|
Kiểm toán viên đang làm nhiệm vụ chuyên môn (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet) |
Theo cổng thông tin điện tử của Kiểm toán nhà nước (KTNN), năm 2019, cơ quan này đã thực hiện 212 cuộc kiểm toán. Đến ngày 31/12/2019, toàn ngành đã hoàn thành và phát hành 100% Báo cáo kiểm toán (BCKT) theo kế hoạch kiểm toán năm 2019.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 31/12/2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 10.276 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng.
Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản, gồm 9 Nghị định, 24 Thông tư, 9 Nghị quyết, 40 Quyết định và 72 văn bản khác, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, hạn chế thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
“Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: Thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...” – Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.
Bên cạnh đó, KTNN đã chủ động gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Đại biểu Quốc hội ý kiến đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN năm 2020 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 để Quốc hội xem xét, quyết định.
Năm 2019, KTNN đã cung cấp 82 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng
Trong đó, KTNN đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, KTNN sẽ tổ chức thực hiện 158 cuộc kiểm toán.
KTNN sẽ xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2020 khoa học và hiệu quả, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới các hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp về tuân thủ pháp luật để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành và sử dụng tài chính công, tài sản công; tập trung nhân lực và thời gian phù hợp phân tích, đánh giá các sai phạm, hạn chế, bất cập của chủ trương hoặc lỗ hổng cơ chế, chính sách; đi sâu phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công./.
Theo truyền thông trong nước, 5 vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được cơ quan Kiểm toán xin ý kiến Thủ tướng và chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, bao gồm: Sai phạm quản lý khu đất hơn 5.600 m2 tại Hồ Đống Đa của CTCP đầu tư phát triển Hà Thủy; vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý và sử dụng diện tích gần 3.000 m2 tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội; vụ việc liên quan đến dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày. Hai vụ việc liên quan đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam, là vụ việc của CTCP tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng, nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho các mục đích khác, dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay. Vụ Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Được biết, hiện doanh nghiệp này đã dừng hoạt động, vẫn nợ ngân hàng hơn 30 tỷ đồng./. |