Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế liên tục có sự thăng hạng trong các bảng xếp hạng cả về năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị hành chính và chuyển đổi số cấp tỉnh. Năm 2020, Thừa Thiên Huế nằm trong top dẫn đầu ở cả ba hạng mục Hạ tầng kỹ thuật (top 1), Hạ tầng nhân lực (top 3) và Ứng dụng CNTT (top 4) của ICT Index. Năm 2021, trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh DTI, Thừa Thiên – Huế cũng xếp thứ hai chung cuộc (sau Đà Nẵng) và thứ hai ở hạng mục chính quyền số.
Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI, Thừa Thiên – Huế đã lần đầu vào top 10 chung cuộc, đứng vị trí thứ 8. Và mới đây, Thừa Thiên – Huế lần đầu tiên giành ngôi vị quán quân về Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh với 48,059 điểm, tăng 9 bậc so với năm 2020, theo báo cáo PAPI 2021.
8 chỉ số thành phần của tỉnh Thừa Thiên Huế đều nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc, trong đó về Quản trị điện tử, điểm số hạng mục Phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử dẫn đầu và điểm số hạng mục Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương đứng thứ hai cả nước.
Những kết quả này, theo ban lãnh đạo tỉnh, có sự đóng góp không nhỏ của dự án Trung tâm Giám sát và điều hành Đô thị thông minh (IOC) Huế, với hạt nhân là Hue-S - dự án smart city đầu tiên của Việt Nam (do Viettel Solutions tư vấn và triển khai) đạt giải "Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á" tại Giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019.
"Nói IOC đóng góp bao nhiêu phần trăm vào các chỉ số này thì chắc không nói được, nhưng những tiện ích của Hue-S và IOC rõ ràng có tác động rất lớn đến sự tương tác hiệu quả của doanh nghiệp, người dân với chính quyền" – ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nói.
Lý giải về những đóng góp "rất lớn nhưng thầm lặng" của IOC vào các kết quả đáng ghi nhận của Huế trong các bảng xếp hạng cấp tỉnh, ông Bình chỉ ra 5 yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, IOC đóng vai trò thúc đẩy nhận thức. Đối với Thừa Thiên – Huế, tiêu chí tất cả các vấn đề đều công khai, tôn trọng ý kiến người dân là nhiệm vụ hàng đầu, từ đó Hue-S đã thu hút được đông đảo người dân tham gia. Đồng thời qua đó, IOC cũng đã thay đổi phương thức vận hành và giải quyết vấn đề của cơ quan nhà nước trên nền tảng số, với kết quả cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống.
Thứ hai là vai trò thúc đẩy chính quyền số. Theo đó, với IOC, các nền tảng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, công cụ quản lý nhà nước đều được số hóa và tích hợp thống nhất. Từ đó, dữ liệu số là cơ sở cho việc đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Xử lý công việc bằng hình thức truyền thống sẽ không có dữ liệu số đồng nghĩa với không đủ cơ sở đánh giá kết quả và rồi nó đã trở thành phương thức mà bắt buộc các cấp, các ngành phải tự chuyển đổi.
Thứ ba, về khía cạnh thúc đẩy xã hội số, Hue-S đã trở thành ứng dụng mà các doanh nghiệp, tập đoàn đặt vấn đề tích hợp dịch vụ số ngày càng nhiều. Từ đó, nhu cầu thông tin và dịch vụ số cho người dân ngày càng đa dạng, phong phú.
Thứ tư, về kinh tế số, với sự tham gia tích hợp các ví điện tử, các dịch vụ thanh toán có liên thông, các sàn thương mại điện tử, Hue-S đang trở thành nền tảng đáp ứng các nhu cầu mua sắm, thụ hưởng với tiện ích và sự đảm bảo an toàn nhất cho người dân. Bước đầu. Hue-S đã tạo được lòng tin và hy vọng sẽ trở thành một nền tảng được người dân sử dụng nhiều qua đó đóng góp lớn về thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn.
Và thứ năm, về tài nguyên dữ liệu số và mục tiêu đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, Hue-S là nơi tích hợp các thông tin dịch vụ với mong muốn tạo kênh thống nhất để người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các tiện ích cũng như đảm bảo an toàn thông tin. Qua đó, dữ liệu từ tương tác, từ nghiệp vụ hàng ngày sẽ phát sinh, đồng hành cùng chiến lược chuyển đổi dữ liệu số của tỉnh.
