Thông tin trên được ThS. Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam – cho biết tại buổi tọa đàm “Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch COVID-19” do Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức vào sáng nay (5/8).
Điều dưỡng có nguy cơ mắc COVID-19 cao
Theo ThS. Phạm Đức Mục, điều dưỡng viên là đội quân chính của ngành y tế Việt Nam. Công việc của điều dưỡng đóng vai trò quan trọng để hậu thuẫn cho công việc chuyên môn của các bác sĩ.
Thực tế, khi các bệnh nhân mắc COVID-19 phải cách ly, điều trị đều không có người thân bên cạnh nên các cán bộ điều dưỡng đã trở thành gia đình thứ 2 của người bệnh, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân để họ yên tâm điều trị.
Do tính chất công việc phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, phục vụ dài ngày, nhiều giờ, làm các thủ thuật đặc biệt nên điều dưỡng viên là những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao. “Sức khỏe của các bác sĩ, điều dưỡng không phải là tài sản riêng của họ mà là tài sản chung của cả ngành y tế. Nếu điều dưỡng bị bệnh, không có sức khỏe thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt, ngành y tế thiếu nhân lực để phục vụ người bệnh.” – ông Mục nói.
ThS. Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam (Ảnh: Minh Nhật)
|
Trước mắt, ngành y tế đang phải đương đầu với nhiều thách thức. Trong làn sóng dịch thứ 2 mới chỉ có hơn 200 người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng đã bắt đầu xuất hiện sự thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Y tế đã điều những cán bộ giỏi đến Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã kêu gọi những tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Định, Bình Thuận,… để gửi các bác sĩ đến hỗ trợ, chi viện cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu sắp tới có thêm ca bệnh mới thì sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế.
Để chuẩn bị cho trường hợp nhiều ca mắc COVID-19, ông Mục đề nghị các tỉnh, thành phố chưa có dịch nên dành thời gian để đào tạo, chuẩn bị cho nguồn điều dưỡng được trang bị năng lực chuyên môn về hồi sức cấp cứu để chăm sóc bệnh nhân.
Đến nay đã có 14 cán bộ y tế mắc COVID-19 chiếm tỷ lệ khoảng 6% trong số các ca mắc mới. Điều này chứng tỏ đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế đang phải từng ngày, từng giờ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm.
Những chiến sĩ áo trắng không hề đơn độc
Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin có 14 cán bộ y tế mắc COVID-19, Công đoàn ngành Y tế đã hỗ trợ mỗi đoàn viên 2 triệu đồng và huy động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi cán bộ 2 triệu đồng.
Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng đã hỗ trợ bằng quỹ xã hội từ thiện 50 triệu đồng cho các cán bộ bị cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng, 50 triệu đồng tới Bệnh viện Trung ương Huế - nơi đang điều trị cho 25 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Công Đoàn Y tế Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo công đoàn y tế các tỉnh, thành phố thực hiện 8 nội dung mà cán bộ y tế phải thực hiện trong Chỉ thị 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hỗ trợ, bảo hộ, khen thưởng.
Biện pháo bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 là chủ đề được các chuyên gia đặc biệt quan tâm (Ảnh: Minh Thúy)
|
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ: “Việc cán bộ y tế phải bị cách ly là điều không ai mong muốn. Khi cách ly, các cán bộ y tế cũng vô cùng hoang mang, lo lắng. Đáng ra họ sẽ đang là những người cầm súng ra trận nhưng khi cách ly họ không thể cầm súng, không được cống hiến và phải sống xa gia đình.”
Chính vì thế, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh sẽ làm hết sức có thể để chia sẻ với các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống COVID-19. Dù không thể thực hiện khám chữa bệnh, nhưng ngay bên trong khu cách ly các cán bộ, nhân viên y tế vẫn có thể làm việc, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế để đẩy lùi dịch bệnh.
Kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng
Đánh giá về tình hình dịch tại Việt Nam và công tác phòng chống dịch của Việt Nam so với thế giới, TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - cho biết, hiện nay trên thế giới đang phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Sau khi thực hiện giãn cách các quốc gia này đã kiểm soát được lây nhiễm.
Đối với các ca mắc COVID-19 mới phát hiện tại Đà Nẵng, TS. Kidong Park cho rằng: “Số ca mắc COVID-19 thấp và ít không có nghĩa là dịch không còn lây lan. Bởi có những ca nhiễm có thể không có biểu hiện ra bên ngoài. Đại dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt ngay nên tất cả người dân cần cảnh giác.
“Hiện, một số bệnh viện ở Đà Nẵng đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Qua hệ thống giám sát đã phát hiện các ca bệnh nhưng có những ca bệnh chưa phát hiện có thể đang ở trong người nhà bệnh nhân hoặc các cán bộ y tế” – TS. Kidong Park nói.
Nhân viên y tế tại khu vực cách ly đặc biệt (Ảnh: Minh Thúy)
|
Thông tin về biện pháp tránh lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên y tế, ThS. Phạm Xuân Thành - Phó trưởng phòng Cục quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế - cho hay: Quy trình phòng chống lây nhiễm cho cán bộ nhân viên y tế đã được triển khai trước đó ở các bệnh viện. Để tránh lây nhiễm, nhân viên y tế cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, thực hiện mặc đồ bảo hộ, để tránh sự xâm lấn cũng như không phát tán mầm bệnh.
Theo ông Thành, nhân viên y tế phải tuân thủ đúng quy định, tất cả các vật phẩm điều trị cần được xử lý riêng, có cảnh báo các chất thải lây nhiễm để trong thùng màu vàng. Đặc biệt, đối với rác thải của bệnh nhân mắc COVID-19 chỉ được chứa tới 3/4 thùng và buộc kín trước khi đi xử lý, đồng thời, thực hiện phân loại rác tại nguồn, di chuyển rác từ phòng đến khu lưu giữ ở một thời điểm nhất định, ít có bệnh nhân và người nhà qua lại.
Việc vận chuyển đến khu lưu trữ cần phải sử dụng phương tiện chuyên biệt, có nắp đậy, tất cả rác thải này phải được xử lý hàng ngày.
Đối với thi hài của người mắc COVID-19 phải đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình vận chuyển, thực hiện hỏa táng ngay, càng sớm càng tốt. Thi hài của người bệnh có thể được khâm niệm trong vòng 24h, người tham gia xử lý phải được trang bị đẩy đủ phương tiện bảo vệ, chỉ những người được hướng dẫn đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn mới được tham gia. Ngoài ra, cần xử lý khử khuẩn các vật dụng trong buồng bệnh của bệnh nhân nhằm tránh phát tán virus ra bên ngoài.