|
Châu Âu đang trải qua nhiều khó khăn do Nga hạn chế nguồn cung năng lượng (Ảnh: Bloomberg) |
Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm khi năm 2022 sắp qua đi, nhưng không đến mức nghiêm trọng như các nhà kinh tế học lo ngại trước đó, làm dấy lên hy vọng rằng thế giới có thể tránh được một cuộc suy thoái sâu rộng trong năm tới.
Các nghiên cứu về hoạt động kinh doanh công bố hôm 23/11 cho thấy sản lượng ở Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu trong tháng 11/2022 đã suy giảm.
Nhưng những con số này, cùng với những phân tích kinh tế, chỉ ra một viễn cảnh phức tạp, trong đó một số phần của nền kinh tế Mỹ, châu Âu vẫn khỏe mạnh bất chấp lạm phát cao và lãi suất tăng.
Ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, viễn cảnh có vẻ ảm đạm hơn khi đất nước này đã đối mặt với số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại. Các nhà kinh tế học dự báo về đà phục hồi tăng trưởng trong năm tới, khi Bắc Kinh nỗ lực nới lỏng các chính sách kiềm chế đại dịch.
Thị trường lao động và bản cân đối kế toán hộ gia đình khỏe mạnh của Mỹ đang giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, vốn là động cơ chính của nền kinh tế. Sức chi tiêu tiêu dùng khỏe mạnh đã tạo động lực cho bán lẻ trong tháng 10 vừa qua và có thể tiếp tục duy trì sức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cuối năm nay. Viễn cảnh kinh tế Mỹ còn phụ thuộc một phần vào việc Fed nâng lãi suất như thế nào để kiềm chế lạm phát.
Châu Âu hiện đang trải qua ít sự gián đoạn kinh tế hơn do Nga hạn chế nguồn cung năng lượng, nếu so với dự đoán mà giới phân tích đưa ra trước đây. Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực đang dần thích nghi với việc giảm năng lượng tiêu thụ, theo Adam Posen, chủ tịch của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Chính phủ các nước châu Âu cũng đưa ra gói hỗ trợ tài chính lớn hơn so với dự kiến để hỗ trợ các hộ gia đình đối phó với giá năng lượng và thực phẩm tăng, ông nói thêm.
|
Thị trường lao động khỏe mạnh giúp thúc đẩy chi tiêu ở Mỹ (Ảnh: AP) |
“Chúng ta sẽ đi qua năm nay với hơn 75% nền kinh tế thế giới vận hành khá tốt,” ông Posen nói. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) “rất có thể sẽ trải qua những cuộc suy thoái khá ngắn, nhưng không nghiêm trọng và trở lại với đà tăng trưởng có thể là vào quý thứ 4 của năm 2023.”
Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển sẽ bị tụt lại phía sau. David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), trước đó cảnh báo rằng các nước đang phát triển sẽ đối mặt với một nguy cơ kinh tế: Các chính sách được các nền kinh tế phát triển áp dụng nhằm kiềm chế lạm phát có thể gây ra tình trạng thiếu vốn cho các nước nghèo hơn.
S&P Global nói rằng chỉ số sản lượng của họ đối với Mỹ - bao gồm dịch vụ và hoạt động sản xuất – đã giảm từ mức 48,2 trong tháng 10 xuống 46,3 trong tháng 11, tốc độ giảm được thuộc hàng nhanh nhất kể từ năm 2009. Chỉ số này nếu xuống dưới 50 sẽ là tín hiệu cho thấy hoạt động kinh tế thu hẹp, trong khi trên 50 là tín hiệu tăng trưởng.
“Các công ty đang phàn nàn về những khó khăn bắt nguồn từ chi phí sinh hoạt tăng, điều kiện tài chính bị thắt chặt – đáng chú ý là chi phí vay mượn cao hơn – và nhu cầu suy yếu cả trên thị trường trong và ngoài nước,” Chris Williamson, trưởng kinh tế gia tại S&P Global Market Intelligence, nói.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ nói rằng sức ép từ lạm phát đã giảm nhẹ trong tháng 11, trong đó giá nguyên vật liệu và vận chuyển đã hạ nhiệt.
Chi phí năng lượng tăng tác động tới nền kinh tế đã được nêu ra trong nghiên cứu về nền kinh tế châu Âu, trong đó ghi nhận về sự suy giảm các hoạt động trong tháng 11. S&P Global cho hay chỉ số sản lượng của họ đối với khu vực Eurozone đã tăng từ 47,3 trong tháng 10 lên 47,8 trong tháng 11, nhưng vẫn dưới mức 50.
Viễn cảnh kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn bất trắc. Một câu hỏi lớn ở Mỹ là lạm phát có thể giảm nhanh tới mức nào. Tốc độ giảm lạm phát sẽ quyết định được việc Fed nâng lãi suất đến mức nào, và sẽ duy trì mức lãi suất đó trong bao lâu. Fed hiện đang nâng lãi suất với nhịp độ nhanh nhất kể từ thập kỷ 80. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo về chi phí vay mượn cao hơn, ảnh hưởng tới chi tiêu trong những tháng tới, đe dọa đà tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Đội ngũ của Fed trong đầu tháng này đưa ra dự báo rằng suy thoái ở Mỹ trong năm tới là “rất có thể xảy ra”, theo biên bản cuộc họp ngày 1 và 2/11 được công bố trong hôm 23/11 vừa qua.
Các nền kinh tế của châu Âu sẽ đối mặt với những khó khăn lớn nhất về kinh tế trong những tháng tới đây. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga hôm thứ Ba cảnh báo sẽ tiếp tục cắt giảm lượng cung khí đốt tới châu Âu thông qua Ukraine bắt đầu từ tuần tới.
Việc nới lỏng các hạn chế do COVID-19 ở Trung Quốc được xem là yếu tố quan trọng đối với đà tăng trưởng trong năm tới, nhưng số lượng ca nhiễm tăng trở lại mới đây đã làm dấy lên nhiều câu hỏi.
Nhiều chuyên gia dự báo cho rằng sản lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 2% trong năm tới. Đây sẽ là sự giảm tốc tồi tệ so với năm nay, và dưới mức trung bình 3,3% của thập kỷ trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Mặc dù dự báo về một khởi đầu ảm đạm trong năm 2023 của các nền kinh tế lớn nhất, nhưng các nhà kinh tế học vẫn thận trọng khi dự báo về một cuộc suy thoái toàn cầu.
|
Viễn cảnh kinh tế Trung Quốc ảm đạm số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại mới đây (Ảnh: Reuters) |
“Mặc dù chúng tôi không chính thức dự báo về một cuộc suy thoái toàn cầu từ góc nhìn kỹ thuật, nhưng rất có thể sẽ xảy ra suy thoái đối với những phần rộng lớn của nền kinh tế toàn cầu,” Marcelo Carvallo, kinh tế gia đến từ BNP Paribas, nói.
Xét về thực tiễn, điều này có nghĩa rằng sự khó khăn mà nhiều quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp thế giới trải qua trong năm nay vẫn chưa kết thúc.
Một cuộc suy thoái mới có thể khiến Fed ngừng nâng lãi suất?
IMF cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
Suy thoái kinh tế toàn cầu đang gần kề nhưng cũng đừng quên 'bom nợ' ở các nước đang phát triển
Theo Wall Street Journal