Kim Jong Un nắm quyền, Triều Tiên chưa bao giờ “vâng lời” Trung Quốc

Bắc Kinh càng tạo sức ép lên nước láng giềng, mối quan hệ đôi bên ngày càng xấu đi. Và vai trò của Bắc Kinh trong hồ sơ này cũng bị suy giảm dần. Triều Tiên ngày càng tỏ ra “khó bảo”. Người anh cả Trung Quốc dần rơi vào thế khó xử.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un không phải là người dễ sai khiến
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un không phải là người dễ sai khiến

Ngày 6/1/2016, Triều Tiên thông báo thử thành công bom H. Sự thật về bom H của Bình Nhưỡng chưa tỏ tường, nhưng sự việc cũng cho thấy quốc gia này đang có những tiến bộ trong lãnh vực vũ khí hạt nhân. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tỏ ra lúng túng trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, theo tờ Kyungghyang Shinmun, tại Seoul, được Courrier International, trích dịch lại cho rằng, trong vụ việc này, Trung Quốc đang là một trong những nạn nhân chính.

Thứ nhất, sự việc cho thấy là một lần nữa Bình Nhưỡng đã thoát khỏi tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Việc có một hàng xóm sở hữu bom hạt nhân sẽ làm tổn hại đến các lợi ích quốc gia, vốn đòi hỏi phải có một môi trường ổn định.

Thứ hai, ngoài những lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (đưa ra trong phiên họp khẩn cùng ngày tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc), có nguy cơ Hoa Kỳ và Nhật Bản đưa ra các biện pháp đáp trả riêng chống lại Bắc Triều Tiên, cũng như là những quốc gia nào có quan hệ làm ăn với nước này. Nói cho rõ, chính là các doanh nghiệp Trung Quốc phải gánh chịu những hệ quả này.

Thứ ba, dưới áp lực của các đồng minh, Seoul có thể sẽ không còn duy trì lập trường lập lờ như trước nữa về hồ sơ này và sẽ phải đi đến việc chấp nhận quyết định của Washington. Như vậy, có nghĩa là, Trung Quốc sẽ thấy bệ phóng của hệ thống các tên lửa chống tên lửa đạn đạo Thaad, mà Hoa Kỳ muốn thiết lập tại Hàn Quốc sẽ chĩa vào mình.

Thứ tư, vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ còn là một cái cớ để thắt chặt hơn nữa liên minh Mỹ-Nhật-Hàn. Cho đến giờ phút này, nếu nhìn trong toàn cảnh, Bắc Kinh đang trong thế có lợi. Việc chính quyền ông Shinzo Abe cho xem xét lại quá khứ lịch sử (về các trách nhiệm của Nhật Bản trong Thế Chiến hai) đã đẩy Seoul ngày càng xa lánh Tokyo và xích lại gần hơn với Bắc Kinh.

Nhưng giờ thì mối quan hệ Nhật – Hàn một lần nữa sẽ được hàn gắn lại, và sẽ cùng liên kết với Hoa Kỳ. Và như vậy, cả ba nước này sẽ có thể biện minh cho chính sách Châu Á của mình, bao gồm việc thiết lập một thế cân bằng mới trong khu vực gây bất lợi cho Bắc Kinh. Mà việc thiết lập Thaad và hệ thống «vũ khí chiến lược» là một ví dụ điển hình. Tóm lại, đây quả là một mối đe dọa thật sự đối với Trung Quốc.

Cuối cùng, tờ báo cho rằng Bình Nhưỡng càng thử hạt nhân, vai trò của Bắc Kinh trong hồ sơ càng bị suy yếu. Như thường lệ, sau mỗi lần thử, Mỹ lại gây áp lực lên Trung Quốc để rồi nước này phải tạo áp lực với Triều Tiên.

Thế nhưng, Bắc Kinh càng tạo sức ép lên nước láng giềng, mối quan hệ đôi bên ngày càng xấu đi. Và vai trò của Bắc Kinh trong hồ sơ này cũng bị suy giảm dần. Triều Tiên ngày càng tỏ ra “khó bảo”. Người anh cả Trung Quốc dần rơi vào thế khó xử.

Không “vâng lời” Trung Quốc

Theo chuyên gia Shi Yongming của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng có thể làm gì khác trước việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân. Ông nói: «Dù sao đi nữa, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ vâng lời Trung Quốc, nhất là từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền».

Nhật báo Pháp hàng đầu Le Monde đăng trên trang nhất thông tin «Triều Tiên khẳng định sở hữu bom H». Le Figaro đăng ảnh lãnh tụ Bình Nhưỡng ở trang nhất với tựa đề «Vụ khiêu khích mới về nguyên tử của Kim Jong Un».

