- Trước hết, xin ông cho biết về một số vấn đề đặt ra cho quy hoạch đô thị nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng?
Đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về Đô thị thông minh. Nhưng về cơ bản, đó là mô hình thành phố ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Các yếu tố chính của đô thị thông minh (Smart City): Các yếu tố chính cần thiết tạo nên bộ khung đô thị thông minh tích hợp có ảnh hưởng hai chiều, tác động lẫn nhau, bao gồm:
Trong số đó, thực tế đã chứng minh công nghệ là một siêu yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các yếu tố còn lại. |
Trong khoảng gần 30 năm gần đây, phát triển đô thị trở thành một vấn đề toàn cầu. Đô thị ảnh hưởng đặc biệt tới con người, đến môi trường sống, đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, người ta đặt ra xu thế phát triển bền vững với đô thị. Theo đó, con người sống trong các đô thị qua quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phải tính đến lợi ích cho các thế hệ mai sau.
Qua thực tế đó, Ngân hàng Thế giới đã giúp Việt Nam về vấn đề này và chúng ta cũng đã ký cam kết tham gia một chương trình nghị sự về phát triển bền vững. Một loạt vấn đề cụ thể hóa của phát triển bền vững cũng đã được đặt ra như đô thị bền vững, đô thị sinh thái, đô thị xanh và tiếp đó là đô thị thông minh. Và đô thị thông minh thực chất là một bước đi của phát triển đô thị bền vững.
Với cách đặt vấn đề như thế thì nhiều nước đã làm. Và có thể nói là tổng quan trên thế giới thì tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đã theo lộ trình này. Đặc biệt, một số nước đã đặt mục tiêu, chương trình phát triển đô thị bền vững. Cụ thể, Ấn Độ đang phấn đấu phát triển khoảng 100 đô thị bền vững.
Riêng với Việt Nam, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã xác định Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững. Và phải nhắc lại rằng đây là Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững chứ không phải thuần túy là đô thị thông minh. Đề án cũng đặt ra một số mục tiêu là đến năm 2020, phấn đấu có 3 thành phố được phê duyệt đề án đô thị thông minh. Và đến 2025 thì chọn được 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế trọng điểm. Việc liên kết các đô thị thông minh cũng là vấn đề đặt ra.
Với những định hướng đó, có thể nói là Việt Nam đang rất sôi động với việc xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là từ khi gợi mở ra cách mạng công nghiệp 4.0.
- Vậy xin ông cho biết cụ thể về đô thị thông minh bền vững và thực tế đặt ra cho Việt Nam?
Để xác định được đô thị thông minh bền vững thì phải xem xét đến nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng, và cơ sở hạ tầng ở đây tức là có vai trò của công tác quy hoạch, có công tác xây dựng. Bởi vì muốn trở thành đô thị thông minh thì phải có những không gian thông minh. Như vậy, không gian phố cố với nhà ống, ngõ hẹp thì liệu đó có phải là không gian thông minh hay không? Hay là nhà đa chức năng nhưng lại thiếu các trang thiết bị… Vì thế, với những khu đô thị xây dựng mới phải tạo ra được không gian thông minh. Và như vậy, không gian thông minh chỉ thích ứng và áp dụng được cho các khu đô thị mới. Và không gian thông minh cũng phải là không gian hợp lý và thân thiện với con người, không gian thích ứng với biến đổi môi trường…
Hiện nay, trong kết cấu hạ tầng, yếu tố quan trọng là vấn đề giao thông kết nối với nhau như thế nào. Trong đó bao gồm giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Hà Nội hiện đang có hơn 5,2 triệu xe máy, hơn 600.000 ô tô và dự kiến đến 2025 sẽ có khoảng hơn 7 triệu xe máy và gần 2 triệu ô tô. Tuy nhiên, giao thông công cộng phát triển rất chậm chạp. Phương tiện chủ yếu vẫn là là xe buýt truyền thống và loại hình này không giải quyết được ách tắc là bao. Từ quy hoạch 1998, Hà Nội đã đặt ra là phải có 4 tuyến đường sắt đô thị. Sau khi mở rộng Hà Nội vào năm 2008, quy hoạch đặt ra 8 tuyến đường sắt đô thị với 10 nhánh. Song cho đến nay mới đang xây dựng 2 tuyến và tuyến Cát Linh – Hà Đông mới sắp đi vào hoạt động. Rồi đến việc phát triển xe buýt nhanh (BRT) cũng mới phát triển được một tuyến là Kim Mã - Yên Nghĩa. Với một đô thị thông minh thì phải đạt được ít nhất 60 - 70% người dân đi lại qua các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng hiện nay mới chỉ có trên 10% người tham gia giao thông ở Hà Nội đi lại qua các phương tiện công cộng. Và trên thực tế, tuyệt đại đa số người dân vẫn sử dụng phương tiện cá nhân (xe máy là chủ yếu).
