Không phải "chỉ tiêu tiền", mà hoạt động văn hóa có thể đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhắc tới thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng nếu có được thể chế, chính sách và thực hiện tốt, hoạt động văn hóa có thể đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia.
Theo ông Võ Văn Thưởng, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải kế thừa hồn cốt, đồng thời, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
Theo ông Võ Văn Thưởng, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải kế thừa hồn cốt, đồng thời, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.

Tại hội thảo có chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" diễn ra hôm nay, 17/12, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Thể chế, chính sách đúng đắn sẽ khơi thông nguồn lực to lớn.

Văn hoá chưa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Thường trực Ban Bí thư phân tích, nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đã là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu được chú trọng. Các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một trong những điểm nghẽn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Việc lựa chọn chủ đề và cách thức tổ chức Hội thảo cho thấy cách tiếp cận đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Quốc hội trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi.

Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội, tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tính tích cực xã hội của nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa...

Theo ông Võ Văn Thưởng, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.

Hơn thế, thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", lồng ghép "lợi ích nhóm"

Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm.

Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; kiên quyết chống tiêu cực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong pháp luật, chính sách.

Trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; phải bình tĩnh, nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận, nhưng cũng không được bỏ qua hoặc để chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển.

Những vấn đề đã rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn, có sự thống nhất cao thì xây dựng, ban hành luật, chính sách.

“Đặc biệt trong vấn đề văn hóa thì độ nhạy cảm, ý kiến xã hội về vấn đề này đôi lúc rất khác nhau, nếu chúng ta không bình tĩnh, không chắc chắn thì cũng dễ dẫn tới sự dễ dãi, nôn nóng, rồi cơ chế chính sách được hình thành không đảm bảo chất lượng” – Thường trực Ban Bí thư lưu ý.

Không chỉ thu hút sự theo dõi của các cơ quan, nhân dân và cử tri cả nước, hội thảo Văn hoá 2022 thu hút sự quan tâm của cả các tổ chức, chuyên gia nước ngoài.

Không chỉ thu hút sự theo dõi của các cơ quan, nhân dân và cử tri cả nước, hội thảo Văn hoá 2022 thu hút sự quan tâm của cả các tổ chức, chuyên gia nước ngoài.

Phát triển văn hóa không chỉ từ nguồn lực của nhà nước

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của nhà nước, mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Vì thế, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Bên cạnh chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, Nhà nước phải tăng cường nguồn lực vật chất cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng kinh tế; nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời phải khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa".

Nhắc tới thực tiễn, kinh nghiệm thế giới, ông Võ Văn Thưởng cho rằng nếu có được thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không chỉ là "tiêu tiền" mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia.

Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa.