Không hối hận
|
Tổng thống Bill Clinton thể hiện sự hối hận sâu sắc sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện thông qua điều khoản luận tội ông (Ảnh: AFP)
|
Sau khi bị Ủy ban Tư pháp Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội, Tổng thống Bill Clinton đã nhanh chóng tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng để thể hiện "sự hối hận sâu sắc" vì những hành động sai lầm mà bản thân gây ra và cầu xin sự tha thứ.
"Điều mà tôi muốn người dân Mỹ biết được, điều tôi muốn Quốc hội biết, là tôi cảm thấy cực kỳ hối hận vì tất cả những sai lầm mà tôi đã mắc phải, cả trong lời nói và hành động" - ông Clinton phát biểu.
Đó là vào năm 1998. Và ngay trong ngày hôm sau đó, tờ New York Times đã đăng tải một hàng chữ lớn trên trang bìa của họ, có nội dung: "Ủy ban đã bỏ phiếu thông qua luận tội; Clinton hối hận nhưng chỉ để chuốc thêm chỉ trích".
21 năm kể từ thời điểm đó, cũng cùng một ủy ban của Hạ viện một lần nữa bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội Tổng thống. Nhưng lần này, người đàn ông phát biểu tại Phòng Bầu dục lại đưa ra một thông điệp khác hẳn.
"Đây là một âm mưu" - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước báo giới, sau khi Hạ viện thông qua 2 điều khoản luận tội ông - "Đây là thứ đáng lẽ không nên được cho phép và nó là thứ tồi tệ cho đất nước chúng ta...Tôi đã thấy rằng đảng Dân chủ và ủy ban này đang tự biến họ thành trò hề".
Hướng tiếp cận của ông Clinton và ông Trump trước tiến trình luận tội nhằm vào họ dường như đã làm phơi bày một yếu điểm của thứ vũ khí tối thượng mà Hạ viện sử dụng để chống lại các hành động sai trái của Tổng thống. Như trong trường hợp của ông Trump, thay vì mục đích ngăn chặn hành động xấu, các điều khoản luận tội dường như càng thúc đẩy ông Trump tiếp tục hành vi sai trái của mình.
Đã chơi...chơi đến cùng
|
Sứ mệnh của ông Giuliani, luật sư riêng của ông Trump, ở Ukraine vẫn chưa kết thúc (Ảnh: AP)
|
Cụ thể, nhiệm vụ chính trị của ông Trump tại Ukraine thực tế là vẫn chưa kết thúc. Mới đây, ông còn có lời mời luật sư riêng Rudy Giuliani - người đang là tâm điểm trong quá trình luận tội của đảng Dân chủ - tới Nhà Trắng, chỉ vài ngày sau khi ông Giuliani trở về từ Kiev, Ukraine.
Và sẽ sớm đến lúc mà đảng Dân chủ hết công cụ để trừng phạt Tổng thống. Và ông Trump thậm chí sẽ không công nhận tính hợp lệ của một trong số hai điều khoản luận tội - nhờ vào những thông tin "đáng giá" mà ông Giuliani thu được trong chuyến đi Kiev.
"Chúng tôi như đang trong một vùng biển vô định. Tôi còn không biết điều gì sẽ xảy ra" - một thành viên của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, thú nhận - "Nếu việc luận tội không còn là một công cụ ngăn chặn hữu hiệu...nó sẽ làm thay đổi trật tự hiến pháp về mặt cơ bản".
Hiện tại, công cụ luận tội của phe Dân chủ không những không làm ông Trump nản lòng, mà còn khiến ông có thêm động lực trong việc tìm sự hỗ trợ từ nước ngoài để bôi nhọ các đối thủ chính trị của ông - trong đó có cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Trong chuyến thăm Ukraine mới đây của ông Giuliani - ngay trong giai đoạn cao điểm của quá trình luận tội - vị luật sư này đã kết giao với các cựu công tố viên của Ukraine mà Bộ Ngoại giao Mỹ xem là nhân tố xấu, và thậm chí còn khai thác thêm thông tin từ họ nhằm có cớ biện minh cho hành động mở cuộc điều tra nhằm vào các đối thủ chính trị của ông Trump.
Các cựu công tố viên này - Viktor Shokin và Yuriy Lutsenko - từng được 17 nhân chứng xuất hiện trong các phiên điều trần luận tội Trump mô tả là "kẻ xấu", và đã bị mất chức vì tung đòn trả đũa nhằm vào các quan chwucs Mỹ - trong đó có ông Biden, người lên tiếng ủng hộ việc sa thải họ.
Chuyến thăm của ông Giuliani thậm chí khiến nhiều đồng minh thân cận nhất của ông Trump trong Quốc hội phải bất ngờ, bởi họ cho rằng hành động của vị luật sư này ở Ukraine sẽ chỉ khiến phe Dân chủ tập trung hơn vào hành động đã khiến ông Trump bị luận tội.
"Thật kỳ lạ là ông ta tới đó" - Nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz nói với ABC News - "Và thật kỳ lạ là ông ta tới đó ngay trong thời điểm này".
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Whip Steve Scalise hồi tuần trước cũng nói trước báo giới rằng ông không hiểu nổi tại sao ông Giuliani lại tới Ukraine.
