Savills và CBRE “bỏ lơ” thị trường BĐS Đà Nẵng

Kỳ 2: Nguy cơ khó lường khi thiếu thông tin đa chiều

VietTimes – Việc Savills và CBRE bỏ trống thị trường BĐS Đà Nẵng trong báo cáo nghiên cứu định kỳ đang tạo nên sự khan hiếm thông tin kiểm chứng đa chiều, kéo theo đó là những hệ lụy và rủi ro đẩy sang phía người mua nếu cơ quan quản lý không vào cuộc kịp thời.
Trang web của CBRE Việt Nam cũng bỏ trống báo cáo nghiêm cứu thị trường BĐS Đà Nẵng
Trang web của CBRE Việt Nam cũng bỏ trống báo cáo nghiêm cứu thị trường BĐS Đà Nẵng

Thị trường BĐS Đà Nẵng đang ở đâu?

Dạo quanh các dự án BĐS trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam tại thời điểm hiện tại thì hầu hết các giao dịch đã đứng yên, thị trường yên ắng, giá đã giảm từ 15-20% tùy theo từng khu vực và đã đi ngang trong gần 4 tháng qua.

Tại khu đô thị Hòa Xuân, Nam Hòa Xuân (Đà Nẵng), giá đất nền đã giảm từ 500 triệu cho đến hơn 1 tỷ đồng so với trước khi đang dao động từ 2,8-3,0 tỷ đồng/lô với diện tích khoảng 100m2 tùy vị trí. Trong khi trước đó, giá lên đến 35-40 triệu đồng/m2. Tại các khu đô thị khác như Nam Cẩm Lệ, Nam cầu Nguyễn Tri Phương,… giá cũng đã giảm từ 500 - 800 triệu đồng/lô, thậm chí giảm đến hơn 1 tỷ đồng/lô nhưng giao dịch cũng gần như khó thành công.

Xa hơn tại các khu đô thị như Golden Hill, hay dọc tuyến Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu)... giao dịch thành công gần như hiếm và giá đang giảm đáng kể, đang cho thấy những diễn biến khó lường của thị trường đất nền tại Đà Nẵng.

Một góc khu đô thị Nam Hòa Xuân, nơi từng được ví là "vựa đất nền" ở Đà Nẵng
Một góc khu đô thị Nam Hòa Xuân, nơi từng được ví là "vựa đất nền" ở Đà Nẵng

Thị trường căn hộ truyền thống, căn hộ du lịch, bán lẻ cũng gần như đứng yên, yên ắng. Và thay vì tăng giá chóng mặt, “nhảy múa” không theo bất cứ quy luật nào thì nay chìm sâu mà không biết đến khi nào mới trở lại thời hoàng kim.

“BĐS bây giờ chủ yếu là nhu cầu mua để ở, nhưng không nhiều. Nhu cầu đầu tư cũng vậy, chỉ một số dự án mới xa Đà Nẵng, nhưng cũng chỉ mang tính đơn lẻ và khó nói trước” – anh P.L. một môi giới có tiếng ở Đà Nẵng - chia sẻ.

Cũng quan điểm này, được biết, Giám đốc Chi nhánh Savills Việt Nam tại Đà Nẵng từng chia sẻ: “Thị trường BĐS ở Việt Nam có những đặc tính khác so với thị trường ở các nước. Đó là sự gia tăng đột biến giá đến kinh khủng và không được kiểm soát. Trong khi đó ở các nước hoàn toàn không có chuyện đó. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ nên đó là một đặc tính mà chính các nhà nghiên cứu thị trường cũng như nhà đầu tư cũng buộc phải chấp nhận”.

Cần có "bàn tay" của nhà nước!


Trong khi các kênh chính thống “bỏ mặc” thị trường thì mạng xã hội lại lên ngôi, tô vẽ màu hồng cho thị trường BĐS tại khu vực khiến thị trường đang đối mặt với những nguy cơ mới. “Đó là hệ lụy nguy hiểm khi thiếu thông tin xác thực, nó không chỉ đẩy các bên vào vòng tranh chấp nếu xảy ra xung đột mà còn đẩy khách hàng vào thế khó. Bài học nhãn tiền đã và đang diễn ra.

Và một khi khách hàng chịu thiệt thì thị trường cũng sẽ không sáng sủa, bởi những khách hàng cũ thì đang lần quần trong mớ tranh chấp, còn khách hàng mới lại sống trong tâm lý lo ngại, dù rằng cơn lốc “lợi nhuận” được tô vẻ rất đẹp và hoàn mỹ” – luật sư Anh Phiệt bày tỏ.

Quang cảnh một buổi mở bán sản phẩm BĐS tại Đà Nẵng
Quang cảnh một buổi mở bán sản phẩm BĐS tại Đà Nẵng

Không những vậy, tại hội thảo chuyên đề “Nhận diện nghề môi giới bất động sản” diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 4/2019, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã cảnh báo việc thị trường thiếu minh bạch, buộc người tiêu dùng phải tham khảo nhiều nguồn tin khác nhau nếu như không muốn rơi vào bẫy và phải trả giá đắt khi mua bất động sản cho thấy sự cần thiết của các báo cáo nghiên cứu đủ tin cậy.

"Chính vì vậy, việc công bố các thông tin thị trường cùng độ chính xác của những báo cáo cần được kiểm chứng là cần thiết. Và không có cách nào khác là phải có số liệu chuẩn, khách quan, độc lập để đối chiếu" - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phát biểu tại sự kiện.

Đồng quan điểm này, các chuyên gia đến từ CBRE và Savills Việt Nam cho rằng vấn đề cho thấy cơ quan chức năng cần thể hiện vai trò quản lý của mình trong việc xây dựng hệ thống thông tin chuẩn xác, minh bạch, nhất là những diễn biến từ vụ tranh chấp giữa các nhà đầu tư và môi giới đã từng xảy ra trên thực tế.

“Nên chăng, cơ quan chức năng cần có những công cụ quản lý, những chế tài và có những nghiên cứu tin cậy, làm nền tảng cơ sở nghiên cứu cho các doanh nghiệp. Và nhất là điều chỉnh, giám sát đúng những diễn biến thị trường, tránh những tác động tiêu cực đến tình hình thị trường chung và các sản phẩm khác “- Giám đốc cao cấp của CBRE từng khuyến cáo.

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao, kiêm Trưởng phòng định giá, nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao, kiêm Trưởng phòng định giá, nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE

Còn Giám đốc chi nhánh Savills Việt Nam tại Đà Nẵng cũng cho rằng, với những đặc tính đặc trưng của sản phẩm thì thị trường chỉ có thể chuyển biến tích cực hơn khi cơ quan chức năng siết chặt quản lý trong hoạt động đầu tư, mua bán và chuyển nhượng nhằm tránh những tác động tiêu cực đến thị trường.

“Sự giám sát chặt trong tiến trình đầu tư của chủ đầu tư, đảm bảo tuân thủ đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, tiện ích tối ưu với đầy đủ các dịch vụ phục vụ cư dân sinh sống tại đó thì giá trị của khu đô thị ấy mới gia tăng, kéo theo đó là sự sôi động, tăng trưởng bền vững của thị trường mới xuất hiện., còn không thì sẽ vẫn là những khu đô thị hiu hắt” - Giám đốc chi nhánh Savills Việt Nam tại Đà Nẵng nói.