Trao đổi tại Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai với chủ đề "Chấn hưng văn hoá - nền tảng phục hồi và phát triển nền kinh tế bền vững" diễn ra sáng nay 3/12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp được xem như "trái tim của nền kinh tế", đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Đặc biệt, cũng theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng. Và trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người là trái tim, khối óc của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng.
Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp.
Chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường. Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lỗi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng.
Người đứng đầu Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch khẳng định đây chính là yếu tố nền tảng tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó cũng chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đang ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Những gì các doanh nghiệp và doanh nhân đóng góp cho đất nước là điều chúng ta rất tự hào. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Ông Hùng nhấn mạnh: Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hoá dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao chứng nhận cho 24 doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam. |
“Chính vì vậy, Việt Nam cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới.
"Mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả ‘sức mạnh mềm’ của Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (BTC 248) - cho biết: Dù mới triển khai một thời gian ngắn nhưng Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định sự cần thiết đối với hoạt động kinh doanh nói riêng và sự phát triển toàn diện của từng doanh nghiệp.
"Hoạt động không chỉ mang tính chất tôn vinh mà còn nhằm phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp, từ đó lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước", ông Tuấn cho hay.
Ông Hồ Anh Tuấn cho biết thêm: Có nhiều cách thức mà các doanh nghiệp đã vận dụng, sáng tạo để triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và báo chí.
Tại Diễn đàn đã diễn ra toạ đàm "Vai trò của nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hoá kinh doanh Việt Nam" |
Đề xuất bổ sung tiêu chí về việc đóng góp vào sự thịnh vượng chung
Trao đổi tại diễn đàn, Kiến trúc sư Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - tha thiết kiến nghị Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam bổ sung vào Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam tiêu chí đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thế giới, cũng như bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.
Theo ông Hải, cần bổ sung 3 chỉ tiêu:
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp trong việc phát minh, sáng chế các sản phẩm và dịch vụ chất lượng vượt trội, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, phù hợp với các chỉ tiêu ESG (Environmental, Social, and Governance) cũng như xu hướng kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) của thế giới để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, phục vụ hiệu quả cho người tiêu dùng toàn cầu.
Thứ hai, trong phát triển sản xuất kinh doanh ở bất cứ quốc gia nào doanh nghiệp luôn quan tâm và có hành động cụ thể trong việc bảo tồn, tôn tạo di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia đó; có nhiều sáng kiến chung đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.
Thứ ba, qua hoạt động giao thương quốc tế doanh nghiệp lan tỏa văn hóa kinh doanh đặc sắc của Việt Nam, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng nhân hậu, đức hy sinh của người Việt Nam ra thế giới; đóng góp tích cực vào việc đem lại hòa bình cho nhân loại, có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của một đại sứ văn hóa và đại sứ hòa bình cho Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam - trao hoa cảm ơn những đóng góp của ông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia và bà Phạm Thu Hương - đại diện Hội đồng thẩm định xét chọn Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam. |
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức đã tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt.
Cùng chung quan điểm về định hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, bà Hà Thị Thu Thanh – Chủ tịch Deloitte Việt Nam - cho rằng, để phát triển liên tục và bền vững, doanh nghiệp cần củng cố và xây dựng nền móng văn hóa kinh doanh vững và sáng. Văn hóa kinh doanh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng dẫn dắt sự tồn tại và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, và tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Thực thi trách nhiệm xã hội thể hiện cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp trong sự đồng hành cùng xã hội – đây là một thành tố để đo giá trị cống hiến của các doanh nghiệp với cộng đồng, đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố phát triển kinh tế gắn với tuân thủ, đạo đức kinh doanh, với sự phát triển an toàn của cộng đồng xã hội và giảm tác động tới môi trường.
"Đó là những minh chứng sinh động cho thấy rằng, trách nhiệm xã hội cũng là một nét đẹp của đạo đức doanh nhân, của văn hóa kinh doanh gắn với phát triển bền vững trong nền kinh tế" - Chủ tịch Deloitte Việt Nam nêu quan điểm.
Các tiêu chí, nhóm tiêu chí về Văn hóa kinh doanh Việt Nam
Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm 5 điều kiện bắt buộc: Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; Không nợ lương và BHXH của người lao động; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm pháp luật.
Các tiêu chí đánh giá mức độ đáp ứng của từng doanh nghiệp đối với Bộ tiêu chí gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.