Để IOC và Hue-S nói riêng, và công cuộc chuyển đổi số tại thừa Thừa Thiên Huế nói chung đạt được những kết quả nêu trên, ông Bình chỉ ra các yếu tố quyết định quan trọng. Thứ nhất là cách tiếp cận của đúng đắn của các thế hệ lãnh đạo, những người quyết định chính sách, giải pháp và thậm chí là cả tinh thần triển khai.
"Tiếp nối các thế hệ lãnh đạo đi trước – như ông Phan Ngọc Thọ (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) - những người rất tâm huyết, đóng vai trò quan trọng vào công tác chuyển đổi số của Huế, thế hệ chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò này. Thật sự, chuyển đổi số, nếu không có sự quyết tâm của các lãnh đạo, thì rất khó làm" – ông Bình nhấn mạnh.
Với cách tiếp cận đó, ban lãnh đạo yêu cầu tất cả các cơ quan ban ngành phải có tinh thần như thế, phải xây dựng kế hoạch. Công tác công nghệ thông tin, hay câu chuyện chuyển đổi số, trước đây là khái niệm khá trừu tượng đối với các đồng chí lãnh đạo. Nhưng giờ, theo Phó Chủ tịch, không thể nói rằng chuyển đổi số là câu chuyện của các đồng chí kỹ thuật, mà lãnh đạo phải là người quan tâm trực tiếp và chỉ đạo.
Yếu tố quan trọng thứ hai là lựa chọn nội dung chuyển đổi số phù hợp với tình hình địa phương.
‘Với địa phương như Thừa Thiên Huế, nguồn lực có hạn thì chuyển đổi số cũng phải hết sức cân đo đong đếm, chúng tôi hay dùng từ phải "may đo" cho phù hợp. Chọn lựa cái gì thực sự là hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Nếu không lựa chọn cẩn thận, có rủi ro việc Hue-S sẽ trở thành khối chứa quá nhiều yếu tố, đình trệ công tác vận hành’ – ông Bình cho hay.
Yếu tố quan trọng thứ ba được Phó Chủ tịch này đề cập, là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng đến người sử dụng là người dân. Theo đó, Hue-S đã trở thành một nền tảng số xây dựng lòng tin người dân. Tất cả những vấn đề bất cập, bức xúc trong đời sống hằng ngày đều được người dân phản ánh và đánh giá hài lòng với tỷ lệ cao (78%). Riêng đối với dịch vụ phản ánh hiện trường đã góp phần rút ngắn thời gian xử lý phản ánh cũng như tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước thông qua việc cắt bỏ các giấy tờ, văn bản hành chính khi xử lý các vấn đề.
Ông Bình đánh giá, Hue-S đã hình thành điểm hội tụ số trên ba khía cạnh. Một là nơi nhà nước cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thiết yếu cũng như các giải pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh... Hai là nơi doanh nghiệp tích hợp các dịch vụ số, và ba là nơi người dân thụ hưởng toàn diện và thống nhất đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội.
Tất cả các khía cạnh trên đã tạo ra bước đột phá lớn trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn vừa qua, và là tiền đề quan trọng trong giai đoạn tới. Sự tham gia của cả chính quyền, người dân, và doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định thành công trong triển khai.
‘Một thành công của Thừa Thiên - Huế là tìm được người may đo tốt, để chắp nối những mảnh ghép của mình trở thành hệ thống’ – Phó Chủ tịch Thừa Thiên – Huế tiết lộ mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện bức tranh chuyển đổi số của Huế.
"Với phương châm ‘may đo’, Viettel đã có những đóng góp rất lớn cho việc chuyển đổi số của tỉnh nhà: Từ phương pháp tiếp cận, tổ chức nhân sự hỗ trợ, kiên trì cộng với thực tiễn của địa phương từ đó nhiều kết quả đã đi vào thực tiễn, kiểm chứng qua quá trình vận hành và đã được người dân, doanh nghiệp biết đến và công nhận. Chúng tôi hy vọng, cùng với tỉnh trong thời gian tới Viettel sẽ đồng hành nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa và có đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh", ông Bình khẳng định.
