|
Lạm phát giảm sẽ làm tăng sức mua của những người tiêu dùng bị vắt kiệt bởi giá cả gia tăng trong năm ngoái (Ảnh: Bloomberg) |
Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa sớm hơn so với dự kiến, mùa Đông ấm áp hơn ở khu vực châu Âu đang khát năng lượng và lạm phát đang giảm ở Mỹ, nhiều yếu tố đang kết hợp lại để xua tan bầu không khí ảm đạm từng bao phủ các thị trường tài chính vào cuối năm 2022 và làm dấy lên hy vọng rằng thế giới có thể tránh được một cuộc suy thoái, theo Bloomberg.
Dữ liệu công bố hôm 13/1 cho thấy, nền kinh tế Anh bất ngờ tăng trưởng trở lại trong tháng 11, trong khi nền kinh tế Đức cũng thoát khỏi tình trạng bị thu hẹp vào thời điểm cuối năm 2022.
Nhưng do Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn đang tiếp tục nâng lãi suất, nguy cơ xảy ra suy thoái vào thời điểm cuối năm vẫn còn khá lớn, đặc biệt là nếu lạm phát dai dẳng và không giảm xuống mức mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đặt ra.
“Có một con đường nhỏ hẹp dẫn tới hạ cánh mềm,” Jan Hatzius, trưởng kinh tế gia đến từ Goldman Sachs, đưa ra nhận định trong một cuộc hội thảo được bảo trợ bởi Atlantic Council hôm 11/1. “Các nhà hoạch định chính sách sẽ gặp khó khăn trong việc tính toán liều lượng các biện pháp hạn chế để thực hiện điều đó.”
Ông Hatzius kỳ vọng rằng họ sẽ thành công, và cả các nhà đầu tư cũng vậy. Thị trường cổ phiếu đang lên trong khi giá trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng nhờ hy vọng rằng nền kinh tế thế giới sẽ trỗi dậy mà không hứng chịu đà giảm, sau khi lạm phát tăng cao đến mức đáng sợ nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua.
|
Giá cổ phiếu, trái phiếu tăng bất chấp những rủi ro về suy thoái (Ảnh: Bloomberg) |
Có một số lý do để lạc quan về tình hình kinh tế trong năm tới. Sức ép giá đang hạ dần trên toàn thế giới, một phần là nhờ đà tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại, mặt khác là do các nút thắt trong chuỗi cung ứng – do đại dịch và cuộc chiến của Nga ở Ukraine – được gỡ bỏ. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 6,5% trong tháng 12, so với năm trước đó, và giảm mạnh nếu so với 9,1% trong tháng 6/2022.
Đà giảm của lạm phát sẽ làm tăng sức mua của những người tiêu dùng vốn bị vắt kiệt bởi giá cả gia tăng trong năm ngoái, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm và tiền thuê nhà. Nó cũng cho phép các ngân hàng trung ương giảm nhịp độ nâng lãi suất, dập tan lo ngại trong giới đầu tư rằng các nhà hoạch định chính sách có thể đi quá xa và “phá vỡ thứ gì đó” trên các thị trường.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông được dự kiến là sẽ đưa ra mức nâng lãi suất chỉ 1/4 điểm trong cuộc họp tổ chức vào ngày 31/1 và 1/2. Trước đó, Fed đã nâng lãi suất thêm nửa điểm trong tháng 12 và 4 lần nâng 65 điểm cơ bản trong năm 2022.
Lạm phát giảm đã giúp đảo ngược đà tăng đột biến giá trị của đồng USD, giảm sức ép với các ngân hàng trung ương khác.
“Chúng ta đã thấy giá trị của đồng USD đạt đỉnh,” Megan Greene, trưởng kinh tế gia của Viện Kroll, nói.
Thêm nữa, các thị trường lao động vẫn hết sức khỏe mạnh, trong khi tình hình tài chính của hộ gia đình và doanh nghiệp khá ổn định.
