Phi: Năm 2015, tại Vương quốc Anh, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát văn phòng tại Anh của chúng tôi, tôi đã tham dự tháp tùng ông ấy.
Beat Balzli: Huawei từ một công ty nhỏ phát triển thành một công ty lớn như hiện nay, điều này khiến mọi người ngạc nhiên. Nếu không có sự giúp đỡ từ chính phủ Trung Quốc, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liệu thành công này có thể xảy ra?
Nhậm Chính Phi: Công ty Huawei kể từ đầu ngày thành lập đã chuyên tâm làm một việc: “tạo ra giá trị cho khách hàng”, biên giới của giới hạn chính là viễn thông.
Khi chúng tôi khởi nghiệp chỉ có hai đồng hồ vạn năng và một máy hiện sóng, quyết tâm khi đó là phục vụ khách hàng. Khi mấy chục người, mấy trăm người, chúng tôi vẫn chỉ nhắm trúng một “cửa thành” để xung phong. Khi chúng tôi có mấy nghìn người, mấy vạn người, mọi thứ vẫn không thay đổi. Hiện tại mười mấy vạn người, chúng tôi vẫn cũng nhắm trúng một “cửa thành” để xung phong. Không những thế “lượng thuốc nổ” để công phá “cửa thành” này là 20 tỷ USD kinh phí nghiên cứu phát triển mỗi năm. Thành công này đến từ việc chúng tôi liên tục tăng cường sức mạnh trên một bình diện hẹp, tạo ra bước đột phá.
Beat Balzli: Ông vừa đề cập rằng Huawei không có mối quan hệ đặc biệt với chính phủ Trung Quốc, nhưng trên thực tế, khi chính phủ New Zealand tuyên bố sẽ tẩy chay thiết bị Huawei, chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực rất lớn cho New Zealand. Đây có được tính là một mối quan hệ hay không?
Nhậm Chính Phi: Chúng tôi sẽ không làm 5G ở New Zealand, Úc nữa. Chính phủ Trung Quốc không hiểu ý của chúng tôi, chúng tôi làm không công rồi.
Sven Afhuppe: Trước đây, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Huawei làm điều gì đó đặc biệt chưa?
Nhậm Chính Phi: Không hề có bất kỳ yêu cầu nào.
Beat Balzli: Trung Quốc có luật yêu cầu các công ty nội địa hợp tác với cơ quan tình báo của chính phủ?
Nhậm Chính Phi: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Dương Khiết Trì tuyên bố rõ ràng tại hội nghị an ninh ở Munich rằng “Chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các công ty Trung Quốc tuân thủ các quy tắc và luật pháp quốc tế của các quốc gia mà họ hoạt động. Trung Quốc không có bất kỳ luật nào yêu cầu các công ty lắp đặt thiết bị theo dõi hoặc thu thập thông tin tình báo nước ngoài”. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nói rõ tại cuộc họp báo rằng sẽ không làm điều này. Đây không phải là thái độ của chính phủ Trung Quốc ư?
Sven Afhuppe: Khi Mỹ bắt đầu tấn công Huawei, con gái ông bị giam giữ ở Canada. Ý kiến và nhận xét của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhậm Chính Phi: Hoa Kỳ cuối cùng phải đưa ra bằng chứng. Nếu trong tương lai Hoa Kỳ không có đầy đủ bằng chứng, vậy rõ ràng là Mạnh Vãn Châu đã bị giam giữ như một con tin chính trị. Tòa án coi trọng thực tế và bằng chứng.
Beat Balzli: Hiện tại ông có thường xuyên liên lạc với con gái không?
Nhậm Chính Phi: Chúng tôi có thể gọi mọi lúc, mọi nơi. Người Mỹ bây giờ rất vất vả, lúc nào cũng chờ đợi chúng tôi gọi điện xem chúng tôi nói gì. Nhưng đôi khi mấy hôm tôi không gọi điện, họ vẫn cứ chờ, thật vất vả quá.
Sven Afhuppe: Các vấn đề pháp lý giữa Huawei và Hoa Kỳ vẫn còn rất phức tạp. Một mặt, Hoa Kỳ đã cấm thiết bị của Huawei. Ngoài ra, con gái của ông đã bị giam giữ, Huawei hiện đã kiện chính phủ Hoa Kỳ. Ông đã bao giờ tưởng tượng rằng toàn bộ sự việc cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào chưa?
Nhậm Chính Phi: Vụ kiện của Huawei với Hoa Kỳ là không chỉ họ có thể đánh chúng tôi mà chúng tôi còn có thể kiện họ.
Beat Balzli: Liệu Huawei có thể thắng kiện Hoa Kỳ tại tòa không?
