Khủng hoảng Qatar có thể gây ra đại chiến thế giới mới

VietTimes -- Simon Henderson cho rằng: "Washington cần nhanh chóng hành động, đồng thời ngặn chặn sự phát triển của tình hình hiện nay, đề phòng chu đáo, ngăn chặn bùng phát chiến tranh".
Người dân đi mua thức ăn ở Thủ đô Qatar ngày 6/6/2017. Ảnh: Tân Hoa xã
Người dân đi mua thức ăn ở Thủ đô Qatar ngày 6/6/2017. Ảnh: Tân Hoa xã

Trang tin Sputnik Nga ngày 7/6 cho hay gần đây trên tờ Foreign Policy, nhà nghiên cứu cao cấp Simon Henderson, Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông ở Washington, Mỹ cho rằng tình hình cô lập ngoại giao của Qatar có thể sẽ gây ra Chiến tranh thế giới mới.

Simon Henderson cho rằng "Nhà nước phái Sunni dự định khai chiến với Iran. Trong khi đó, tình hình Qatar có thể chỉ là một cái cớ để họ sử dụng". Đồng thời về bề ngoài, mục tiêu của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là Qatar chứ không phải Iran. Nhưng trên thực tế, trong quan hệ với Tehran, Qatar đã sớm đi ngược lại thái độ thống nhất của các nước Vùng Vịnh.

Ngày 5/6, một loạt các nước Ả rập đã lần lượt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha và chỉ trích Qatar ủng hộ các phần tử khủng bố. Ngoài ra, Riyadh còn tiến hành chính sách cấm bay đối với Công ty hàng không Qatar, đã đóng cảng biển tiếp giáp với Qatar.

Được biết, Tehran đã đề xuất tiến hành viện trợ cho Qatar và đã chuẩn bị tốt cung cấp cho Qatar sử dụng 3 cảng biển. Động thái này của Iran bị Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cho là bằng chứng xác thực của "quan hệ thất tín bội nghĩa" giữa Doha và Tehran.

Simon Henderson cho rằng Washington có thể phát huy vai trò quan trọng trong cục diện nguy hiểm hiện nay. Trong sự kiện này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hiện ở một vị thế có lợi. Trước khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson từng lãnh đạo Công ty Exxon Mobil. Trong khi đó, công ty này là đối tác nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực ngành năng lượng của Qatar.

Simon Henderson cho rằng: "Washington cần nhanh chóng hành động, đồng thời ngặn chặn sự phát triển của tình hình hiện nay, đề phòng chu đáo, ngăn chặn bùng phát chiến tranh".

Trang tin của đài truyền hình CCTV ngày 7/6 cũng cho biết trong tình hình căng thẳng ở Trung Đông hiện nay, các nước như Kuwait, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ đều bày tỏ sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải đối với cuộc khủng hoảng ngoại giao của Qatar. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các nước vùng Vịnh giải quyết bất đồng, duy trì đoàn kết, thể hiện tư thế Mỹ sẵn sàng hòa giải.

Nhà nghiên cứu Lý Thiệu Tiên, chuyên gia vấn đề Trung Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu các nước Ả rập, Đại học Ninh Hạ, Trung Quốc cho rằng Kuwait hiện có vai trò cần thiết, nhưng khả năng hòa giải của họ chưa đủ. Hiện nay, cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến Qatar cần có sự tham gia của Mỹ để thúc đẩy tình hình dịu đi.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 7/6 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông ủng hộ Saudi Arabia và các nước Ả rập khác cô lập hành động “ủng hộ khủng bố” của Qatar. Ông Donald Trump cho rằng phải cắt đứt nguồn vốn “kích động ý thức hệ”.

Tuyên bố của ông Donald Trump gây lo ngại cho Lầu Năm Góc, bởi vì căn cứ ở Qatar đang phối hợp các hành động liên hợp do Mỹ lãnh đạo, bao gồm Iraq, Syria, Afghanistan và các nước đông bắc châu Phi, Trung Đông, Nam Á và Trung Á.