Khi giá năng lượng, đặc biệt là khí đốt, tăng mạnh trong năm ngoái, một cuộc suy thoái diễn ra ở châu Âu được nhiều người xem là gần như chắc chắn xảy ra. Nhưng ở hiện tại, đây chỉ là một viễn cảnh. Ông Hatzius cho rằng khu vực này sẽ tránh được một cuộc suy thoái.
Một mùa Đông không quá lạnh cùng nỗ lực tăng nguồn cung, mở rộng các nhà cung ứng để bù cho phần nhập khẩu từ Nga bị thiếu hụt đã giúp cho khu vực eurozone ở trong trạng thái tốt hơn so với nhiều người dự đoán: Sản lượng công nghiệp ở Đức đã tăng trong tháng 11, bất chấp thực tế là họ phải dựa dẫm nặng nề vào nguồn cung năng lượng của Nga.
“Mối nguy về một cuộc suy thoái kinh tế toàn diện, sự sụt giảm của ngành công nghiệp châu Âu, đến nay đã được đảo ngược,” Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu hồi đầu tháng này.
Đức cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách zero-COVID để mở cửa trở lại nền kinh tế, bởi Trung Quốc là khách hàng lớn nhập khẩu hàng hóa của châu Âu.
|
Ngân hàng Thế giới dự báo đà tăng trưởng toàn cầu chỉ 1,7% trong năm 2023 (Ảnh: WB) |
Dự báo về Trung Quốc
Các nhà kinh tế học ở Phố Wall đang phải liên tục cập nhật những dự báo mà họ đưa ra về đà tăng trưởng Trung Quốc, sau khi nước này gỡ bỏ chính sách zero-COVID. Barclays Plc đã nâng mức tăng trưởng dự báo lên 4,8% trong năm 2023, từ 3,8% trước đó. Morgan Stanley đưa ra con số 5,7%, thay vì 4,4% trước đây.
Mặc dù đà phục hồi của Trung Quốc sẽ đối diện với nhiều trở lực, nhưng sự kết hợp giữa chính sách nới lỏng kiềm chế lĩnh vực bất động sản cùng sự hỗ trợ của chính phủ sẽ tạo nên viễn cảnh tươi sáng hơn so với nhiều người kỳ vọng.
“Chúng tôi giờ đang kỳ vọng một dạng phục hồi hình chữ “V”, như đã từng thấy ở nhiều nền kinh tế khác từng bị đóng cửa do COVID,” ông Hatzius nói về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Trung Quốc mở cửa trở lại, tuy nhiên, có thể làm phức tạp thêm câu chuyện về lạm phát của toàn cầu, bằng cách làm tăng nhu cầu – từ đó kéo theo tăng giá – dầu thô và các loại hàng hóa khác. Điều này có thể gây ra nhiều trở ngại cho Fed và các ngân hàng trung ương khác.
Thị trường việc làm ở Mỹ
Nhưng hy vọng rằng Fed có thể giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái càng được củng cố thêm nhờ báo cáo về việc làm trong tháng 12. Bản báo cáo này cho thấy đà tăng lương đã giảm bớt trong khi tỷ lệ thất nghiệp trở về mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
“Nhìn tình hình sẽ thấy như sắp có một cú hạ cánh mềm,” Torsten Slok, trưởng kinh tế gia đến từ Apollo Global Management, nhận định.
Nhưng bất chấp tư tưởng lạc quan đó, Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này vẫn hạ dự báo đà tăng trưởng đối với phần lớn các quốc gia và khu vực trên thế giới, đồng thời cảnh báo rằng nhiều cú sốc mới vẫn có thể gây ra một cuộc suy thoái.
Lạm phát Mỹ giảm 6 tháng liên tiếp, Fed sẽ làm gì tiếp theo?
Người dân Trung Quốc sẽ làm gì với 827 tỉ USD dành dụm trong đại dịch?
Đồng USD mạnh 'bào mòn' dự trữ ngoại hối của các siêu cường ra sao?
Theo Bloomberg