Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu:

Không để tình trạng “con hát mẹ khen hay” trong đánh giá nhân lực y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng các trường Đại học Y Dược thuộc Bộ Y tế về việc đào tạo nhân lực y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Không để xảy ra tình trạng “con hát mẹ khen hay” - bác sĩ ra trường đều được hành nghề như nhau.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh:  Vũ Mạnh Cường)
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)

Sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi của các Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng các trường Đại học Y Dược thuộc Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh quan điểm trong của ngành y tế hiện nay là đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Một trong những lĩnh vực được lựa chọn đổi mới đầu tiên là nhân lực ngành y tế.

Ông Long cho hay, thực hiện đổi mới đào tạo nhân lực để ngành y tế phát triển ngang bằng các nước trong khu vực và các nước trên thế giới theo Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngành y tế xác định lấy việc thi cấp chứng chỉ hành nghệ là khâu đột phá để nâng cao chất lượng. Trong giai đoạn đầu, có thể ở mức độ khó vừa phải để nhưng giai đoạn sau sẽ siết chặt, độ khó ngang với thì chứng chỉ hành nghề ở các nước tiên tiến.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy)
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy)

“Nếu không đổi mới nhân lực thì ngành y tế không thể vươn cao, tiến xa. Việc đổi mới nguồn nhân lực ngành y tế là cả 1 quá trình lâu dài, không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Vì vậy, trong quá trình thực hiện đổi mới đào tạo nhân lực toàn diện, các trường Đại học Y Dược phải xác định không cạnh tranh với nhau, mà phải cạnh tranh các trường y khoa trên thế giới. Không thể “con hát mẹ khen hay”, bác sĩ tốt nghiệp các trường ra đều được hành nghề như nhau. Về lâu dài, điểm thi cấp chứng chỉ hành nghề sẽ là căn cứ để các bệnh viện tuyển chọn nhân lực” – ông Long nhấn mạnh.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cấp chứng chỉ hành nghề có liên quan hội đồng y khoa. Hội đồng này sẽ hình thành toàn bộ hệ thống ngân hàng câu hỏi, đề thi. Mỗi một câu hỏi sẽ có kỹ năng thực hành đi kèm. Bên cạnh việc phát triển ngân hàng câu hỏi, các trường phải xây dựng các tài liệu hướng dẫn đi kèm.

Quyền Bộ trưởng chia sẻ, tại các nước như Úc, Mỹ, muốn hành nghề, nhân viên y tế phải thi cấp chứng chỉ, trong khi bằng Đại học chỉ là một căn cứ. Tới đây, Bộ Y tế sẽ quyết liệt trong công tác thi cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu người nước ngoài muốn được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải thành thạo tiếng Việt.

Đáng chú ý, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề y tế sẽ được thực hiện sớm không đợi đến năm 2030 mà sẽ được thực hiện khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi chính thức có hiệu lực.