Lần đầu xác nhận sở hữu của Tencent tại VNG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bản cáo bạch gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) của VNG Limited đã cho thấy tầm ảnh hưởng đáng kể của Tencent trong hoạt động kinh doanh và cơ cấu sở hữu của 'kỳ lân' công nghệ Việt Nam.

Tencent chính thức lộ diện ở VNG
Tencent chính thức lộ diện ở VNG

Như VietTimes đã đưa tin, VNG Limited – cổ đông lớn nhất của CTCP VNG (Mã CK: VNZ) – vừa nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), nhằm chuẩn bị cho việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Trong bản cáo bạch, VNG Limited khẳng định sẽ có quyền kiểm soát về mặt kinh tế đối với pháp nhân tại Việt Nam ngay trước khi bắt đầu IPO, dựa trên số lượng cổ phần sở hữu và các yếu tố khác như độ phân tán, lịch sử biểu quyết của số cổ phần còn lại của VNG.

Theo đó, VNG Limited sẽ trực tiếp nắm giữ 49% vốn VNG nhờ mua lại cổ phần từ các cổ đông nước ngoài. Đồng thời, công ty này cũng sẽ gián tiếp sở hữu 21,3% tỉ lệ lợi ích tại 'kỳ lân' công nghệ Việt Nam thông qua thỏa thuận và quyền kiểm soát của mình tại CTCP Công nghệ BigV (BigV).

Sau IPO, cổ phiếu lưu hành của VNG Limited chia thành 2 loại, là cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B), được phát hành cho 2 nhóm cổ đông riêng biệt, là các cổ đông nước ngoài và ban lãnh đạo của VNG. Mỗi cổ phiếu loại A chỉ tương đương với 1 quyền biểu quyết, trong khi 1 cổ phiếu loại B tương ứng với 10 quyền biểu quyết.

vt-vng-limited.PNG

Đối với cổ phiếu phổ thông loại A, danh sách cổ đông sau IPO của VNG Limited có sự xuất hiện của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Tencent, Ant Group và GIC – quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.

Trong nhóm này, Tencent sẽ là cổ đông ngoại lớn nhất của VNG Limited, với việc sở hữu 65,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ quyền biểu quyết ở mức 23,2%.

Sở hữu của Tencent bao gồm: 43 triệu cổ phiếu của Tenacious Bulldog Holdings Limited (Tenacious Bulldog); 14,5 triệu cổ phiếu của Prosperous Prince Enterprises Limited (Prosperous Prince Enterprises); và 7,5 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành sau khi VNG Limited hoàn tất IPO.

Tenacious Bulldog và Prosperous Prince Enterprises từng xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn của VNG vào năm 2018. Cả hai công ty này, theo VNG Limited, đều được sở hữu và kiểm soát bởi Tencent Holdings.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc được tin rằng đã nắm giữ cổ phần VNG từ nhiều năm nay. VNG cũng từng ghi nhận Tencent Holdings Limited là ‘cổ đông lớn’, song tỷ lệ sở hữu cụ thể không được tiết lộ.

Không chỉ có 'tiếng nói' quan trọng trong cơ cấu sở hữu, bản cáo bạch của VNG Limited cũng cho thấy nhiều dấu ấn của Tencent trong hành trình phát triển của VNG. Tập đoàn này là cái tên đứng sau PUBG - tựa game đình đám được VNG 'đỡ đầu' tại thị trường Việt Nam.

Các cổ đông ngoại là GIC (thông qua Gamvest Pte. Ltd) và Ant Group (thông qua Ant International Technologies (Hong Kong) Holding Limited) lần lượt sở hữu 15,2 và 7,7 triệu cổ phiếu loại A của VNG Limited, tương đương với tỷ lệ quyền biểu quyết lần lượt là 5,4% và 2,8%.

Bên cạnh đó, Seletar Investments Pte Ltd – thành viên của Temasek Holdings (quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore), dự kiến nắm giữ 9,44 triệu cổ phiếu phổ thông loại A, tương đương 3,4% quyền biểu quyết tại VNG Limited.

Trong khi đó, bộ cổ phiếu phổ thông loại B của VNG Limited sẽ do hai nhà sáng lập VNG là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải nắm giữ, lần lượt là 12,6 và 1,68 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ quyền biểu quyết là 45% và 6%. Trong hồ sơ, VNG Limited gọi ông Minh và ông Khải là một 'nhóm cổ đông', đồng nghĩa họ sẽ nắm quyền chi phối tại đây với tổng tỷ lệ quyền biểu quyết là 51% sau đợt IPO./.