Chiếc phi cơ chiến đấu thuộc Lực lượng không quân phòng vệ Nhật Bản (JASDF), một trong số những mẫu hiện đại nhất thế giới hiện nay, đã biến mất khỏi màn hình radar trong lúc thực hiện một nhiệm vụ cùng 3 chiếc F-35 khác phái Bắc Nhật Bản vào ngày 9/4. Không có thông báo nào cho thấy phi công của nó, Đại tá Akinori Hosomi, gặp vấn đề gì trước khi bị mất liên lạc.
Hôm đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay ông Hosomi, phi công 41 tuổi có kinh nghiệm 3.200 giờ bay, đã điều khiển mẫu phi cơ tàng hình lao xuống biển trong một nhiệm vụ huấn luyện ban đêm. Nguyên nhân là do phi công bị "mất định hướng không gian" - Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây công bố.
Mất định hướng không gian được xác nhận là "một tình trạng mà trong đó phi công không thể cam nhận chính xác vị trí, độ cao, hay chuyển động của máy bay" - theo một nghiên cứu mà JASDF đăng tải trên Tạp chí Military Medicine năm 2009. Tình trạng này càng tồi tệ hơn vào ban đêm, mà theo báo cáo trên thì có tới 12% các vụ tai nạn hàng không quân sự xuất phát từ tình trạng này.
Ông Hosomi - người đang dần hồi phục sau vụ tai nạn - vẫn nói chuyện bình thường với đài kiểm soát dưới mặt đất chỉ vài giây trước khi vụ tai nạn xảy ra - theo Bộ Quốc phòng Nhật. Thời điểm đó, chiếc phi cơ này đang ở độ cao 9.000 m thì bất ngờ giảm độ cao với vận tốc 1.000 km/giờ. Khoảng thời gian từ lần liên lạc cuối cùng của phi công cho tới lúc đài kiểm soát dưới mặt đất mất liên lạc chỉ khoảng 15 giây. Viên phi công được tin là đã mất nhận thức do máy bay lao xuống với tốc độ cao, và thậm chí không hề biết về thực tế đang diễn ra.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần, Bộ Quốc phòng Nhật cho hay các phi công của họ sẽ được tăng cường huấn luyện về cách xử lý với tình trạng mất định hướng không gian.
Chiếc F-35 gặp nạn là 1 trong số 13 chiếc tương tự đang hoạt động trong thời điểm xảy ra vụ tai nạn. 12 chiếc còn lại sau đó đã hạ cánh an toàn. Tất cả phi cơ F-35 của nước này sẽ phải trải qua một kỳ kiểm tra kỹ thuật và hệ thống điện tăng cường - Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cho hay. Tất cả sẽ trở lại hoạt động như bình thường sau khi JASDF hoàn tất thủ tục kiểm tra và huấn luyện tăng cường cho phi công.
Được biết, khi mẫu F-35 gặp nạn, nhiều người lo ngại rằng công nghệ của Mỹ có thể rơi vào tay người Nga hoặc Trung Quốc nếu như xác của nó được trục vớt từ đáy biển. Nhiều phần thuộc cánh đuôi đứng của chiếc máy bay này đã được trục vớt ngay sau vụ tai nạn, và vào đầu tháng 5, nhiều mảnh của bộ ghi dữ liệu bay, phần vòm kính che buồng lái đã được trục vớt. Tuy nhiên, phần thân của máy bay vẫn chưa được tìm thấy. Giới chức Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng nó có thể đã được Nga hoặc Trung Quốc trục vớt.
Đã đặt đơn hàng mua 147 chiếc F-35 của Mỹ - mỗi chiếc có giá hơn 100 triệu USD - Nhật Bản đang hy vọng rằng mẫu máy bay này sẽ trở thành chủ lực cho lực lượng không quân của họ trong nhiều thập kỷ tới. Giới chức nước này vẫn tin tưởng vào chương trình F-35, dù xuất hiện vụ tai nạn vừa qua.