Kinh tế Quảng Nam tăng trưởng âm, thấp nhất trong 26 năm qua, từ khi tái lập tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam có nhiều hạn chế, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch, tiến độ quy hoạch chưa đảm bảo, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 8,25% - thấp nhất kể từ khi Quảng Nam tái lập tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Kỳ họp (Ảnh TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Kỳ họp (Ảnh TTXVN)

HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã họp kỳ họp thứ 18 vào hôm nay, 6/12. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Tại kỳ họp, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - cho biết: "Năm 2023, tỉnh Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. So với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết quả trên vẫn chưa đạt so với mong đợi. Kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022, đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay".

Cũng theo Bí thư Quảng Nam, công nghiệp gặp khó khăn, khó phục hồi; tổng thu ngân sách nhà nước chưa đạt dự toán. Việc triển khai một số công trình, dự án chưa bảo đảm đúng tiến độ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm trước. Tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại đa số các cơ sở y tế công lập vẫn xảy ra. Vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Đời sống một bộ phận người lao động, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2023, ước thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 23.951 tỉ đồng (dự toán 26.680 tỉ đồng), đạt 89,8% và bằng 71,6% so với tổng thu năm trước. Trong khoản thu nội địa có khoản thu ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 63,4%, nhưng ước thu chỉ đạt 92,4% dự toán.

Nguyên nhân của việc sụt giảm được UBND tỉnh Quảng Nam xác định là do ngành công nghiệp địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô. Thu từ ô tô Trường Hải chỉ đạt 87,3% dự toán (ước thu 9.986 tỉ đồng), dẫn đến thu nội địa ước thu năm 2023 không vượt dự toán.

Quy mô nền kinh tế đạt 112,5 nghìn tỉ đồng; cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp 14,8%; công nghiệp và xây dựng 29,8%; trong đó, công nghiệp chiếm 24%; dịch vụ 35,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 19,8%.

Ước tính cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 24% so với năm 2022; trong đó: IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-24,9%), riêng IIP sản xuất xe có động cơ (-35,2%). Sản lượng sản xuất ô tô các loại năm 2023 ước đạt hơn 68 nghìn chiếc (-45%; -55,4 nghìn chiếc); sản lượng ô tô tiêu thụ các loại cả năm 2023 ước đạt 75,4 nghìn chiếc (-36%; -43,3 nghìn chiếc). Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 21,7%, riêng công nghiệp giảm 24,3%.

Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ là hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hơn 71 nghìn tỉ đồng, tăng 11%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỉ đồng, tăng 2 lần. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt khoảng 18.683 tỉđồng.

Trong năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến là 23.951 tỉ đồng, đạt 89,8% so với dự toán; trong đó, thu nội địa 20.880 tỉ đồng, đạt 100% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.071 tỉ đồng, đạt 53% dự toán. Chi ngân sách địa phương năm 2023 ước khoảng 44.884 tỉ đồng, đạt 136% dự toán.

Trước những khó khăn trên, tỉnh Quảng Nam đưa ra mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 (GRDP giá so sánh 2010) tăng 7,5-8%; dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 23.600 tỉ đồng, bằng 98,5% ước thực hiện năm 2023 và tăng 2,1% so với dự toán năm 2024 Trung ương giao. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 20.100 tỉ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 3.500 tỉ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, năm 2023 kinh tế của Quảng Nam vẫn còn khó khăn. Báo cáo trình tại kỳ họp đã đánh giá cụ thể những nguyên nhân khách quan, thẳng thắn nhìn nhận các yếu tố chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, đoàn kết, thống nhất, ý chí và nghị lực, phát huy bản sắc văn hóa con người và truyền thống cách mạng của Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, tập trung ổn định tổ chức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ còn lại của năm 2023.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Quảng Nam cần tập trung thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; tiếp tục phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong việc rà soát, kiến nghị hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; chú trọng xây dựng nghị quyết, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền bảo đảm đúng quy định của Trung ương và phù hợp thực tiễn của địa phương, đồng thời đề ra các giải pháp tổ chức thực thi hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024. Tỉnh tập trung chuẩn bị trước một bước các điều kiện, nguồn lực cần thiết nhằm triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, nhiệm vụ cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chính sách quan trọng có hiệu lực trong năm 2024.