Kingsoft: Từ 'cha đẻ' game Võ Lâm Truyền Kỳ đến cổ đông ít biết của VNG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Có trụ sở tại Bắc Kinh, Kingsoft là 'cha đẻ' của tựa game kinh điển đã làm mưa làm gió khắp Việt Nam những năm 2000s: Võ Lâm Truyền Kỳ - thứ đã tạo dựng nên thương hiệu và vị thế cho Vinagame, tiền thân của VNG hiện nay.

Kingsoft - cổ đông ít biết của VNG
Kingsoft - cổ đông ít biết của VNG

Theo bản cáo bạch của VNG Limited, công ty này dự kiến chào bán 5,6 triệu cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho Kingsoft với giá 1,4867 USD/cp.

Thương vụ trị giá 8,3 triệu USD xuất phát từ một hợp đồng quyền chọn được CTCP VNG (Mã CK: VNZ) – công ty con của VNG Limited – ký với Kingsoft vào năm 2010. Tháng 11/2022, VNG Limited đã đồng ý “thế chân” VNG trong hợp đồng này.

Từ năm 2011, báo cáo tài chính kiểm toán của VNG đã ghi nhận một hợp đồng quyền chọn mua cổ phiếu cho "một nhà cung cấp trò chơi trực tuyến" được ký vào ngày 1/8/2010, với số lượng quyền mua tối đa là 1,85 triệu cổ phiếu, giá bán ấn định ở mức 8,0678 USD/cp.

Thành lập năm 1989, Kingsoft là một công ty phần mềm có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), chuyên nghiên cứu, phát triển và vận hành trò chơi trực tuyến. Công ty này cũng được biết đến là nhà phát triển tựa game Kiếm Hiệp Tình Duyên, tiền thân của Võ Lâm Truyền Kỳ.

Năm 2005, VinaGame (tiền thân của VNG) đã ký hợp đồng với Kingsoft để mang game Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam. Tựa game này đã mang đến “cơn sốt” cho người chơi tại thời điểm đó và tên tuổi VinaGame bắt đầu nổi lên trong làng công nghệ.

Kingsoft cùng với Tencent là những đối tác quan trọng trong hành trình trở thành 'kỳ lân' của VNG.

Bản cáo bạch của VNG Limited cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2022, các tựa game từ hai nhà phát triển Trung Quốc nói trên đã lần lượt đóng góp 30,6%, 40,7% và 29,4% doanh thu cho công ty. Trong nửa đầu năm 2023, con số này là 27%.

VNG Limited thừa nhận, nếu không duy trì được mối quan hệ tốt với những nhà phát triển này, hoặc nếu bất kỳ nhà phát triển nào thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với đối thủ cạnh tranh, họ có thể mất quyền phát hành các trò chơi tại Việt Nam và Đông Nam Á. Điều này có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty.

Mặc dù vậy, VNG Limited tin rằng, ở thời điểm hiện tại, công ty đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Tencent và Kingsoft.

Tuy nhiên, công ty nhận định, nếu Tencent hoặc Kingsoft giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty trong tương lai, họ cũng có thể giảm số lượng game phát hành qua VNG và chuyển qua các nhà phát hành khác.

Trong giai đoạn 2020 – 2022, VNG Limited đã lần lượt báo lỗ 650,6 tỉ đồng, 732,3 tỉ đồng và 2.063,8 tỉ đồng. Trong nửa đầu năm 2023, công ty tiếp tục báo lỗ 651,7 tỉ đồng./.