Libération sau khi đặt câu hỏi «Triều Tiên có thực sự chế tạo được bom H hay không?» đã nhận định «Còn lâu mới răn đe được Bình Nhưỡng». Tương tự, nhật báo Les Echos ghi nhận «Cộng đồng quốc tế gặp khó khăn trong việc đáp trả vụ thử nguyên tử của Triều Tiên».

Bài xã luận của Le Figaro mang tựa đề "Trung Quốc đứng trước thách thức», phân tích khả năng phản ứng của ông anh cả Bắc Kinh trước cậu em cứng đầu Bình Nhưỡng. Lo tập trung đối phó với mối đe dọa khủng bố, tương đối an tâm trước thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran hồi tháng 7 năm ngoái, cộng đồng quốc tế bớt cảnh giác trước nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử. Vụ Triều Tiên cho nổ quả bom vào sáng sớm 6/1 khiến thế giới phải quay lại với nỗi lo thảm họa hạt nhân.

Dù là bom H (tức bom khinh khí, bom nhiệt hạch) hay là bom A (thường gọi là bom nguyên tử), vụ nổ này đã gây ra cú sốc lớn trong một khu vực vốn đang căng thẳng giữa Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và cả hai miền Triều Tiên.

Các chuyên gia không tin vào lời khoe khoang của Bình Nhưỡng là đã làm chủ được kỹ thuật chế tạo bom nhiệt hạch, vì cơn địa chấn tạo thành từ vụ nổ hôm qua lẽ ra phải mạnh hơn nhiều. Nhưng rõ ràng là Triều Tiên có tiến bộ trong lĩnh vực hạt nhân, với khả năng sản xuất ra từ 8 đến 12 đầu đạn nguyên tử loại A và các tên lửa đạn đạo với tầm bắn ngày càng xa hơn.

Pakistan, Iran và một số nước khác đã hưởng lợi từ các cơ sở thí nghiệm nguyên tử bí mật của triều đại họ Kim. Một thập kỷ trừng phạt không có tác dụng gì ngoài những nỗ lực thương lượng có sự tham gia của các nước láng giềng và Mỹ. Người bảo trợ khổng lồ Trung Quốc, một lần nữa bị qua mặt, không giấu được sự bực tức. Nhưng theo Le Figaro, việc lên án ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đủ.

Trung Quốc có thể gây áp lực mạnh lên nước láng giềng nhỏ bé, nhưng lo sợ nếu Triều Tiên bị sụp đổ thì sự hiện diện của Mỹ lại trở thành ngay sát biên giới của mình. Tờ báo Pháp cho rằng Washington cần tháo gỡ bằng cách đề nghị một thỏa thuận khu vực. Những hành động của Bình Nhưỡng sẽ cho thấy liệu Bắc Kinh có sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng ngoại giao tương xứng với sức mạnh kinh tế, vì hòa bình thế giới hay không.

Tờ báo kinh tế Pháp Les Echos nhận xét «Bắc Kinh lên án nhưng không có lợi lộc gì nếu đồng minh Triều Tiên sụp đổ». Một nước Triều Tiên thống nhất và hàng ngàn lính GI trấn giữ gần biên giới – Washington vốn là đồng minh quân sự chủ chốt của Seoul – là một điều mà không bao giờ Bắc Kinh chấp nhận được.

Nhắc lại rằng «kiên quyết phản đối» vụ thử nguyên tử, triệu mời đại sứ để «nghiêm khắc cảnh báo», khuyến khích nên giữ các cam kết…và chỉ có thế. Những từ ngữ không ngăn cản nổi ông Kim ăn ngon ngủ yên. Chính quyền Trung Quốc đã huy động một ít lực lượng ở biên giới Trung-Triều để sơ tán dân cư, nhưng đó là vì sợ nhiễm phóng xạ.

Theo chuyên gia Shi Yongming của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng có thể làm gì khác. Dù sao đi nữa “Triều Tiên chưa bao giờ vâng lời Trung Quốc, nhất là từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền”.

Tờ Libération bình luận, vũ khí hạt nhân luôn là bảo hiểm đối với các nước như Triều Tiên. Khả năng quấy nhiễu đã giúp họ bắt chẹt được thiên hạ, và lãnh tụ họ Kim thế hệ thứ ba biết rõ hơn tất cả. Ông Kim Jong Un có thể sảng khoái thưởng thức tác động của vụ thử bom hạt nhân được tổ chức để mừng sinh nhật lần thứ 33 của mình.

T.H