Kiểm soát nghiêm ngặt chip sẽ thúc đẩy Trung Quốc phát triển công nghệ nội địa độc lập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đại diện nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip ASML cho rằng, những biện pháp kiểm soát ngặt nghèo xuất khẩu chip sẽ thúc đẩy Trung Quốc phát triển công nghệ bản địa cạnh tranh với phần còn lại của thế giới.

Giám đốc điều hành ASML Holding NV, Peter Wennink cho biết, những biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ dẫn đầu kiềm chế Trung Quốc có thể thúc đẩy Bắc Kinh phát triển thành công công nghệ nội địa, chế tạo được các máy móc sản xuất chip tiên tiến.

ASML cho biết, kiểm soát chip sẽ thúc đẩy Trung Quốc tạo ra công nghệ bản địa. Video Bloomberg

Ngày 25/1, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News tại trụ sở chính của công ty ở Veldhoven, Hà Lan, Wennink cho biết, các công ty bán dẫn Trung Quốc “phải cạnh tranh” với các đối thủ toàn cầu nên cần muốn mua máy móc không phải của Trung Quốc. “Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc không thể có được những máy móc quan trọng đó, các công ty sẽ tự phát triển. Nghiên cứu và chế tạo sẽ mất thời gian, nhưng cuối cùng Bắc Kinh sẽ đạt được mục đích.”

Lĩnh vực sản xuất bán dẫn đã trở thành chiến trường quan trọng cho cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Washington nỗ lực hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc nhằm kiềm chế Bắc Kinh có được những con chip tiên tiến.

Hà Lan và Nhật Bản, hai quốc gia có các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn chính, đã sẵn sàng tham gia nỗ lực do chính quyền Joe Biden lãnh đạo nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ này sang Trung Quốc, theo tin của Bloomberg.

ASML trong tương lai gần sẽ phải đối mặt với nhiều quy định hạn chế hơn trong hoạt động thương mại với khách hàng Trung Quốc khi Mỹ tiếp tục đưa ra những biện pháp làm suy yếu tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng tự cung tự cấp của Bắc Kinh.

“Các định luật vật lý ở Trung Quốc cũng tương tự như ở mọi nơi,” ông Wennink nói: “Càng đặt Trung Quốc dưới áp lực, thì càng có nhiều khả năng quốc gia này sẽ nỗ lực gấp đôi” trong ý đồ chế tạo các máy in thạch bản, có thể cạnh tranh với ASML.

Tháng 12/2023, Trung Quốc đệ đơn khiếu nại về những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới. Bắc Kinh cho biết, các quy định hạn chế xuất khẩu đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và biện minh bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ có nhiều vấn đề. Trong khi đó, quốc gia này đang tạm dừng những khoản hỗ trợ tài chính lớn để xây dựng ngành công nghiệp chip nhằm cạnh tranh với Mỹ. Điều đó có thể hiểu, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một hướng phát triển mới, tìm giải pháp chủ quyền hóa chuỗi cung ứng nội địa hoàn toàn cho ngành chip Trung Quốc.

Ngay cả khi Hague và Tokyo ​​sẽ sớm đạt được thỏa thuận, các quốc gia này có khả năng sẽ không áp đặt những quy định ngăn chặn rộng rãi như Washington, không chỉ hạn chế xuất khẩu máy móc do Mỹ sản xuất mà còn ngăn cản công dân Mỹ làm việc với các nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Ông Wennink cho biết, những hạn chế về nhân sự là một phần trong các biện pháp mà Mỹ công bố vào tháng 10/2023 đặt ra “tất cả mọi vấn đề có khả năng cho người dân và công ty. Đây là những quy định không phải để cho tất cả vui mừng.” Trung Quốc, thị trường công nghệ lớn nhất thế giới trong tình huống độc lập phát triển có thể trở thành một đối trọng đáng kể trong cuộc cạnh tranh công nghệ với phần còn lại của thế giới trong tương lai.

Trước đó, cùng ngày 25/1, ASML dự báo doanh số bán hàng trong quý đầu tiên tốt hơn mong đợi do nhu cầu mạnh mẽ của các quốc gia khác đối với những máy sản xuất chip tiên tiến của doanh nghiệp.

Theo ông Wennink nói, nhìn chung, những biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ “tạo ra mức độ gián đoạn” việc cung ứng chip trên toàn thế giới, “điều đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển công nghệ và sự đổi mới trong mọi lĩnh vực. Những hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.”

Theo Bloomberg News