Theo bài viết của tác giả David Axe, đăng trên National Interest, đây là hai kiến nghị trong một bản nghiên cứu của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), có trụ sở tại Washington, D.C, được Quốc hội Mỹ ủy nhiệm tiến hành vào năm 2018.
Bản báo cáo của CSBA xuất hiện trong thời gian ngắn trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ trước khi bị xóa bỏ. Phóng viên trang Defense News, Valerie Insinna nhanh chóng copy và tóm tắt báo cáo trong một bài viết ngày 20.03.2019.
Nội dung của báo cáo khuyến nghị Không quân Mỹ tăng gấp đôi số máy bay tàng hình tầm xa, cắt giảm mua sắm các máy bay tầm ngắn, không tàng hình, đồng thời phát triển lực lượng máy bay không người lái bằng nguồn chi phí duy tu, bảo dưỡng các máy bay giám sát tuần thám và trinh sát lớn đã lão hóa.
Báo cáo của CSBA trùng nội dung với đề xuất năm 2018 của Không quân Mỹ tăng cường lực lượng từ 312 lên 386 phi đội chiến thuật, nhằm đáp ứng "tái cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc và Nga".
"Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của Không quân là phải cạnh tranh chiến lược, vượt trên ngăn chặn và giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh này bằng phương pháp duy trì một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ, kiên cường, thích nghi nhanh chóng với môi trường tác chiến, tích hợp tốt và hiệu quả với các lực lượng khác, đồng minh và đối tác", bản đề xuất của không quân nhấn mạnh.
Nhưng trong khi đề xuất của Không quân và báo cáo CSBA có một chút khác biệt, chuyên gia chiến lược đề nghị tăng cường các máy bay tầm xa tàng hình, có tổng số lớn hơn nhiều so với yêu cầu của không quân.
Không quân Mỹ muốn phát triển từ 9 phi đội máy bay ném bom năm 2019 đến 14 phi đội vào năm 2025, CSBA khuyên binh chủng không quân ném bom chiến lược này phải tăng thêm 10 đội, nâng tổng số lên 24 phi đội.
24 phi đội máy bay ném bom cần có 20 máy bay ném bom tàng hình B-2, 75 máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược B-52 nâng cấp và 288 máy bay ném bom tàng hình chiến lược mới B-21. Không quân hiện chỉ có kế hoạch mua khoảng 100 chiếc B-21.
Không quân Mỹ đề xuất tăng từ 55 phi đội máy bay tiêm kích đa nhiệm lên đến 62 năm 2025. CSBA cũng muốn lực lượng tiêm kích đa nhiệm có 62 phi đội, có trong biên chế 159 chiếc F-15E, 572 F-16, 186 F-22, 908 F-35 và 282 máy bay chiến đấu tương lai "Penetrating Counter-Air" (PCA) mới.
Không quân Mỹ bắt đầu đưa ra khái niệm về một máy bay PCA năm 2017, đến nay chưa xác định chính thức những yêu cầu kỹ chiến thuật của loại này, cũng không đầu tư vào sự phát triển thiết kế. Bản kiến nghị của CSBA kêu gọi Không quân cần nhanh chóng phát triển máy bay tiêm kích tàng hình tương lại PCA bằng khoản chi phí của F-35 hiện tại, nguyên nhân chính là có khả năng tàng hình nhưng phạm vi hoạt động hạn chế.
Không quân muốn mua hơn 1.700 chiếc F-35, nhưng CSBA chỉ khuyến nghị hơn một nửa số đó và tập trung vào PCA.
Trái ngược với đề xuất của Không quân Mỹ, bản phúc trình Quốc hội của CSBA bác bỏ ý tưởng mua lại các phiên bản nâng cấp mới của những loại máy bay chiến đấu cũ, không có khả năng tàng hình như F-15EX. Lầu Năm Góc buộc Không quân Mỹ phải đưa vấn đề mua sắm F-15EX vào đề xuất ngân sách quốc phòng năm 2020. Những chiếc F-15EX mới sẽ thay thế F-15C và D đã lão hóa của thập niên 1980, chủ yếu thực hiện các cuộc tuần tra thường xuyên trên lãnh thổ Mỹ.
Bản báo cáo của CSBA khuyến nghị. "Không quân Mỹ cần nghiên cứu xem xét việc thay thế những F-15C / D nghỉ hưu bằng các máy bay tiêm kích tàng hình F-35A được sửa đổi làm cầu nối cho hệ thống các máy bay chiến đấu ưu việt hơn nhằm chiếm ưu thế trên không trong tương lai", bài viết của Insinna cho biết.
Không quân nên khai thác sử dụng vài chục máy bay không người lái gián điệp RQ-4 và máy bay do thám có người lái RC-135, khoảng 250 máy bay không người lái tấn công và giám sát, trinh sát tình báo MQ-9. Lực lượng bay này cần bổ sung thêm khoảng 50 chiếc MQ-9, tăng cường các máy bay tình báo, giám sát và trinh sát đường không tàng hình, phát triển và đưa vào khai thác sử dụng các máy bay không người lái chống radar "Penetrating ISR".
Hiện nay Không quân Mỹ đang khai thác sử dụng các máy bay không người lái tàng hình thực. Năm 2013, hai tác giả Bill Sweetman và Amy Butler, tác giả của bài viết trên Aviation Week nhấn mạnh về loại "máy bay không người lái cỡ lớn" RQ-180. Theo các tác giả "Đây là một bước tiến lớn trong việc kết hợp hiệu quả giữa công nghệ tàng hình và khí động học." Theo CSBA, những chiếc drone này sẽ là nền tảng để phát triển các UAV tàng hình với nhiều chức năng chiến thuật khác nhau.
CSBA đề xuất một lực lượng máy bay tàng hình, tầm xa lớn chắc chắn sẽ vô cùng tốn kém. Chỉ riêng máy bay ném bom B-21 có thể tiêu tốn hơn 113 tỷ USD so với kế hoạch mua sắm lại các máy bay ném bom đang khai thác sử dụng.
Đến lúc này, lực lượng Không quân Mỹ không yêu cầu tăng thêm ngân sách ngay cả cho kế hoạch mở rộng được đệ trình Quốc hội. Đề xuất ngân sách năm 2020 của lực lượng chỉ yêu cầu đủ kinh phí để duy trì, nhưng không tăng thêm các phi đội hiện đang hoạt động.
Kế hoạch CSBA là một khuyến nghị đáng chú ý, có thể thay đổi hoàn toàn học thuyết quân sự không quân. Nhưng để kế hoạch này trở thành hiện thực, Không quân Mỹ sẽ phải đưa ra yêu cầu và Quốc hội phải phê duyệt chi tiêu hàng trăm tỷ USD bổ sung trong vài năm tới. Việc tăng cường một nguồn chi tiêu ngân sách khổng lồ trong điều kiện chưa rõ ràng về tình hình thế giới và các yếu tố khách quan khác, dẫn đến một định hướng chiến lược mới rõ ràng sẽ gập phải trở ngại rất lớn từ phía Quốc Hội và Thượng viện. Liệu B-21 có thể trở thành một tương lai mới cho không quân Mỹ, hiện vẫn là một câu hỏi lớn.
David Axe là biên tập viên quân sự của The National Interest, tác giả của nhiều bài phân tích trên trang War Fix, War Is Boring và Machete Squad.