Cũng phải đề cập đến quy hoạch giao thông tĩnh để có bãi đỗ cho các phương tiện tham gia. Trong quy hoạch 2004 có cho phép đỗ xe ở 120 tuyến phố. Nhưng sau đó thì lưu lượng xe quá lớn nên nhiều chỗ đã cấm không cho đỗ. Đến nay thì lại thí điểm cho đỗ xe ở một số tuyến phố nhưng không phải là quản lý thông thường mà là iParking (thông qua tin nhắn).
Tiếp đó là vấn đề môi trường và không khí thì một số địa điểm đã có thiết bị đo kiểm để xác định nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ ô nhiễm… Có thể nói, ô nhiễm vẫn đang là vấn đề nan giải. Trong đô thị thông minh, những vấn đề về cơ sở hạ tầng như giao thông, môi trường… rất cần có nhận diện tồn tại, thách thức để có giải pháp hữu hiệu.
Yếu tố thứ hai, đó là quản lý đô thị. Đây là một vấn đề phức tạp không chỉ có mục tiêu thông minh mà còn phụ thuộc vào thể chế và điều này đòi hỏi phải tích cực cải cách hành chính trong đó việc ứng dụng CNTT chỉ là một yếu tố. Vấn đề là làm sao người dân có thể không cần phải đến xếp hàng ở UBND quận, UBND phường mà vẫn đăng ký được thủ tục hành chính từ xa. Cùng với quản lý ở đây chính là yếu tố con người. Đô thị thông minh thì phải có con người thông minh và cách thức quản lý thông minh.
Yếu tố thứ ba để có được đô thị thông minh là phải có một thể chế hoàn thiện lấy con người làm trung tâm và vấn đề ở đây chính là năng lực của con người. Điều đó có nghĩa là phải có những con người biết dùng công cụ thông minh. Dù rằng Internet và điện thoại thông minh ở Việt Nam rất phổ biến nhưng vấn đề đặt ra khi lấy con người làm trung tâm thì liệu có thỏa mãn khi dân số đang bị già hóa với tỷ lệ không dưới 10% người cao tuổi như Hà Nội và với cộng đồng này thì điện thoại chỉ dùng đề nghe và gọi? Như vậy, không thể trong một lúc có thể triển khai đồng bộ các yếu tố để sớm hoàn thiện đô thị thông minh được mà chỉ có thể chọn một số lĩnh vực để ứng dụng và lựa chọn sao cho thích hợp với điều kiện cụ thể của từng đô thị.
- Vậy cụ thể, chúng ta có thể lựa chọn trước tiên những vấn đề gì cho phát triển đô thị thông minh?
Hà Nội là đô thị lịch sử có nhiều đặc thù và UBND thành phố đã lựa chọn tập trung vào 3 lĩnh vực là giáo dục, y tế và du lịch. Cụ thể như du lịch thì vừa có làm một số việc giúp du khách có thể tra cứu bản đồ du lịch trên điện thoại thông minh.
Có thể nói, chúng ta đang phải phấn đấu xây dựng đô thị thông minh – một xu thế toàn cầu hóa và Việt Nam cũng phải ứng dụng vì đó là xu thế của đô thị phát triển bền vững. Đây cũng là để thể hiện mục tiêu định hướng của Chính phủ về phát triển đô thị thông minh. Nhưng vấn đề chỉ khác là phải lựa chọn địa điểm nào, lĩnh vực nào để làm trước.