Không nao núng
|
Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky trong một cuộc gặp (Ảnh: Vox)
|
Lạ hơn nữa là bản thân ông Trump không hề nao núng. Ông nói với báo giới hồi cuối tuần trước rằng ông mong đợi ông Giuliani trở về và trưng ra bằng chứng ông thu được trước Bộ Tư pháp và Quốc hội Mỹ. "Ông ta nói rằng đã có rất nhiều thông tin tốt" - ông Trump nói.
Trên thực tế thì ai cũng biết rằng Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát luận tội ông Trump chính là do việc ông phối hợp với Giuliani để ép lãnh đạo Ukraine mở cuộc điều tra ông Biden và đảng Dân chủ.
Phe Dân chủ tại Hạ viện cho rằng ông Trump lợi dụng một nước đồng minh đang có chiến sự với Nga hòng thu về lợi ích chính trị cá nhân. Ông ủy thác cho luật sư Giuliani tới gặp các quan chức cấp cao của Ukraine và gây sức ép để họ mở cuộc điều tra nhằm vào ông Biden, thậm chí đưa ra thuyết âm mưu rằng chính Ukraine, chứ không phải Nga, đã hack máy chủ của đảng Dân chủ vào năm 2016.
Tổng thống Trump cũng trực tiếp yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở các cuộc điều tra đó trong cuộc điện đàm ngày 25/7. Đảng Dân chủ nói rằng bằng chứng mà họ nắm được cho thấy ông Trump còn từ chối đề nghị tới thăm Nhà Trắng của ông Zelensky, và chỉ cho phép điều này nếu ông Zelensky mở cuộc điều tra theo mong muốn của ông.
Đảng Dân chủ cũng nói rằng, ông Trump đã "đóng băng" khoản viện trợ quân sự 391 triệu USD cho Ukraine để gây sức ép. Cuối cùng, phe Dân chủ ở Hạ viện quyết định đưa ra 2 điều khoản luận tội: Lạm dụng quyền lực để thu lợi các nhân và Cản trở Quốc hội trong quá trình điều tra.
Phe Dân chủ chờ đợi trong lo lắng
|
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler tuyên bố thông qua 2 điều khoản luận tội Trump (Ảnh: Politico)
|
Đảng Cộng hòa đã tìm cách lật lại trường hợp luận tội của Tổng thống Bill Clinton để phản bác lại đảng Dân chủ; tuy nhiên đảng Dân chủ cho rằng các cáo buộc mà ông Trump đang đối diện nghiêm trọng hơn nhiều so với ông Clinton - nói dối và cố gắng che đậy mối tình vụng trộm với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky.
Và khác khẳng với ông Clinton, ông Trump không thể hiện sự hối hận và còn khẳng định rằng ông chả làm điều gì sai trái. Đối với đảng Dân chủ, điều này chính là lý do mà họ muốn luận tội ông.
"Nếu chúng ta không thúc đẩy các điều khoản luận tội thì không khác gì chúng ta đang gửi một thông điệp cho Tổng thống Trump cũng như các đời Tổng thống trong tương lai rằng: Nếu bạn đang gặp khó trong việc tái tranh cử, hãy viện tới sự hỗ trợ từ thế lực nước ngoài - Iran, Trung Quốc, Nga - và tìm kiếm sự hỗ trợ" - nghị sĩ đảng Dân chủ David Cicilline nói.
Thế nhưng, ông Cicilline cùng nhiều đảng viên Dân chủ khác lo ngại rằng, gửi đi thông điệp đó để rồi ông Trump lại được Thượng viện tha bổng sẽ càng khiến đảng Dân chủ rơi vào khó khăn. Đó là con dao hai lưỡi. Đó là lý do vì sao các nhà lập pháp đảng Dân chủ đang rất hồi hộp chờ đợi giai đoạn tiếp theo của quá trình luận tội.
Thời điểm hiện tại, Ủy ban Tư pháp Hạ viện chỉ mong muốn quá trình luận tội diễn ra suôn sẻ và đồng thuận như cách đây 20 năm, với trường hợp của Tổng thống Bill Clinton.
Lúc bấy giờ, New York Times đưa tin rằng, bất chấp nhiều bất đồng sâu sắc, các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp vẫn thảo luận về quá trình luận tội với thái độ hòa nhã và thấu hiểu lẫn nhau. Trong một khoảng khắc căng thẳng, một đảng viên Cộng hòa còn chuyển một mẩu giấy cho đồng nghiệp đảng Dân chủ, có nội dung: "Đừng lo lắng, đây là một đất nước mạnh mẽ".
Nhưng ngày nay, thậm chí một chút ít thái độ hòa nhà giữa hai đảng cũng không có.
Đảng Cộng hòa đã bùng nổ trong phẫn nộ khi đảng Dân chủ quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu cuối cùng về điều khoản luận tội Trump trong đêm hôm thứ Năm vừa qua, chuyển sang sáng hôm thứ Sáu. Và ngay sau khi bỏ phiếu trong sáng thứ Sáu, các thành viên mỗi đảng nhanh chóng rút về trụ sở của họ.
Khi họ trở lại làm việc vào sáng đầu tuần sau, giai đoạn tiếp theo của quá trình luận tội Tổng thống Mỹ lại bắt đầu.