Nhậm Chính Phi: Chúng tôi vẫn sẵn sàng tin rằng Hoa Kỳ tam quyền phân lập, hệ thống tư pháp Hoa Kỳ độc lập. Hệ thống luật pháp Hoa Kỳ rất tuyệt vời, chúng tôi tin rằng mình có thể giành chiến thắng. Nếu Huawei thực sự giành chiến thắng, điều đó cho thấy hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ rất tuyệt vời. Nếu chúng tôi thua, Hoa Kỳ không thể đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ, điều đó cho thấy chúng tôi vô tội.
Beat Balzli: Huawei đang thực hiện những biện pháp nào để cải thiện hình ảnh của mình tại Hoa Kỳ?
Nhậm Chính Phi: Hoa Kỳ hiện đang đàn áp chúng tôi, vì vậy chúng tôi không có kế hoạch bán hàng tại Hoa Kỳ, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc ra tòa.
|
Lễ ra mắt điện thoại thông minh Huawei Mate 30 tại Thượng Hải, tháng 9/2029 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
|
Beat Balzli: Vài tuần trước, Huawei đã có một sự kiện ở Thâm Quyến và gửi một số giấy mời phóng viên tới tham dự. Đại sứ quán Trung Quốc cũng gửi giấy mời tương tự đến các phóng viên của các nước có liên quan. Đây dường như không phải là một cách thức phù hợp để xây dựng lại niềm tin.
Trần Lê Phương: Chúng tôi đã gửi thư mời công khai trên các phương tiện truyền thông. Thông tin nói rằng chúng tôi gửi lời mời thông qua đại sứ quán là thông tin giả.
Nhậm Chính Phi: Chúng tôi hy vọng rằng nhiều phóng viên hơn nữa sẽ đến Huawei để hiểu tình hình thực tế. Các bạn chỉ thấy một góc của Huawei ở Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh, Tô Châu, Munich, Bon ...Rất nhiều nơi trên thế giới có các tổ chức nghiên cứu của chúng tôi. Sau khi bạn xem hết những nơi này, bạn sẽ có một sự hiểu biết toàn cầu về chúng tôi.
Sven Afhuppe: Huawei là một công ty công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực sản phẩm khác nhau, phong cách của Huawei là làm việc chăm chỉ để cải thiện mỗi ngày. Đổi mới lớn tiếp theo của Huawei là gì?
Nhậm Chính Phi: Sự đổi mới của chúng tôi vẫn là phấn đấu nỗ lực nhằm cung cấp kết nối mạng cho xã hội loài người.
Sven Afhuppe: Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo quan trọng như thế nào đối với Huawei?
Nhậm Chính Phi: Rất quan trọng. Trí tuệ nhân tạo quan trọng hơn đối với Đức vì quy trình sản xuất ở Đức đã được tự động hóa và thông tin hóa, do đó rất dễ thực hiện Công nghiệp 4.0.
Sven Afhuppe: Các công ty Đức nên mở rộng vòng tay chào đón Trí thông minh nhân tạo (AI)?
Nhậm Chính Phi: Đúng vậy, không cần thiết phải nhấn mạnh rằng AI được nước nào sáng tạo ra, chỉ cần nó tạo ra sự giàu có cho Đức, thì Đức chắc chắn sẽ nắm lấy. Hiện nay, Hoa Kỳ đang là mạnh nhất. Nền công nghiệp khổng lồ của Đức đang thiếu hụt nguồn nhân lực, nên họ phải dùng xe bus vận chuyển hàng triệu người từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Đức. Sau khi nền công nghiệp 4.0 sử dụng trí tuệ nhân tạo, nước Đức sẽ trở thành một cường quốc công nghiệp với số dân tương đương 800 triệu người. Tất cả đồ dùng mà nước Đức sản xuất ra, cả thế giới cũng không dùng hết.
Sven Afhuppe: Có thể hỏi ông một câu hỏi cá nhân không? Năm nay, ông đã 75 tuổi rồi, ông dự kiến sẽ vận hành Huawei trong bao nhiêu năm nữa?
Nhậm Chính Phi: Điều này phụ thuộc vào thời điểm Google có thể phát minh ra thuốc trường thọ.
Beat Balzli: Tại sao cá nhân ông lại có xu hướng thích kiến trúc châu Âu? Tôi đã nhìn thấy rất nhiều kiến trúc kiểu này trong công viên của Huawei ngày hôm qua.
Nhậm Chính Phi: Phong cách kiến trúc này không liên quan gì đến cá nhân tôi. Chúng tôi lựa chọn phương án đấu thầu của kiến trúc sư thông qua việc đấu thầu và dựa trên đánh giá của các chuyên gia. Kiến trúc sư được chọn là người Nhật Bản, ông ấy học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ở Hoa Kỳ, nhưng ông ấy không biết nói tiếng Anh. Ông ấy là một thiên tài, một thiên tài xây dựng.
Sven Afhuppe: Vừa rồi, khi nói về chiến tranh thương mại, chính trị toàn cầu, tình hình chính trị ở Trung Quốc và châu Âu (bao gồm cả chiến tranh lạnh), khi nói về các chủ đề chính trị, ông rất ung dung tự tại. Liệu ông có định tham gia chính trường trong vài năm cuối sự nghiệp?