"Hue-S là niềm tự hào của chúng tôi. Người Huế ai cũng biết Hue-S, và sử dụng các tiện ích trên Hue-S, như vậy đối với chúng tôi đã cơ bản là thành công" – ông Bình khẳng định. Đến nay, sau 3 năm triển khai, khi nhắc đến các vấn đề bất cập, bức xúc trong xã hội, các nhu cầu nguyện vọng của người dân, các dịch vụ thiết yếu... thì câu đầu tiên người dân hay nhắc đến là "Không giải quyết được thì lên Huế-méc" (người dân Huế nói chung gọi vui Hue-S là Huế "méc"), đây chính là điểm mà ban lãnh đạo cho là nổi bật nhất, khi nói về thành tựu của Thừa Thiên -Huế trong chuyển đổi số.
Sau 3 năm triển khai IOC Huế, Hue-S đã có 793.050 lượt tải ứng dụng, 17.371.225 lượt truy cập (tính riêng trong năm 2021), tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống xử lý, tiết kiệm 7,7 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, thu hút hơn 10 tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào hệ thống.
Ngoài ra, về dịch vụ giám sát qua hệ thống cảm biến Camera, 1.500 camera đã được chấm điểm, quy hoạch, 102 camera kết nối theo dự án được duyệt, 144 camera kết nối từ Công an tỉnh (2), UBND TP Huế (48), phường An Đông (12), phường Thủy Dương (19), TTHCC (10), Hồ Đập (16), 300 camera đang kết nối các hệ thống xã hội hóa. Về dịch vụ Giám sát An toàn Thông tin mạng, IOC Huế đã triển khai hệ thống An toàn thông tin bảo vệ hệ thống mạng giúp ngăn chặn 1.066.282 cuộc tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19…
Tuy nhiên, những kết quả đạt được, bao gồm cả giải thưởng "Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á", ban lãnh đạo tỉnh coi đó chỉ là những bước đầu.
"Đã đến giai đoạn IOC và Hue-S phải phát triển hơn nữa, để trở thành ‘khối óc’ thực sự của Thừa Thiên - Huế. Vấn đề bây giờ là cần nghiêm túc đánh giá chu đáo để lọc ra cái nào cần ưu tiên phát huy mạnh, cái nào cần chuẩn hóa cũng như tái cấu trúc để hoàn thiện và tốt hơn là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới" – ông Bình nói.
Với phương châm, những vấn đề khó trong quản lý nhà nước cần ưu tiên, những vấn đề mà doanh nghiệp cần có sự kiến tạo của nhà nước, những vấn đề mà người dân quan tâm nhất sẽ được cụ thể hóa bằng các chương trình, hành động trong thời gian tới, giai đoạn 2022-2023 sẽ là lúc Huế đẩy mạnh chiến lược dữ liệu số để tạo ra nền tảng vững chắc và bền vững cho quá trình chuyển đổi số. Tất nhiên, đây không phải câu chuyện mà địa phương có thể một mình làm được, mà phải có sự tham gia của các doanh nghiệp mạnh, như đối tác Viettel, để hỗ trợ địa phương trên cơ sở hợp tác.
Dữ liệu số sẽ là tài nguyên vô cùng quý giá. Tỉnh xác định, dữ liệu sẽ được chia sẻ cho công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn, cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số tốt hơn, dữ liệu sẽ tạo ra sự đảm bảo và tiện ích cho người dân tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ số ngày càng nhiều hơn và từ đó sẽ thúc đẩy nhanh, mạnh về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
‘Chúng tôi mong muốn hoàn thiện năng lực của trung tâm IOC, hoàn thiện năng lực của Hue-S, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội và xứng đáng với niềm tự hào của người Huế. Và đặc biệt trong 3 năm tới, trước khi Quốc hội ấn nút để Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các kết quả về chuyển đối số phải trở thành động lực để nâng cao vai trò của Thừa Thiên - Huế trên sự phát triển chung của cả nước’ – ông Bình kết luận.
Ảnh: Thừa Thiên - Huế
Theo Báo Tổ Quốc