|
KPF đã chuyển nhượng 49% cổ phần tại doanh nghiệp dự án Cam Ranh Bay Hotels & Resorts (Khánh Hòa) |
CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (Mã CK: KPF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán với doanh thu thuần đạt 53,8 tỉ đồng, tăng 34,6% so với năm trước. Trừ đi giá vốn hàng bán, KPF báo lãi gộp 34,5 tỉ đồng, giảm 9,5% so với thực hiện năm 2020.
KPF báo lãi sau thuế năm 2021 lên tới 75,9 tỉ đồng, tăng gấp 2,9 lần so với năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nguồn doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính, đạt mức 46,9 tỉ đồng, và nguồn lợi nhuận khác (đạt gần 13 tỉ đồng).
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu tài chính của KPF bao gồm lãi tiền gửi, cho vay (10,9 tỉ đồng) và lãi từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng vốn góp (36 tỉ đồng).
Trong khi đó, nguồn lợi nhuận khác của KPF chủ yếu là thu nhập do hợp nhất CTCP TTC Deluxe Sài Gòn – chủ đầu tư dự án khách sạn TTC Hotel tại 20-22-24 Đông Du, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2021, quy mô tổng tài sản của KPF đạt 1.071,1 tỉ đồng, giảm 19,4% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do KPF không còn hợp nhất tài sản của Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm.
Chiếm tới 89% tổng tài sản của KPF là các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn, đạt 956,1 tỉ đồng. Theo thuyết minh, đây là các khoản công ty cho các tổ chức và cá nhân vay tạm thời khi vốn nhàn rỗi.
Cụ thể, KPF cho Công ty TNHH New World Capital vay 26,3 tỉ đồng, cho Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu vay 245,7 tỉ đồng và cho Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm vay 91,8 tỉ đồng.
Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (Phúc Hậu) – đơn vị được KPF cho vay 284,6 tỉ đồng – là chủ đầu tư dự án Khu dân cư sinh thái Vườn Tài tại các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay của Phúc Hậu là bà Thái Thị Hải Yến (SN 1983). Bà Yến cũng từng mua vào 850.000 cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ 36 triệu cổ phiếu của KPF hồi tháng 3/2021.
Còn Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (Cam Lâm), đơn vị này được thành lập từ tháng 7/2014 và từng là công ty con của KPF với tỉ lệ sở hữu lên tới 93% vốn điều lệ.
Tính đến giữa tháng 11/2021, Cam Lâm có quy mô vốn điều lệ 150 tỉ đồng, trong đó, KPF đã giảm sở hữu xuống còn 44% vốn điều lệ.
Ở một chi tiết khác, vào tháng 1/2022, HĐQT KPF đã thông qua việc triển khai thực hiện phương án chào bán 66,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ, cho 5 nhà đầu tư.
Nếu việc chào bán diễn ra thành công, vốn điều lệ của KPF dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên mức 1.273,6 tỉ đồng.
Số tiền 864,5 tỉ đồng dự kiến thu được từ đợt chào bán sẽ được KPF dùng để tăng vốn góp cổ phần cho công ty con CTCP TTC Deluxe Sài Gòn để nhận chuyển nhượng cổ phần của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đại Lải (250 tỉ đồng), mua cổ phần CTCP Tri Việt Hội An (245 tỉ đồng) và đầu tư mua 199 căn hộ du lịch thuộc dự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng (369,5 tỉ đồng).
Ngày 31/3 tới đây, HĐQT KPF dự trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua phương án phát hành tổng cộng 133,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 2.611 tỉ đồng.
Cụ thể, KPF dự kiến chào bán 127,36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỉ lệ 1:1) với giá chào bán 10.000 đồng/cp và phát hành 6,36 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 5%.
Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.273,6 tỉ đồng sẽ được KPF dùng để đầu tư, góp vốn, mua cổ phần tại các công ty dự án (1.000 tỉ đồng) và đầu tư kinh doanh bất động sản bằng cách tài trợ một phần vốn triển khai, hợp tác kinh doanh (273,6 tỉ đồng)./.