|
Ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT có thể gây tác động tới nhiều quốc gia khác (Ảnh: Japan Times) |
Nga mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraine đã khiến Moscow hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, đáng chú ý trong đó là lời kêu gọi ngăn chặn Nga sử dụng hệ thống chi trả hết sức quan trọng của thế giới.
Việc ngắt kết nối Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) có thể khiến cho khả năng giao dịch của nước này với phần còn lại của thế giới bị giảm mạnh, gây nên một đòn chí mạng đối với nền kinh tế của họ.
Tuy nhiên, trong ngày 24/2 vừa qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn quyết định không cấm Nga sử dụng SWIFT mặc dù vẫn để ngỏ khả năng này.
SWIFT là gì, chức năng ra sao?
SWIFT là một mạng lưới được các ngân hàng sử dụng để gửi đi những thông điệp đảm bảo về chuyển tiền và các giao dịch khác. Đây là một hệ thống nhắn tin an toàn giúp thực hiện nhanh chóng các giao dịch xuyên biên giới. Tiêu chuẩn hóa cao khiến SWIFT trở thành hệ thống giao dịch có độ tin cậy, cho phép các ngân hàng xử lý giao dịch khối lượng lớn trong thời gian ngắn.
Hơn 11.000 thể chế tài chính ở gần 200 quốc gia trên thế giới hiện đang sử dụng mạng lưới này, điều giúp nó trở thành “xương sống” của hệ thống giao dịch tài chính quốc tế.
Ai sở hữu SWIFT?
SWIFT là một dạng công ty hợp tác xã (Cooperative Company) theo luật pháp của Bỉ. Trên website chính thức của nó có đoạn nói rằng nó “thuộc sở hữu và được kiểm soát bởi những cổ phần (các thể chế tài chính) đại diện cho xấp xỉ 3.500 công ty trên toàn thế giới”.
Hệ thống này được quản lý bởi các ngân hàng trung ương nhóm G10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và quyền quản lý cao nhất thuộc về Ngân hàng Quốc gia Bỉ.
Mối quan hệ giữa SWIFT và Nga là gì?
Theo Hiệp hội SWIFT Quốc gia Nga, Nga là nước sử dụng hệ thống này nhiều nhất chỉ đứng sau Mỹ, với khoảng 300 thể chế tài chính Nga thuộc về hệ thống này. Hơn một nửa các thể chế tài chính ở Nga là thành viên của SWIFT.
Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng chuyên về khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại hãng Natixis ở Hong Kong (Trung Quốc), nói rằng ngắt Nga khỏi mạng lưới SWIFT được xem là đòn chí mạng đối với đất nước này.
“Đó là điều cực kỳ nghiêm trọng bởi họ sẽ không thực hiện các khoản chi trả nợ hay giao dịch tài chính nữa. Điều này còn nghiêm trọng hơn cả việc cấm EU nhập khẩu khí đốt của Nga” – vị chuyên gia cho hay.
Nga nói gì?
Ông Nikolay Zhuravlev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, trong tháng 1 năm nay cũng thừa nhận có khả năng Nga sẽ bị ngắt kết nối khỏi SWIFT.
“SWIFT là một hệ thống thanh toán, là một dịch vụ. Bởi vậy, nếu Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ, tuy nhiên những bên mua, như các nước châu Âu, sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi – dầu, khí, kim loại và nhiều mặt hàng quan trọng khác. Họ có cần chúng không? Tôi không chắc” – ông Zhuravlev nói, theo TASS.
Ông Zhuravlev cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù SWIFT rất tiện lợi, nhưng nó không phải là cách chuyển tiền duy nhất. Thêm nữa, quyết định ngắt kết nối của Nga với hệ thống này sẽ cần có sự nhất trí đồng loạt của các thành viên của SWIFT.
“SWIFT là một công ty của châu Âu, là một hiệp hội có liên quan tới rất nhiều quốc gia” – ông Zhuravlev nói – “Để đưa ra quyết định như trên, cần phải có quyết định duy nhất mà tất cả các nước tham gia SWIFT đều nhất trí. Tôi không chắc rằng các nước khác, đặc biệt là những nước có hợp tác thương mại đáng kể với Nga, sẽ ủng hộ điều đó.”
Ngắt kết nối Nga với SWIFT có phải lời đe dọa đáng sợ?
Xét về mặt chiến thuật, “lợi và hại của hành động này còn phải đem ra tranh luận”, ông Guntram Wolff, Giám đốc của hãng phân tích Bỉ Bruegel, nói với AFP.
Xét về mặt thực tiễn, việc bị loại khỏi SWIFT đồng nghĩa với việc các ngân hàng Nga không thể sử dụng mạng lưới này để chi trả hoặc nhận tiền từ các thể chế tài chính nước ngoài. Các nước phương Tây từng đe dọa sẽ ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT vào năm 2014, sau sự kiện Crimea trở thành một phần của nước Nga. Tuy nhiên, loại một nền kinh tế lớn như Nga – nước xuất khẩu dầu và khí lớn của thế giới – có thể gây ra những hậu quả to lớn đối với các nước khác.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 24/2 thừa nhận rằng lệnh cấm Nga là rất “nhạy cảm” đối với một số nước EU, bởi quyết định đó sẽ gây ra “tác động to lớn đối với bản thân chúng ta”.
“Nó thực sự sẽ gây ra cơn đau đầu”, Wolff nói, thêm rằng tác động sẽ đặc biệt lớn đối với các nước châu Âu đang có hoạt động thương mại đáng kể với Nga – nước cung ứng 41% khí tự nhiên cho lục địa này.
Ngoài ra, loại Nga khỏi SWIFT có thể khiến nước này đẩy nhanh quá trình phát triển một hệ thống thay thế mới cùng với Trung Quốc hoặc các nước khác, có khả năng ảnh hưởng tới thế thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính.