|
Một nhà nghiên cứu VR và một chuyên gia giáo dục nói về tiềm năng của công nghệ này. Ảnh: SCMP. |
Thay vì bay đến một quốc gia xa xôi để học ngôn ngữ, giờ đây người dùng chỉ cần đeo kính thực tế ảo (VR) và ngồi thư giãn trên ghế sofa tại nhà. Với công nghệ VR, người dùng có thể trải nghiệm cảm giác gọi một tách cà phê trong một quán ở Italy hay trò chuyện với người bản địa trong môi trường ảo sống động.
Timo Ahlers, nhà giáo dục tại Đại học Potsdam, Đức, cho biết VR mang lại cơ hội giao tiếp và hành động mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. "Trong môi trường ảo, người học không chỉ nghe và nhìn mà còn tham gia tương tác, giúp việc học trở nên thú vị và hiệu quả hơn", ông giải thích.
VR, viết tắt của Virtual Reality (Thực tế ảo), là một môi trường kỹ thuật số hoàn toàn do máy tính tạo ra. Thông qua thiết bị như kính VR, người dùng có thể đắm chìm trong không gian ảo, nơi hình ảnh và âm thanh được đồng bộ hóa, mang lại trải nghiệm như thật.
Theo Ahlers, môi trường này giúp người học hòa mình vào các tình huống thực tế như ghé thăm quán cà phê, gặp bác sĩ, hoặc thậm chí tham gia một buổi tối quanh đống lửa trại. Tất cả đều được thiết kế để hỗ trợ học ngôn ngữ và kỹ năng sống một cách tự nhiên, thoải mái.
Không chỉ dừng lại ở học ngôn ngữ, VR còn mang lại cơ hội giáo dục toàn diện trong nhiều lĩnh vực khác. Từ việc giải câu đố trong mê cung, chơi bóng rổ, đến các bộ môn khoa học tương tác, VR đang biến những gì từng là khoa học viễn tưởng thành hiện thực.
Bằng cách tái hiện những trải nghiệm thực tế trong môi trường ảo, VR mở ra cách tiếp cận học tập hoàn toàn mới, xóa nhòa ranh giới địa lý và làm phong phú thêm hành trình khám phá tri thức của người học.
Theo SCMP