|
Hệ thống camera trên màn hình tại Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên-Huế |
Hướng tới người dân là trung tâm
Thừa Thiên-Huế là tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số của cả nước, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng như Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Cụ thể, năm 2022, Thừa Thiên-Huế xếp thứ 6 về chỉ số PCI, thứ 5 về chỉ số PAPI và hai năm liền xếp thứ 2 trong chỉ số DTI.
Để đạt được kết quả ấn tượng trên, Tỉnh ủy và các cấp chính quyền Thừa Thiên-Huế đã thực hiện một chương trình bài bản, dài hơi - đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số, hướng tới việc trở thành một trong những đô thị thông minh đầu tiên trên cả nước.
Đặc biệt, mọi chính sách chuyển đổi số của Thừa Thiên-Huế đều hướng tới người dân là trung tâm, nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho họ.
Một trong những thành tựu nổi bật tại Thừa Thiên - Huế là hệ thống camera thông minh. Được triển khai từ năm 2019, hệ thống camera Thừa Thiên-Huế đã lắp đặt được 642 chiếc, sử dụng 27 giải pháp về AI.
Số camera được lắp đặt tại Thừa Thiên-Huế đã phát huy được tác dụng rất rõ rệt. Trong 2 năm qua, hệ thống camera tỉnh đã ghi nhận bình quân 2.000.000 lượt vi phạm giao thông, từ đó hỗ trợ cảnh sát tiến hành phạt nguội các trường hợp vi phạm.
Thông qua hệ thống camera, chính quyền Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với cơ quan chức năng truy vết tội phạm với 765 vụ án, ghi nhận 5821 trường hợp vi phạm liên quan đến môi trường.
Hệ thống còn phát hiện và xử lý 57 trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Hệ thống cũng đã phát hiện 1.659 sự vụ nghi cháy rừng và xác minh 199 vụ cháy rừng.
Những năm về trước, khi Huế xảy ra tình trạng ngập lụt nặng, hệ thống camera tại 50 điểm ngập lụt đã phát trực tiếp trên nền tảng di động Hue-S phục vụ người dân, kết nối dữ liệu 38 trạm đo mưa, giám sát được mực nước sông Hương, Sông Bồ.
Ngoài ra, camera còn ghi lại được 286 vụ đốt rơm rạ. Chính quyền đã nhắc nhở và cảnh báo người dân về việc này.
Camera giám sát cũng hỗ trợ đo đếm mật độ xe tại các tuyến đường trong thành phố cũng như các cửa ngõ ra vào tỉnh, từ đó có thể tham mưu với chính quyền về điều tiết giao thông.
Hệ thống camera tự động phát hiện cảnh báo khi có ùn tắc giao thông hoặc lưu lượng xe có sự tăng giảm bất thường. Dữ liệu từ camera giúp cung cấp thông tin về quy hoạch giao thông các tuyến đường cần mở rộng.
Vận hành và lắp đặt hợp lý
Chia sẻ với phóng viên VietTimes, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Thừa Thiên-Huế cho biết, ưu điểm của hệ thống camera "không phải nằm ở số lượng mà nằm ở việc vận hành và lắp đặt hợp lý".
Theo ông Sơn, dữ liệu từ hệ thống camera được thu thập, lưu trữ và xử lý theo 5 nguyên tắc là: Xây dựng nguồn dữ liệu; Lưu trữ chuẩn hóa; Vận hành chia sẻ; Kết nối thu thập; Tạo ra giá trị.
"Khi tổ chức dữ liệu thì ngay từ ban đầu phải xác định có sự tương tác với người dân, tìm ra những điểm để người dân thụ hưởng. Nếu lấy người dân làm trung tâm thì mọi vấn đề sẽ được thực hiện nhanh hơn", ông Sơn nói.
Giám đốc Sở TT&TT cho biết thêm, các nguyên tắc cần được tuân thủ để đảm bảo các yêu cầu cơ bản: đầu tiên, người dân phải có quyền tiếp cận nguồn dữ liệu chính thống. Thứ hai, họ phải được hưởng các tiện ích và có quyền tham gia vào quá trình tương tác công khai. Thứ ba, người dân có quyền được hỏi ý kiến về các quyết định liên quan. Thứ tư, cơ chế giám sát phải được thực hiện công khai để đảm bảo tính minh bạch. Và cuối cùng, dữ liệu thu thập từ hệ thống camera phải tạo ra giá trị thực. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các yếu tố đồng bộ để đảm bảo sự hiệu quả và liên kết trong việc ứng dụng hệ thống camera.
Ông Sơn nhấn mạnh, ngay từ đầu Thừa Thiên - Huế đã định hướng xây dựng một nền tảng di động gọi là Hue-S. Nền tảng này dùng chung cho cả chính quyền Tỉnh, công an và doanh nghiệp. Đây cũng là nền tảng mà người dân có thể tương tác trực tiếp, phản ánh các vụ việc tại hiện trường. Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của Thừa Thiên-Huế (IOC) là đơn vị đầu mối tiếp nhận thông tin từ người dân và từ hệ thống camera, sau đó chuyển thông tin đến các đơn vị, cơ quan liên quan để xử lý.
"Điều quan trọng là chính quyền phải có sự tương tác với người dân, phải có công cụ để giúp người dân phản hồi lại với cơ quan chức năng", ông Sơn nói.
Ông Sơn khẳng định, hiệu quả lớn nhất của việc chuyển đổi số tại Thừa Thiên-Huế là thay đổi nhận thức về thông tin giữa các cơ quan tham gia, tạo ra một quy trình làm việc có thể khắc phục những hạn chế hành chính thông thường, giảm bớt áp lực nhân sự và kết nối người dân với chính quyền một cách thuận tiện, minh bạch.
Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tiếp tục hợp tác với đối tác để lắp đặt thêm các camera, mục tiêu là có 1500 trên phạm vi toàn Tỉnh để phục vụ giám sát, phát hiện các vi phạm, giải quyết phản ánh của người dân tốt hơn./.