Không nên cho trẻ em tiếp xúc quá sớm với điện thoại thông minh

VietTimes -- Ngày nay, không ít bậc phụ huynh đã cho con cái của họ tiếp xúc sớm với điện thoại thông minh. Thậm chí, không ít người còn tự hào nói rằng con cái họ tuy chưa biết chữ nhưng đã biết chơi game trên điện thoại. Không ít người còn coi điện thoại thông minh là thứ để trẻ em bớt quấy rầy, giúp cha mẹ có thời gian làm việc khác. 
Không nên cho trẻ em tiếp xúc quá sớm với điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ảnh: Tiền Phong
Không nên cho trẻ em tiếp xúc quá sớm với điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ảnh: Tiền Phong

Theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, không chỉ tác hại đến sức khỏe, điện thoại di động còn làm trẻ chậm phát triển trí tuệ. Tiếp xúc nhiều với điện thoại, trẻ sẽ mất đi khả năng giao tiếp, không muốn đi chơi mà chỉ cần đến điện thoại. Tình trạng trẻ sử dụng quá nhiều thời gian vào điện thoại có tác động tiêu cực hơn là những tích cực như nhiều người kỳ vọng. Trẻ nhỏ sử dụng thiết bị thông minh là mối quan ngại toàn cầu. Vì thế, cha mẹ nên có những thỏa thuận với con, ví dụ trẻ nhỏ thì chỉ được sử dụng 10-15 phút mỗi ngày thôi chứ không phải cho con muốn sử dụng bao nhiêu lâu cũng được.

Còn theo TS Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, trẻ em đủ 13 tuổi trở lên mới cho tiếp cận với máy tính và internet vì ở tuổi này, tâm lý trẻ mới phát triển ổn định. Nếu cho trẻ tiếp xúc quá sớm thì chúng sẽ không tiếp thu lời bố mẹ, giảm năng lực đối thoại với người thân, giao tiếp xã hội cũng sẽ khép kín, như vậy thì trẻ có xu hướng độc thoại, dẫn đến tự kỷ.

Mối lo ngại này của các chuyên gia xã hội học là hoàn toàn có lý. Thực tế là ngay chính ông chủ mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg cũng phải hạn chế cho con mình tiếp xúc với Internet và chính ông cũng đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ trên toàn cầu nên làm như vậy. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thay vì giao cho trẻ điện thoại thông minh để chúng khám phá thế giới ảo, các bậc cha mẹ nên quan tâm để trẻ tham gia các trò chơi vận động thân thể. Trẻ em cần được phát triển trí tuệ và thể lực một cách toàn diện và không thể để trẻ lệ thuộc quá sớm vào công nghệ.