Không riêng Việt Nam, đã có 46 quốc gia, vùng lãnh thổ quyết định hạ lãi suất cơ bản trong năm 2019

VietTimes -- Ngân hàng trung ương tại nhiều nước đang có chung xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mới đây, ngày 20/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định hạ mức lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm 0,05%, xuống mức 4,2%.

Tuy nhiên, PBoC vẫn giữ LPR kỳ hạn 5 năm ở mức 4,85%. Động thái này thể hiện tâm lý lo ngại của các nhà hoạch định chính sách về nguy cơ bong bóng bất đông sản. Chỉ vài ngày trước đó, quyết định hạ tỷ lệ dự trữ 0,5 - 1% của PBoC cũng bắt đầu có hiệu lực.

Kể từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã 2 lần hạ lãi suất và 4 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm kích thích nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại với Mỹ.

Cụ thể, tăng trưởng của Trung Quốc trong Q2/2019 chỉ đạt 6,2%, mức thăng thấp nhất trong 27 năm, dự báo tăng trưởng Q3/2019 tăng trưởng sẽ có khả năng giảm xuống dưới 6%.

Trong bối cảnh kinh tế vừa tăng trưởng chậm lại và chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn đang phức tạp, một số chuyên gia đánh giá nền kinh tế Trung Quốc sẽ cần nhiều hành động từ chính phủ hơn là chỉ nới lỏng chính sách tiền tệ để cải thiện tốc độ tăng trưởng.

Trước Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 hạ lãi suất thêm 0,25%, đưa mức lãi suất của Fed giảm xuống vùng 1,75 - 2%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất trả cho dự trữ bắt buộc vượt mức của các ngân hàng gửi tại Fed cũng được giảm thêm 0,3%.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng mới có quyết định đưa lãi suất hiện hành xuống thấp kỷ lục ở mức âm 0,5%.

Theo thống kê của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngân hàng trung ương các nước đang chung xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Tính đến hết ngày 18/9/2019, có 46 quốc gia, vùng lãnh thổ quyết định hạ lãi suất cơ bản trong năm 2019.

Còn theo CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), chỉ riêng trong tháng 8/2019, trong khối các quốc gia đang phát triển, số các quốc gia cắt giảm lãi suất so với các quốc gia tăng lãi suất, tăng đột biến lên thành 14 nước, nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng 2008.

“Việc đồng thời cùng cắt giảm lãi suất như vậy có thể dẫn tới một cuộc chạy đua giữa các nước” - BSC dự báo.

Tại Việt Nam, ngày 12/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 giảm 0,25% đối với bốn loại lãi suất điều hành: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, và lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, động thái cắt giảm lãi suất điều hành là phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu, và đồng pha với chính sách điều hành tiền tệ của các ngân hàng trung ương chủ chốt. Song, tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành tại Việt Nam sẽ không quá lớn.

Bởi lẽ, việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như Fed hay Ngân hàng Trung ương Châu âu (ECB) là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.

Các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng./.