Nhậm Chính Phi: Tôi mãi vẫn chỉ là một thương nhân, mãi mãi sẽ không làm những công việc có liên quan tới chính trị.
Warsaw: Ông vừa nói rằng Huawei không nên ăn cắp tiền và ăn cắp đồ của khách hàng. Nhân viên của Huawei cũng đã đánh cắp một số công nghệ của khách hàng doanh nghiệp Mỹ, điều này xảy ra như nào vậy?
Nhậm Chính Phi: Công ty luôn coi trọng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Chúng tôi có một hệ thống quản lý rõ ràng, yêu cầu nhân viên không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của các công ty khác.
Phát sinh một số sự cố cá biệt là hành vi cá nhân, họ không tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu quản lý của công ty. Trình độ công nghệ cao của Huawei không phải là mức cao bình thường, làm sao có thể xây dựng thành công của Huawei bằng cách đánh cắp các công nghệ nhỏ? Thành công chính của Huawei giai đoạn ban đầu là trong toán học. Hiện giờ chúng tôi cũng tập trung vào vật lý, hóa học, sinh học và bắt đầu toàn diện hơn. Vô tuyến điện là gì? Vô tuyến điện là sóng và sóng là một phương trình. Do đó, những trường hợp này không thể chứng minh phong cách của Huawei.
Trần Lê Phương: Công ty có nguyên tắc, nếu nhân viên làm sai, họ sẽ bị trừng phạt.
Warsaw: Khổng Tử nói “Đức người quân tử như gió, đức kẻ tiểu nhân như cỏ”, nghĩa là kẻ tiểu nhân đi theo gió, nhân viên sẽ theo người lãnh đạo. Huawei rất coi trọng việc tự phê bình, ông có nghĩ rằng vẫn còn một số vấn đề trong văn hóa công ty, vì vậy đã để xảy ra hiện tượng này?
Nhậm Chính Phi: Tổng cộng chúng tôi có 180.000 nhân viên, còn có rất nhiều nhân viên nước ngoài. Công ty phát triển quá nhanh, việc đào tạo có lẽ chưa theo kịp. Có một số sai sót, chúng tôi cũng đã xử phạt nhân viên. Nếu Huawei không có phong độ như vậy làm sao có thể dẫn đầu trên thế giới này? Huawei không chỉ dẫn đầu thế giới trong một mảng nhỏ mà dẫn đầu rất nhiều mảng, do đó Hoa Kỳ mới đàn áp chúng tôi.
Những thứ dẫn đầu xuất xứ từ đâu? Đương nhiên là do chúng tôi sáng tạo ra. Nghiên cứu cơ bản của chúng tôi hùng mạnh tới mức nào, tôi sẽ lấy ví dụ cho dễ hiểu. Điện thoại di động P30 của chúng tôi hiện có thể phóng to 50 lần, chụp sao và mặt trăng vào giữa đêm. Nó còn có tầm nhìn ban đêm, công dụng thực tế là gì? Nhưng chúng ta cần hiểu những ý tưởng kỳ lạ của các nhà khoa học.
Warsaw: Trong một cuộc phỏng vấn với CCTV, ông nói rằng ông không tham dự buổi lễ kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa, ông có nhiều việc quan trọng hơn phải làm?
Nhậm Chính Phi: Tôi không tham dự, tôi chỉ muốn quản lý tốt công việc nội bộ của công ty.
Warsaw: Đây cũng là một đặc quyền?
Trần Lê Phương: Đây có thể là một đặc quyền theo quan điểm của bạn. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, đây là sự tiến bộ của chính phủ Trung Quốc, bởi vì chính phủ cũng hiểu và chấp nhận Nhậm Chính Phi từ chối tham gia buổi lễ này. Do đó, đây hoàn toàn không phải là một đặc quyền. Nói một cách đơn giản, đó là điều mà mọi người đều cảm thấy rất vinh quang nhưng Nhậm Chính Phi lại không nghĩ vậy.
Sven Afhueppe: Nhiều nhân viên của Huawei hiện đang nắm giữ cổ phần của Huawei, Huawei có kế hoạch niêm yết không?
Nhậm Chính Phi: Không, có thể 3000 năm sau. Nếu các bạn có sự kiên nhẫn, hoan nghênh các bạn mua cổ phiếu của Huawei sau 3000 năm nữa.
Ngày hôm qua, lần đầu tiên loài người công bố một bức ảnh về hố đen vũ trụ, đó là kết quả của những nỗ lực chung của cả nhân loại. 5G cũng cần phải có sự nỗ lực chung của tất cả mọi người, đừng bao giờ nghĩ rằng đó là đặc quyền và bằng sáng chế của riêng Huawei. Chúng ta phải hợp tác với toàn thế giới. Hãy cùng nâng ly chúc mừng sự cố gắng trong vài thập kỷ của các nhà khoa học thiên văn!
(Còn tiếp)