Đề từng đô thị xây dựng được đề án riêng của mình thì cần có cách nhìn tổng thể về đô thị thông minh. Trong đó phải xem xét đồng bộ các yếu tố: không gian đô thị, cơ sở hạ tầng, kết cấu môi trường và dân cư. Đương nhiên, phải kể đến cả năng lực quản lý của chính quyền đô thị. Chắc chắn là với những đô thị ở vùng sâu, vùng xa thì phát triển đô thị thông minh là không dễ thực hiện vì thiếu các trang thiết bị thông minh cùng trình độ quản lý tương xứng.
Thực tế hiện nay theo tôi, nhiều địa phương trước hết cần xây dựng được đề án tổng thể phát triển đô thị thông minh cho riêng mình. Theo đề án của Thủ tướng Chính phủ, muốn xây dựng đô thị thông minh thì phải có tầm nhìn trên 10 năm. Hiện tại, tuyệt đại đa số các đô thị mới chỉ đặt ra định hướng tầm nhìn ngắn trên cơ sở lựa chọn những điểm nóng nhất trong xây dựng đô thị thông minh và mới chỉ tập trung kết nối các cơ quan quản lý, tập trung vào sử dụng công cụ thông minh, quản lý vận hành trên các công cụ đó. Để làm được việc này, đương nhiên chúng ta phải đào tạo con người.
Cần xác định đúng và đủ về đề án phát triển đô thị thông minh bền vững với 7 quan điểm nguyên tắc của Chính phủ. Đó là 7 quan điểm nguyên tắc mang tính tổng thể song không dễ gì thực hiện được đủ 7 quan điểm nguyên tắc đó.
- Trở lại với thực tế của Hà Nội, xin ông cho biết một số chia sẻ về phát triển đô thị thông minh, đặc biệt với khu vực phố cổ?
Để đô thị từ đó trở thành thông minh, chúng ta cần lựa chọn để biết được tính chất của từng đô thị để có giải pháp thích hợp. Với nội đô của Hà Nội có những khu vực đặc thù như khu phố cổ, khu phố cũ, Hoàng thành Thăng Long, khu vực Hồ Gươm, Trung tâm Ba Đình… Mỗi khu vực đó, chúng ta phải có những ứng dụng công cụ và không gian thông minh phù hợp. Ít nhất, phải có những không gian để đảm bảo cho các công cụ hiện đại hiện diện được mà không làm hỏng cảnh quan.
Đương nhiên, nói đến đô thị thông minh, chúng ta phải đề cập đến cả vấn đề môi trường, giao thông. Chúng ta đang tăng cường đi bộ ở khu vực phố cổ nhưng các phương tiện giao thông lại dường như không tiếp cận được. Và rồi dân cư sống trong khu vực đó cũng có xe máy nhưng họ không được chạy xe… Nhiều dự án về bến bãi đỗ xe nhằm phục vụ phố đi bộ và người dân sống ở đó rất tiếc đã không thực hiện được.
Phát triển đô thị thông minh cho khu vực phố cổ Hà Nội là một bài toán khó.
|
Trở lại thực tế về đô thị thông minh mà chúng ta đang nói đến, tôi vẫn muốn nhắc lại tính tổng thể của nó. Chính phủ đã có đề án chung và từng địa phương phải có đề án riêng của mình. Hiện nay, mới có 3 địa phương có đề án nhưng mới chỉ là đề án chọn bước đột phá. Chính phủ thì chọn ra 6 đô thị trọng điểm nhưng cũng phải 12 năm nữa mới có. Vì thế, trước mắt phải tập trung vào nhận thức với đô thị thông minh bền vững. Cùng với việc đó, phải xây dựng được bức tranh toàn cảnh về đô thị thông minh bền vững để từ đó chọn ra các dự án ưu tiên. Về cơ bản, các đô thị đều tập trung vào cơ sở hạ tầng và các công cụ thông minh nhưng lại chưa thực sự chú trọng vào yếu tố con người. Theo tôi, con người vẫn là vấn đề cốt lõi và công nghệ chỉ phát huy khi con người có đủ trình độ.
Các đô thị của chúng ta đương nhiên có phần xây mới nhưng phần lớn là được cải tạo từ các điểm dân cư nhỏ lẻ. Cho nên phải có một bức tranh toàn cảnh để phân loại các công việc cần làm và chọn ra các dự án ưu tiên cùng những bước đi thích hợp. Đáng mừng là các nước cũng ủng hộ chúng ta với cách làm này.
Xin cảm ơn ông!