Trao đổi với PV VietTimes vào ngày 21/6, PGS.TS. Phạm Ngọc Minh cho biết, bệnh nhân là một phụ nữ khoảng 45-46 tuổi ở Ninh Bình. Chị cho biết khoảng một tuần nay, dưới da cánh tay bỗng có những vết hằn ngoằn ngoèo. Chị đã đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng bác sĩ không biết bệnh gì nên khuyên chị về Hà Nội.
May mắn, chị tìm gặp được PGS.TS. Phạm Ngọc Minh, một chuyên gia đầu ngành về ký sinh trùng, nên được chẩn đoán chính xác là bị ấu trùng giun chó mèo.
“Nguyên nhân là do chị tiếp xúc gần với chó mèo nên bị lây nhiễm. Chính ấu trùng giun chó mèo đã “đào hầm” dưới da, tạo nên những vết hằn như vậy. Xác định được chính xác nguyên nhân do ký sinh trùng, nên việc điều trị không mấy khó khăn. Chỉ khoảng một tháng dùng thuốc, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh” - PGS.TS. Phạm Ngọc Minh giải thích.
PGS.TS. Phạm Ngọc Minh cho biết thêm: Bệnh nhân này may mắn vì ấu trùng xuất hiện dưới da nên dễ xác định nguyên nhân và xử lý. Còn có khá nhiều trường hợp ấu trùng chui vào bụng, tạo nên các ổ áp xe trong gan, ruột và không ít trường hợp bị chẩn đoán là khối u và phải mổ. Trong khi, nếu khi khám, bác sĩ nghĩ tới nguyên nhân do ký sinh trùng thì việc điều trị đơn giản, nhưng đáng tiếc là không ít trường hợp bị chẩn đoán nhầm.
Cách đây mấy tháng, BV Việt Đức cũng từng cấp cứu một cháu bé 2 tuổi trong tình trạng nguy kịch cũng chỉ vì bị ấu trùng giun tròn từ chó mèo.
TS. Nguyễn Việt Hoa chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật vì ấu trùng giun chó mèo
|
Theo TS. Nguyễn Việt Hoa – Trưởng khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh của BV Việt Đức, bệnh nhi quê ở TP. Vinh, Nghệ An được đưa đến trong tình trạng bụng trướng, sốt dai dẳng nhiều tháng, không rõ nguyên nhân. Trước đó 6 tháng, gia đình đã cho cháu bé đi khám và điều trị tại nhiều BV nhưng không khỏi. Vì cháu sốt dai dẳng, nên có BV đã tổ chức hội chẩn với các chuyên gia Pháp và cho rằng cháu bị lao, nhưng kết quả xét nghiệm lại cho âm tính. Vả lại, gia đình bệnh nhân không có ai bị lao, hơn nữa cháu mới 2 tuổi.
Sau đó, có BV chẩn đoán cháu bị giun sán, cho cháu chuyển đến BV truyền nhiễm, nhưng vẫn không có phương pháp điều trị khỏi. Cho tới khi cháu sốt liên tục với diễn biến ngày càng nặng mới được chuyển đến BV Việt Đức. Các bác sĩ phảimổ cấp cứu cháu vì tình trạng rất nguy hiểm do bị viêm phúc mạc và nhiễm trùng, nhiễm độc, thủng đoạn cuối hồi tràng và manh tràng.
TS. Nguyễn Việt Hoa cho biết chị chưa từng gặp một bệnh nhân nào như thế. Bởi mổ ra, trên 1 đoạn ruột chỉ dài 30cm mà có tới khoảng 50 lỗ thủng, đường kích 0,5-1cm. Bác sĩ phải phẫu thuật cắt đoạn hồi manh tràng đưa 2 đoạn ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo. Do ấu trùng đã ăn theo đường máu nên cháu bé vẫn tiếp tục bị giun sán cắn và ruột vẫn có nguy cơ thủng, vì thế, cháu có thể phải phẫu thuật cắt tiếp.
Đây là một ca bệnh hi hữu và rất đặc biệt. Bởi theo TS. Hoa, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đây là trường hợp bệnh nhi 2 tuổi nên khó chẩn đoán. Bệnh ấu trùng giun tròn hay gặp ở trong các tạng, dưới dạng các khối u, rất ít khi gặp trường hợp thủng ruột phải cấp cứu như thế. Do xảy ra ở trẻ con nên rất khó chẩn đoán vì hầu như không ai nghĩ đến, do y văn cũng chưa thấy có.
Khai thác tiền sử bác sĩ phỏng đoán cháu mắc bệnh là do chơi với chó mèo và bị giun sán từ chó mèo lây sang. Nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, chắc chắn nguy hiểm đến tính mạng cháu bé.
Các bác sĩ khuyến cáo: Ký sinh trùng ở người ngày càng giảm, nhưng ký sinh trùng ở chó mèo ngày càng nhiều, do đó không nên chủ quan với bệnh ấu trùng giun tròn, nhất là với trẻ. Nếu vật nuôi không được chăm sóc tốt, ấu trùng lạc vật chủ sẽ lạc vào người gây bệnh. Trong thực tế đã có một số trường hợp người lớn bị ấu trùng đến BV Việt Đức và đều ở giai đoạn muộn, sau khi đã đi rất nhiều BV nhưng không phát hiện ra. Nhiều trường hợp, bệnh nhân đến BV Việt Đức mổ do khối u nhưng thực tế lại là khối áp xe mãn tính do ấu trùng, mà nếu được phát hiện sớm nguyên nhân bệnh do giun sán thì điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn. |